Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

ĐỂ CÔNG CHÚNG KHÔNG BỊ "LỆCH CHUẨN"

 Trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, văn học-nghệ thuật (VHNT) là mặt trận tiên phong. Với đặc trưng của từng lĩnh vực, việc nhận diện những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong VHNT rất khó khăn, phức tạp.

Chính vì vậy, giải pháp đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hoạt động sáng tác, biểu diễn, phổ biến các tác phẩm VHNT cũng như xu hướng, nhu cầu thị hiếu công chúng cũng rất phức tạp, khó khăn. Cách tốt nhất là lấy xây để chống, tăng cường chấn hưng các giá trị chân-thiện-mỹ trong tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ, xây dựng, phát triển hệ sinh thái VHNT lành mạnh...
Thị hiếu thẩm mỹ và những biểu hiện “lệch chuẩn”
“Lệch chuẩn”, “loạn chuẩn”... là những thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong lý luận, phê bình VHNT những năm gần đây. Những khuynh hướng đi ngược lại tôn chỉ chân-thiện-mỹ, phổ biến là kiểu lai căng, sính ngoại, thương mại hóa quá đà, giật gân, câu khách, nhảm nhí, cổ xúy thị hiếu nhất thời... đều là tác nhân gây nên tình trạng “lệch chuẩn”.
Trong một diễn đàn văn nghệ ở TP Hồ Chí Minh, một nhà văn khá nổi tiếng kể câu chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng khiến nhiều người phải băn khoăn, suy nghĩ. Chuyện là con gái anh đang học lớp 10. Vợ chồng anh nuôi dạy rất chu đáo nên cháu luôn là trò giỏi, con ngoan. Ấy vậy mà mới đây, cháu nằng nặc đòi bố mẹ cho tham gia một khóa học rap, sau đó thì thường xuyên lên mạng bắt chước các “ngôi sao”, vừa nhún nhảy, vừa đọc những mớ ngôn từ mà theo anh là “không thể nghe và hiểu ý nghĩa của nó là gì”. Khuyên con bỏ mấy cái trò đó để tập trung học hành, đọc sách, thì cháu nói: “Con đi giao lưu, sinh hoạt, thấy bạn bè nhảy nhót, đọc rap rất sôi động. Mình không làm được sẽ bị coi thường”. Tìm hiểu mới vỡ lẽ, cháu và các bạn bị cuốn theo một trào lưu đã và đang gây sốt giới trẻ trên không gian mạng. Rap là hình thức nghệ thuật giải trí trong văn hóa hip hop của Âu-Mỹ. “Đành rằng lớp trẻ cần tiếp cận những hình thức nghệ thuật hiện đại của thế giới để có kỹ năng, vốn sống trong thời hội nhập, nhưng việc các cháu bị cuốn theo những thứ đó đến mức si mê, phát cuồng thì rất gay go. Các cháu lấy hình ảnh của “ngôi sao” mà thân thể, gương mặt đầy hình xăm để làm thần tượng noi theo thì thực sự là rất đáng lo ngại”-nhà thơ cảm thán.
Nhiều người thấy anh bức xúc mới vỡ lẽ, con em mình cũng thế. Rất nhiều hình thức giải trí được cho là “thời thượng”, hễ cứ gây “sốt” trên không gian mạng là y như rằng một bộ phận đông đảo giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên bị cuốn theo. Lập tức, hàng loạt dịch vụ liên quan ra đời, nào dạy kỹ năng, nào tổ chức các sân chơi, hội thi, rồi thì trao giải thần tượng này thần tượng nọ, diễn ra khắp nơi. Các bậc phụ huynh biết đấy, nhưng phần đông đều nghĩ, nó chỉ là một hình thức giải trí, chả chết ai nên cũng chả mấy ai bận tâm!
Xét một cách công bằng và khách quan, các hình thức nghệ thuật, giải trí ấy luôn cần cho cuộc sống hôm nay. Vấn đề là khi nó trở thành dòng chủ lưu trong đời sống VHNT, lấn át các hình thức, giá trị truyền thống chân-thiện-mỹ thì công chúng, nhất là người trẻ, sẽ đi theo xu hướng ấy, coi nhẹ văn hóa dân tộc. Giới nghiên cứu cho đó là những biểu hiện “lệch chuẩn” trong đời sống VHNT. Lỗi không phải do các cháu hoàn toàn, mà do chính chúng ta đã và đang tạo ra môi trường cảm thụ thiên lệch. Tại hội nghị của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TP Hồ Chí Minh mới đây, nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý và văn nghệ sĩ nổi tiếng đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn về vấn đề này. Theo đó, việc hàng loạt game show giải trí, trong đó có nhiều chương trình vay mượn kịch bản nước ngoài liên tục “khuynh đảo” thị trường giải trí và được “lăng xê” quá đà, đã vô hình trung đẩy các loại hình, sản phẩm nghệ thuật truyền thống vào thế yếu, nhiều loại hình, sản phẩm gần như bị lãng quên. Hễ cứ lên mạng là các hình ảnh “thần tượng” nọ, “thần tượng” kia đập vào mắt, chắc chắn giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng, bị lôi kéo theo trào lưu do “thần tượng”, đúng ra là do nhà sản xuất tạo ra. Tham gia một cuộc thi giải trí mà thí sinh chỉ cần phùng má, trợn mắt, nói dăm ba câu hài nhảm để chọc cười giám khảo là đã có thể kiếm được cả chục triệu đồng, hơn cả tiền thưởng dành cho học sinh giỏi cấp quốc gia thì hỏi làm sao các cháu không bị mê hoặc?
Tình trạng “lệch chuẩn” trong thị hiếu công chúng chính là mảnh đất béo bở để các thế lực thù địch gieo rắc tư tưởng cực đoan, phản động, chống phá Đảng, làm băng hoại các giá trị bản sắc. Các thế lực phản động bên ngoài biên giới quốc gia luôn săm soi, tìm kiếm những phần tử cực đoan trong nước, nhất là trong giới văn nghệ sĩ để cấu kết, dương đông kích tây, tạo ra các giá trị ảo dụ dỗ, lôi kéo công chúng, làm cho giới trẻ dần xa rời bản sắc dân tộc, truyền thống lịch sử cha ông.
Về phía các đơn vị tổ chức, cán bộ quản lý, nếu cứ mải mê chạy theo các cách để kiếm tiền bằng mọi giá, coi nhẹ chức năng căn bản của VHNT đối với xã hội thì đó cũng là một hình thức “lệch chuẩn” trong đạo đức nghề nghiệp, cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.
Xây dựng, phát triển hệ sinh thái lành mạnh cho VHNT
Thực trạng trên xuất phát từ xu hướng thương mại hóa trong đời sống VHNT. Vấn đề này xuất hiện và phát triển khó kiểm soát trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập, khi VHNT cũng là một loại hàng hóa đặc thù. Đảng ta đã chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): “Xu hướng thương mại hóa, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của VHNT bị suy giảm... Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan”.
Khi chức năng cơ bản của VHNT đối với xã hội bị suy giảm thì đó cũng là lúc mầm mống suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống có môi trường phát sinh, phát triển. Từ việc sùng bái, đề cao tính giải trí nhất thời, coi nhẹ các giá trị truyền thống... sẽ dẫn tới những lệch lạc trong tư duy, tư tưởng, quan điểm sáng tạo, nảy sinh khuynh hướng sáng tác kiểu ám chỉ, xổ toẹt, phỉ báng thành tựu của Đảng và dân tộc. Sự ảnh hưởng nhanh chóng, toàn diện của mạng xã hội là môi trường để những cá nhân có tư tưởng cực đoan, chống đối lợi dụng tự do sáng tác để phổ biến các sản phẩm kiểu ám chỉ. Đây là điều rất nguy hại, vì với VHNT, khi tác giả muốn ám chỉ để lan truyền ý đồ xuyên tạc, nói xấu Đảng, bôi nhọ chế độ, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch “xâm lăng văn hóa”, rất khó để can thiệp bằng luật pháp nếu chưa có đủ bằng chứng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ mối nguy này, đó là: “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, VHNT. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng”...
VHNT là mặt trận tiên phong, đặc thù trong trận địa tư tưởng chính trị của Đảng. Để đẩy mạnh chấn hưng các giá trị truyền thống, đề cao tính dân tộc, tính Đảng, tính nhân văn trong đời sống VHNT, cần phải nhất quán quan điểm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Tuyệt đối không để sản phẩm VHNT theo thị hiếu nhất thời trở thành dòng chủ lưu trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.
Xây dựng và phát triển hệ sinh thái lành mạnh là phải hình thành môi trường đầu tư, quan tâm xuyên suốt từ sáng tác, biểu diễn, phổ biến tác phẩm, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái lành mạnh cho VHNT cũng chính là cách để chúng ta tiếp tục cụ thể hóa, phát triển quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh các giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng về VHNT; phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng. Không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là quan tâm đến tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực vào môi trường sáng tạo và phê bình, nhất là trên không gian mạng. Công chúng cần được hưởng thụ ngày càng nhiều tác phẩm VHNT có giá trị. Các cơ quan, đơn vị quản lý, giáo dục VHNT từ Trung ương đến cơ sở phải tiếp tục chú trọng bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ có đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức và tài năng sáng tạo... Có được môi trường sinh thái ấy, đời sống công chúng và xã hội sẽ có sự định hướng đúng đắn theo các giá trị chân-thiện-mỹ, ngăn chặn hiệu quả tình trạng “lệch chuẩn”, “loạn chuẩn”./.
Hình ảnh có thể có: 2 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét