Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

CÓ MỘT NGƯỜI ANH HÙNG NHƯ THẾ

 Trong suy nghĩ của chúng ta, anh hùng phải là người xông pha nơi chiến trận, giết giặc nơi tiền tuyến, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng đối với Việt Nam, đất nước “ra ngõ gặp anh hùng”, thì một em học sinh, một bà má, một chị nông dân, một du học sinh cũng có thể trở thành anh hùng. Trần Văn Ơn là một trường hợp trong số đó

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào chiến tranh Đông Dương, ủng hộ Pháp, ủng hộ chính phủ bù nhìn quốc gia, hỗ trợ xây dựng và huấn luyện quân đội quốc gia Việt Nam, chống phá cuộc kháng chiến.
Căn cứ tình hình thực tiễn, nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên, Trung ương Đảng chủ trương lãnh đạo quân và dân ta tích cực hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị để chuyển sang tổng phản công. Với tinh thần đó, cuối năm 1949, đầu năm1950, bên cạnh việc lãnh đạo đẩy mạnh đấu tranh quân sự, kinh tế, binh vận, Đảng chủ trương động viên các tầng lớp nhân dân vùng tạm bị chiếm phối hợp nổi dậy đấu tranh chính trị đòi các quyền dân sinh, dân chủ, trong đó tập trung vào các đô thị lớn và tầng lớp học sinh, sinh viên. Sài Gòn, Gia Định là một trong những địa bàn truyền thống phong trào học sinh, sinh viên diễn ra sôi động, quyết liệt.
Triển khai chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vùng tạm bị chiếm được đề ra ở Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu (1-1949), tháng 10 -1949, Xứ ủy Nam Bộ họp với Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn chủ trương: Bên cạnh phát động phong trào công nhân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, phải đặc biệt coi trọng công tác vận động, tổ chức học sinh, sinh viên đấu tranh đòi cải cách giáo dục, chống giáo dục nhồi sọ của chủ nghĩa thực dân, bên cạnh hình thức đấu tranh công khai, cần xây dựng tổ chức bí mật làm nòng cốt lãnh đạo. Xứ ủy và Phái đoàn Trung ương giao nhiệm vụ cho Thành ủy Sài Gòn phải lập Ban Cán sự nội thành để chỉ đạo phong trào. Tháng 11-1949, Ban Cán sự nội thành được thành lập, do đồng chí Nguyễn Kiệm làm Bí thư.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ và Thành ủy Sài Gòn, năm 1950, cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, học sinh, sinh viên Sài Gòn, Chợ Lớn đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ.
Ngày 9-1-1950, Đoàn Thanh Niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động, tổ chức hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường Pétrus Ký, Huỳnh Khương Ninh, Nguyễn Văn Khuê, Gia Long, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân trên địa bàn biểu tình, chống độc lập giả hiệu, chống khủng bố, đòi thả các học sinh bị bắt (trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn), đò bảo đảm an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ... Để hỗ trợ phong trào học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân tích cực biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính, ủng hộ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên.
Đoàn biểu tình của học sinh, sinh viên kéo đến Nha học chính và Dinh Thủ hiến bù nhìn đưa yêu sách. Địch đàn áp dã man, 30 học sinh bị thương, 500 học sinh bị bắt. Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu cho ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, đã dũng cảm hứng chịu dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, đã bị trúng đạn và hy sinh vào 15 giờ 30 phút chiều ngày 09-01-1950 khi chưa tròn 19 tuổi.
Trước sự đàn áp của địch và sự hy sinh anh dũng của học sinh Trần Văn Ơn, cả Sài Gòn sôi sục, các tầng lớp nhân dân vô cùng căm phẫn. Các hãng, các xưởng biểu tình, đình công. Các hiệu buôn người Việt, người Hoa, người Ấn, các hãng tư nhân khác đều đóng cửa. Các phương tiện vận tải dừng không chở khách, tập trung phục vụ chở người xuống đường tham gia đám tang Trần Văn Ơn. Sài Gòn, Chợ Lớn như một rừng người với rừng biểu ngữ, băng rôn, xông lên như bão nổi khắp phố phường hô vang khẩu hiệu phản đối sự tàn bạo của thực dân Pháp, tinh thần Trần văn Ơn bất diệt.
Đám tang Trần Văn Ơn ngày 12- 1-1950 đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng lôi cuốn hàng trăm nghìn người dân Sài Gòn đủ mọi tầng lớp tham gia, lên án bọn cướp nước và bán nước. Ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của học sinh Trần Văn Ơn và đông đảo học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 - 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày mồng 9-1 hằng năm là Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.
Tiếp nối cuộc đấu tranh học sinh, sinh viên ngày 9-1, ngày 5-5-1950, trên địa bàn Chợ Lớn, đông đảo phụ huynh, học sinh người Hoa, do nữ học sinh Trần Bội Cơ đứng đầu, biểu tình phản đối nhà cầm quyền thực dân đã ra lệnh giải thể các lớp cấp 3 trường Phước Kiến (nay là trường Trần Bội Cơ ở phường 3, Quận 5).
Trước làn sóng đấu tranh của phụ huynh, học sinh Chợ Lớn, chính quyền quốc gia huy động cảnh sát đàn áp, bắt giam 100 học sinh, trong đó có nữ học sinh Trần Bội Cơ. Tại bốt cảnh sát quận 4 (nay là Quận 5), cảnh sát dùng đủ mọi cực hình để tra tấn Trần Bội Cơ hòng khai thác tổ chức cách mạng và nhằm trấn áp phong trào đấu tranh đang dâng cao trong giới học sinh, sinh viên. Với ý chí kiên cường, bất khuất, nữ sinh Trần Bội Cơ không hề bị khuất phục trước mọi thủ đoạn thâm độc, tàn bạo của địch. Ngày 12 - 5 - 1950, kiệt sức trước đòn thù hiểm ác, Trần Bội Cơ đã hướng về các phòng giam của bè bạn hô lớn những lời tâm huyết sau cùng: “Các bạn, hãy đứng lên!” rồi ra đi vĩnh viễn khi vừa tròn 18 tuổi.
Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ hiến Trần Văn Hữu trong lần gặp Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, trưởng Phái đoàn đại biểu các giới đã phải hứa sẽ đáp ứng các yêu sách của Phái đoàn: Mở cửa các trường, trả tự do cho những học sinh bị bắt, nhận lại những công nhân bị sa thải vì đã bãi công để dự đám tang Trần Văn Ơn, cho phép ra lại những tờ báo bị đóng cửa vì loan tin các cuộc đấu tranh của quần chúng.
Hưởng ứng phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn, Chợ Lớn, trong năm 1950 và những năm sau đó, nhân dân các địa phương trong cả nước đã không ngừng nổi dậy đấu tranh dưới nhiều hình thức chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Sự hy sinh của Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ cùng nhiều học sinh, sinh viên đã để lại trong lòng nhân dân Việt Nam bao nỗi tiếc thương, lòng khâm phuc và niềm tự hào dân tộc; trở thành biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam.
Tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và sự hy sinh quên mình của học sinh, sinh viên Sài Gòn, Chợ Lớn không chỉ là nguồn cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đấu tranh thời kháng chiến mà còn có ý nghĩa như tấm gương sáng cổ vũ thế hệ trẻ hôm nay xung kích trên mọi mặt trận trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.
Ghi nhớ sự hy sinh của thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn, Chợ Lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (9/01/1950 – 9/01/2000), liệt sĩ Trần Văn Ơn Trần Bội Cơ, đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tổ quốc mãi mãi ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ.
Theo VNTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét