Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông được tiếp nhận làm giảng viên Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Bộ Quốc phòng Australia, nhiệm kỳ hai năm.
Thiếu tá Đông lên đường sang Australia nhận công tác từ 3/1, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam - thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết tại Hội nghị tổng kết về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2020.
Thiếu tá Đông đã có một nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (UNMISS) từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019 với vai trò Quan sát viên quân sự.
Trước đó, tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu - EU tháng 8/2018, EU chính thức mời Việt Nam cử cán bộ tham gia đội giảng viên huấn luyện cơ động tại một số Phái bộ huấn luyện Gìn giữ hòa bình của EU tại Trung Phi, Somalia, Mali hoặc tại một số nước châu Âu.
Tháng 6/2018, Liên hợp quốc công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác ba bên. Trong ba năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam đã chủ trì ba khoá huấn luyện cho nhiều sĩ quan quốc tế và trong nước về vận hành trang bị công binh hạng nặng.
"Việc Việt Nam được lựa chọn là địa điểm huấn luyện các lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho thấy đánh giá cao của Liên hợp quốc đối với những kết quả tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã đạt được", Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhấn mạnh.
Năm 2020, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam còn có ba sĩ quan vượt qua các bài kiểm tra để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc ở trụ sở New York (Mỹ); sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Trung Phi.
Các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thống nhất cử Việt Nam làm Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm Gìn giữ hòa bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC) nhiệm kỳ 2020-2021 và dự kiến tổ chức Hội nghị tại Việt Nam năm 2021. Các trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình của ASEAN (APCN) cũng lựa chọn Việt Nam làm Chủ tịch Mạng lưới APCN.
"Thời gian tới, ngoài việc duy trì bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ Nam Sudan và các vị trí cá nhân như hiện nay, chúng tôi sẽ nghiên cứu khả năng mở rộng các hình thức khác như Quân cảnh, Bộ binh bảo vệ, Đội trực thăng vận tải...; mở rộng các vị trí cá nhân tại các phái bộ; tiếp tục cử sĩ quan đã qua Phái bộ ứng thi vào các vị trí Chỉ huy tại các Phái bộ và vào các cơ quan của Liên hợp quốc", Cục trưởng Hoàng Kim Phụng thông tin.
Đại tá Mạc Đức Trọng, Cục phó Gìn giữ hòa bình, một trong hai sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ ở phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan năm 2014, cho hay: "Đến những vùng khó khăn, tình hình căng thẳng, thông thường chúng tôi chỉ được chào đón bằng những loạt đạn, bằng những ánh mắt thù hận, bằng những căng thẳng. Tuy nhiên, khi tiếp xúc gần, họ nhìn thấy chữ Việt Nam trên ngực, lập tức thái độ của họ thay đổi, bày tỏ sự trân trọng vì họ được biết đến những người lính Cụ Hồ kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc".
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng đúc kết, nguyên nhân của những thành quả mà lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đạt được trong thời gian qua là nhờ vị thế đất nước, sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trình độ, năng lực, phẩm chất của sĩ quan ở địa bàn.
"Chúng ta tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm nâng cao vị thế đất nước. Trong 5 năm tới, chúng ta đặt mục tiêu dẫn đầu khu vực ASEAN về hoạt động gìn giữ hòa bình khu vực, thành lập trung tâm nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ đa phương", tướng Vịnh nói.
Ông chỉ đạo, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phải tăng độ che phủ, tức là tăng số nước gửi quân tham gia gìn giữ hòa bình và tăng đội dự bị trong nước, coi việc hợp tác với EU là hướng mới, và đưa thêm cán bộ vào cơ quan chiến lược, chỉ huy của Liên hợp quốc.
Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đầu năm 2018 Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được tổ chức lại thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; đồng thời chuyển giao Tổ công tác liên ngành về tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng để bảo đảm nâng cao sự tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Từ tháng 6/2014 đến 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc.
Việt Nam đang chuẩn bị Đội công binh gồm 295 người để sẵn sàng triển khai trong năm 2021.
Theo VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét