Gần đây, âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch ngày càng xảo quyệt và nguy hiểm. Những quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch đã tung ra đều có chung bản chất và mục đích, nhưng hình thức thể hiện ngày càng thay đổi đa dạng.
Có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch, hằn học với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; có quan điểm thừa nhận lịch sử nhưng lại phủ nhận giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin... Đặc biệt, những luận điểm cố tình tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó “nâng tầm” một cách giả tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm có tính ngụy biện dễ làm cho một số người ngộ nhận, tin theo.
Thực tế đã và đang khẳng định bản chất cách mạng và khoa học, giá trị và sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ con đường Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin một cách cơ bản, hệ thống. Theo Người: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”. Và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin để đưa ra các quan điểm riêng, mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Nếu không có chủ nghĩa Mác - Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ khi tiếp nhận được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự được xác lập và phát triển.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt “hòn đá tảng” những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về tinh thần xử lý mọi việc. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng nằm trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những cống hiến đó có được trước hết do Người đã nắm được bản chất cốt lõi, “linh hồn sống” trong tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin là phép biện chứng duy vật.
Theo Hồ Chí Minh, mục đích học chủ nghĩa Mác - Lênin là để phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa, nếu không hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư, tự lợi là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.
Đối với các thế lực thù địch, với âm mưu và động cơ chính trị đen tối, chúng luôn tìm cách tuyên truyền luận điểm cho rằng: Ở Việt Nam bây giờ học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, chỉ cần nói tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nói chủ nghĩa Mác - Lênin. Trước luận điểm này, cần có sự nhạy cảm chính trị để thấy rõ, đây không phải là sự ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị đích thực, vốn có trong tư tưởng của Người. Trái lại, với luận điểm trên, các thế lực phản động muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu của tư tưởng này là chủ nghĩa Mác - Lênin, làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này là hết sức nguy hiểm vì đích cuối cùng luận điểm này hướng đến đó là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, làm suy yếu và đi đến xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ Luận cương chính trị (10-1930) cho đến văn kiện Đại hội VI (năm 1986) luôn nhất quán khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta có sự phát triển, bổ sung trên có sở sự vận động của thực tiễn. Theo đó, Đảng khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Đây là biểu hiện về nhận thức đúng, sâu sắc mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng.
Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Đại hội XII của Đảng đã tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Như vậy, Đảng ta xác định rất rõ: công cuộc đổi mới hiện nay phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Những biểu hiện tư tưởng cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta.
Vì vậy, cần kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét