Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

BẢO ĐẠI: SẴN SÀNG THOÁI VỊ NẾU ĐÓ LÀ "THÁNH NGUYỄN ÁI QUỐC"

Trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Phạm Khác Hòe đã cho thấy sự kính trọng của Bảo Đại đối với “Thánh” Nguyễn Ái Quốc:
“Trong ngày 19 tháng 8, Bảo Đại bốn lần gọi tôi qua hỏi đã biết được lãnh tụ Việt Minh là ai chưa. Sáng ngày 20, sau khi đi ra phố xem và biết chắc rằng những lời đồn đại về một bức thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mới được dán lên ở nhiều nơi công cộng, tôi liền bảo việc ấy với Bảo Đại và nói thêm: “Theo lời lẽ của bức thư, thì chắc chắn nhà cách mạng nổi tiếng là người cầm đầu Việt Minh”. Rồi tôi vừa hỏi, vừa gợi ý xem Bảo Đại có hiểu biết gì về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không, thì ngoài vở kịch Con rồng tre đả kích Khải Định ra, ông ta không biết gì cả.
Tôi bèn kể cho Bảo Đại nghe việc sớm đi các nước phương Tây của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc theo hiểu biết rất hạn chế của mình lúc đó. Nhưng cảm thấy câu chuyện của mình không hấp dẫn Bảo Đại lắm. Tôi chuyển sang chuyện một câu sấm được lưu truyền ở vùng Nghệ Tĩnh đã từ lâu và qua đó nhiều lần đã thần thánh hóa nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
Đó là sấm “Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”, nghĩa là khi nào núi Đụn Sơn tự phân chia ra, khe Bò Đái mất tiếng kêu thì đất Nam Đàn sẽ có thánh ra đời. Vì Đụn Sơn và Bò Đái đều nằm trong địa phận huyện Nam Đàn.
Nhân dân địa phương thường kể rằng câu sấm ấy là do nhà tiên tri Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) phán ra từ thế kỷ thứ 16. Đến cuối thế kỷ 19, thì núi Đụn Sơn trước kia là một hòn nguyên vẹn đã chia ra làm hai bằng đường rạn nứt ở giữa, và khe Bò Đái xưa kia nước chảy ầm ầm ngày đêm thì không nghe tiếng nữa. Như thế tức là đã đến lúc Nam Đàn có thánh ra đời. Thánh đó là ai? Lúc đầu, người ta cho đó là nhà cách mạng Phan Bội Châu, nhưng khoảng năm 1920 trở đi, người ta lại cho đó là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà hoạt động cách mạng ở Pháp đã bắt đầu vang dội vào trong nước.
Câu chuyện nhuốm màu sắc thần bí ấy được tôi kể với niềm tin lúc đó, đã được Bảo Đại lắng nghe một cách thích thú, say xưa hơn nhiều với những mẫu chuyện thật tôi kể lúc đầu. Nghe xong, Bảo Đại liền nhắc lại một cách tự đắc câu sấm: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” cũng là của Trạng Trình, rồi ông ta hỏi tôi có biết chuyện một điềm lạ xảy ra ở Đại Nội cách đó chừng hai tháng không. Tôi chưa kịp trả lời, thì Bảo Đại vội vàng kể với giọng đầy tự hào:
- Hôm đó là ngày Quốc khánh (ngày Gia Long lên ngôi), trẫm từ Kiến Trung đi bộ theo các hành lang ra đến Càn Thành rồi mới bước lên kiệu ngự ra Thái Hòa dự lễ. Khi trẫm bước lên kiệu thì ngay chỗ Trẫm vừa đi qua một rầm (xà ngang) to tướng rơi xuống một cái ầm ngay giữa hành lang. Nếu nó rơi sớm đi năm bảy giây thôi thì chắc trẫm đã chết. Đức Từ có chứng kiến việc ấy và Ngài đoán chắc rằng: Đó là Phật thánh báo hiệu cho biết một bước ngoặc rất lớn sắp xảy ra trong đời Trẫm, nhưng Trẫm vẫn được an toàn vô sự. Ông có tin như vậy không?
- Tâu! Chúng tôi tin lời Đức Từ đoán là đúng, nhưng vì việc xảy ra chính lúc ngài ngự ra dự lễ Quốc Khánh nên chúng tôi muốn đoán rõ thêm: Cái rầm to tướng rơi tức là thực dân Pháp đổ, từ nay không có Tây đứng kèm bên Ngài trong lễ Quốc Khánh nữa, nhưng Ngài vẫn được an toàn vô sự nhờ có sự che chở của cách mạng.
- Thế là ông muốn khuyên Trẫm thoái vị, nhường tất cả quyền binh cho Việt Minh phải không?
- Tâu. Đúng như vậy!
- Nếu quả thật người cầm đầu Việt Minh là “Thánh Nguyễn Ái Quốc” thì Trẫm sẵn sàng thoái vị ngay.
… Sáng ngày 24 tháng 8, tôi vào gặp Bảo Đại thì ông với vẻ mặt lo buồn, đưa cho tôi một bức điện nhận được trong đêm 23 tháng 8 do Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ từ Hà Nội gửi vào, nhưng dưới lại ký tên: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường.
Toàn văn bức điện như sau: “Một Chính phủ Nhân dân Cách mạng lâm thời đã thành lập, Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu Đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”.
Bức điện ấy làm cho Bảo Đại thất vọng và lo buồn vì như thế, câu sấm: “Nam Đàn sinh thánh” nói sai và như vậy câu sấm “…Vạn đại dung thân” cũng có thể sai. Nhưng Cụ Hồ Chí Minh là ai mà lâu nay ở Huế chưa hề nghe tiếng. Biết đâu Cụ Hồ Chí Minh và Cụ Nguyễn Ái Quốc không phải là một. Tôi nói như thế với Bảo Đại rồi chạy ra nhà Tôn Quang Phiệt để hỏi. Nhưng anh Phiệt đi vắng… Tôi chạy qua nhà anh Đào Duy Anh lục hết mọi tài liệu, sách vở ra xem thì Cụ Nguyễn Ái Quốc có nhiều tên trong quá trình hoạt động cách mạng, nhưng lại không có tên nào là Hồ Chí Minh cả. Chợt nhớ đến Vũ Văn Hiền vừa mới ở Hà Nội về, tôi chạy tới hỏi thì anh Vũ Văn Hiền nói ngay: “Đúng rồi, Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc”.
Tôi mừng quá lên xe cấp tốc về báo tin vui với Bảo Đại. Nghe xong, Bảo Đại bật ra ngay một câu tiếng Pháp “Như vậy thì thật đáng thoái vị”.
(Trích từ Trần Quỳnh Cư – Trần Việt Quỳnh, Các đời vua chúa nhà Nguyễn (chín chúa mười ba vua), NXB Thuận Hóa, 2008, tr.244-248)
Biên tập: Trần Hoàng
Hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét