Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

CHIẾN THẮNG 07/01/1979: TRANG SỬ VÀNG TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA

 Đã 42 năm (7-1-1979 / 7-1-2021) qua đi kể từ ngày nhân dân Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu, những “vết sẹo” lớn nó để lại vĩnh viễn không bao giờ lành, nhức nhối và ám ảnh mỗi khi nhắc đến một trong những trang sử bi thảm nhất lịch sử loài người trong thế kỷ 20.

Bóng đêm thời Khmer Đỏ
Đúng sáng 17-4-1975, thủ đô Phnom Penh - thành trì cuối cùng của chính quyền Lon Nol (Cộng hòa Khmer) thất thủ, chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng, gây thiệt hại nặng nề cả về người và của trong suốt 5 năm qua kể từ ngày tướng Lon Nol lật đổ Quốc trưởng Norodom Sihanouk (18-3-1970). Rất đông người dân Campuchia đã vui mừng khôn xiết đổ ra đường chào đón những đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Phnom Penh, bởi họ hiểu rằng chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lập lại, sẽ không còn tiếng bom đạn xen lẫn trong đời sống thường ngày của họ. Người dân Campuchia đã mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc mà họ đã chờ đợi từ lâu. Nhưng trớ trêu thay, ngày mà họ hy vọng nhất vào một tương lai tươi sáng ấy lại chính là ngày khởi đầu cho một giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Campuchia.
Chỉ vài giờ sau khi tiến vào Phnom Penh, Khmer Đỏ đã ra lệnh ép buộc tất cả người dân phải rời khỏi Phnom Penh với lý do “Mỹ sẽ ném bom xuống Phnom Penh”, bất cứ ai không nghe theo mệnh lệnh đều bị sát hại không từ là người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, nhà sư, trí thức… Từng đoàn người dắt díu, bồng bế nhau bị xua đuổi về các vùng quê, chen lấn nhau như nước vỡ bờ tạo nên một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn. Chỉ từ chiều ngày 17-4-1975, thủ đô Phnom Penh từ một thành phố với nhịp sống nhộn nhịp, dân cư đông đúc bỗng chốc trở thành một thành phố “ma” hoang tàn, tĩnh lặng đến rợn người.
Ngay sau khi giành được chính quyền, chế độ Khmer Đỏ đã tiến hành xây dựng một xã hội chưa từng có trong lịch sử, khi tách biệt đất nước với thế giới bên ngoài. Chúng thành lập “Nhà nước Campuchia Dân chủ” và thực hiện chính sách phản động trên toàn quốc, chúng áp đặt những chính sách độc tài hết sức dã man, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân và biến họ thành nô lệ thực thi mọi mệnh lệnh của “tổ chức”. Với luận điệu và khẩu hiệu “xóa bỏ giai cấp” chính quyền Campuchia Dân chủ đã xóa bỏ thành thị, lùa người dân từ thành thị về nông thôn, ép buộc họ phải làm nông dân, cưỡng bức lao động khổ sai.
Về văn hóa - xã hội, Khmer Đỏ thực hiện chính sách ngu dân, xóa bỏ trường học, giết hại trí thức, hủy bỏ hệ thống giáo dục các cấp, phá hoại di sản văn hóa lâu đời, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Khmer, xóa bỏ một cách thô bạo tự do tín ngưỡng, phá chùa, giết sư, có hàng trăm nghìn người Campuchia có học thức, tầng lớp trung lưu đã bị tra tấn và hành quyết trong các nhà tù đặc biệt được lập tại các thành phố, trong đó nổi tiếng nhất là nhà tù Tuol Sleng ở Phnom Penh - nơi có khoảng 17.000 tù nhân, không kể đó là đàn ông, đàn bà, người lớn hay trẻ nhỏ đã bị bỏ tù và sát hại trong thời gian Khmer Đỏ cầm quyền... Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày (17-4-1975 / 7-1-1979), chúng đã sát hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội.
Liên minh chiến đấu
Cùng với những chính sách cực đoan, tàn bạo, khát máu mà Khmer Đỏ áp đặt lên người dân trong nước thì chúng cũng đồng thời thực thi chính sách về đối ngoại vô cùng nguy hiểm. Được bên ngoài kích động, xúi bẩy và hậu thuẫn, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary ra sức xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, kích động tư tưởng thù hằn dân tộc, chống Việt Nam. Những hoạt động quân sự xâm phạm biên giới của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary thực sự là hành động cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm thô bạo đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trực tiếp gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Sau những sự kiện nghiêm trọng trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn hai nước Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng nền độc lập của nhau, tôn trọng lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Đáp lại đề nghị đầy thiện chí của Việt Nam, phía Campuchia dân chủ không những không chịu gặp gỡ, trao đổi với phía Việt Nam mà còn tăng cường xâm lấn quân sự dọc biên giới hai nước, mở nhiều cuộc tiến công lớn sang lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, suốt từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang lên tới Tây Nguyên, gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngày 15-6-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam đã thống nhất xác định: Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary với sự xúi giục và ủng hộ của thế lực phản động nước ngoài không những đã phản bội sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, phản bội Việt Nam, gây nên thảm họa diệt chủng tàn bạo ở trong nước và cuộc chiến tranh chống Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 4 (27-7-1978) ra Nghị quyết về vấn đề Việt Nam - Campuchia, xác định: Tập trung sức thực hiện nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam... phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, giúp nhân dân Campuchia làm lại cuộc cách mạng.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, từ ngày 23-12-1978, các binh đoàn chủ lực Việt Nam tiến hành chiến dịch tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng và tan rã từng mảng lớn. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. Phần lớn lực lượng Pol Pot - Ieng Sary bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây Campuchia.
Hướng tới tương lai
Chiến thắng đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary mùa Xuân năm 1979 là chiến công chung của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, kết quả của sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội Việt Nam với các lực lượng yêu nước, cách mạng chân chính Campuchia và sự ủng hộ to lớn của nhân dân Campuchia. Với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định, nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.
Trong thông điệp gửi tới nhân dân Campuchia nhân dịp kỷ niệm 42 năm Chiến thắng 7-1, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã tái khẳng định về công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và chiến sĩ cách mạng Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của đất nước Campuchia. Đây vĩnh viễn là một phần lịch sử hào hùng, tráng lệ của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung Việt Nam - Campuchia.
Đã 42 năm kể từ sau Chiến thắng ngày 7-1-1979, hai nước Việt Nam và Campuchia vẫn luôn luôn trân trọng và gìn giữ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp này. Như Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, “vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau và Việt Nam mãi mãi là người Bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một của Campuchia”. Còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng bày tỏ mong muốn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Năm 2020 vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất cho điều này, khi cả Việt Nam và Campuchia đều phải căng mình đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng truyền thống “tương thân tương ái”, “chia ngọt sẻ bùi” giữa hai dân tộc lại càng tỏa sáng. Ngay sau khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã có cuộc điện đàm thăm hỏi lẫn nhau. Hai bên cùng thể hiện quyết tâm phối hợp chặt chẽ trong phòng chống dịch bệnh, kịp thời giải quyết mọi vấn đề khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho nhau. Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp Việt Nam… đã kịp thời có những món quà ý nghĩa là những trang thiết bị y tế cần thiết gửi tặng chính phủ và nhân dân Campuchia chống dịch Covid-19. Việt Nam cũng đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác mà Campuchia dành cho Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, cũng như trong việc đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trong thời gian qua, dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, khó lường, tuy nhiên hai nước vẫn quyết tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế hợp tác, các thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Nổi bật trong đó là sự kiện ngày 22-12-2020 đã diễn ra Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc) được ký ngày 5-10-2019 tại Hà Nội. Với việc hoàn tất trao đổi Văn kiện Phê chuẩn, hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 84%) biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia nêu trên đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22-12-2020 và đi vào đời sống chính trị của hai nước.
Ngày 3-1 vừa qua, tại Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary do Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam tổ chức, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth cũng khẳng định, thắng lợi vĩ đại này mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Campuchia, chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa do Pol Pot - Ieng Sary gây ra, một cuộc chiến tranh đi ngược lại lợi ích dân tộc, phá hoại tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam.
Dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hai nước Việt Nam và Campuchia sẽ vẫn cùng nhau cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi bị kích động, những hoạt động vu khống, gây chia rẽ để quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Campuchia, vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.
ĐOÀN TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét