Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC TA RẤT HÀO HÙNG - CHÚNG TA NỢ TIỀN NHÂN CÁCH TRUYỀN ĐẠT HAY CHO CÁC THẾ HỆ MAI SAU!

 Năm 1941, Bác Hồ trở về tổ quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc và chỉ sau đó 01 năm, Người đã viết tác phẩm "Lịch sử nước ta". Bài thơ ca ngợi những trang sử vẻ vang của dân tộc từ thời Hồng Bàng dựng nước đến năm 1942 - khi tác phẩm ra đời. Mục đích của bài thơ này chính là khơi gợi trong nhân dân lòng yêu nước, thương nòi; giáo dục về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc để dựng nước và giữ nước và sự cần thiết phải đứng lên làm cách mạng để cứu tổ quốc khỏi kiếp nô lệ không lối thoát! Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam!

Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung cho đến thời đại Hồ Chí Minh, đó là một pho lịch sử bằng vàng ròng! Thế nhưng, cách truyền đạt kiến thức lịch sử; khơi gợi tình yêu tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua những câu chuyện về lịch sử, về quá khứ hào hùng của tổ tiên lại chưa tương xứng. Sách giáo khoa về lịch sử vẫn còn rất sơ sài, các tiết học về lịch sử vẫn rất ít so với các môn khác; thậm chí, người ta còn đòi tích hợp môn lịch sử với các môn học khác. Truyền đạt rất khô cứng, giáo điều và máy móc! Tư duy, nhận thức của những người đứng đầu ngành giáo dục như thế; bảo sao mà học sinh lớp 12 lại phán: Quang Trung là anh của Nguyễn Huệ hay Nguyễn Huệ với Nguyễn Du là một người…
Có lẽ các vị đó đã không tìm ra được hướng truyền đạt thuyết phục hay không tạo được một “sân chơi” hấp dẫn để thu hút người Việt đến với lịch sử nước nhà một cách tự nhiên nhất. Điều này những nước quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm được, làm tốt không chỉ với dân chúng nước họ mà khiến cho người dân các nước xung quanh cũng phải rành và ngưỡng mộ lịch sử của họ. Nói đâu xa, chính người Việt Nam ta cũng thuộc lòng lịch sử Trung Quốc nhưng nhiều người mù tịt về lịch sử nước ta. Thật đáng tiếc cho chúng ta khi người dân không thiết tha tìm hiểu lịch sử nước nhà mặc dù lịch sử Việt Nam cũng hào hùng và độc đáo không thua kém nước nào; thâm chí chúng ta ăn đứt người Trung Quốc vì lịch sử của họ đa số là các cuộc nội chiến chứ đánh giặc giữ nước thì họ “đánh toàn thua”. Thế nhưng khi lên phim ảnh thì hoàn toàn khác, chúng ta xem mà lòng thấy tự hào thay cho lòng yêu nước của nhân dân bạn. Cho dù lịch sử dân tộc họ không phải chỉ toàn màu hồng!
Thời Tần, Hán, họ sợ người Hung Nô thiểu số đến mức Tần Thủy Hoàng phải xây Vạn lý trường thành để ứng phó, người Hán phải dâng mỹ nhân Vương Chiêu Quân Cầu hòa. Thời Đường, An Lộc Sơn là người Hồ nhưng khiến cho người Hán sợ vỡ mật, loạn lạc liên miên. Thời Tống, đã là người Trung Quốc thì chẳng ai quên mối nhục Tĩnh Khang khi người Kim thiểu số đánh bại nhà Tống, 02 vua là Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông bị bắt làm tù binh và chết ở Kim. Người Mông Cổ đánh bại nhà Tống và cai trị Trung Quốc hơn 100 năm, thế nhưng khi sang Đại Việt, họ bị Trần Hưng Đạo và quân dân nhà Trần 03 lần lột móng ngựa; kỵ binh Mông Cổ được mạnh danh là thiên hạ vô địch nhưng phải nhục nhã cút khỏi Đại Việt. Nhà Minh thất bại dưới tay người Thanh, vốn là một bộ tộc thiểu số ở Đông Bắc Trung Quốc thế mà Đa Nhĩ Cổn đã mang Bát kỳ Mãn châu vào làm chủ Trung nguyên và cai trị suốt gần 3 thế kỷ. “Cái bánh ngọt Trung Quốc” bị nhiều nước châu Âu và Nhật xâu xé, dù họ đông gấp vạn lần.
Những người mà Trung Quốc luôn ca ngợi là danh tướng này hay minh quân nọ như: Đương Thái Tông, Minh Thành Tổ hay Quan Vũ… chẳng ai có thể so sánh được với Hưng Đạo vương và Lê Thánh Tông của Đại Việt; Đường Thái Tông có tài trị quốc nhưng bất nhân, bất nghĩa khi làm ra sự biến Huyền vũ môn giết cả anh trai là Lý Kiến Thành và em trai Lý Nguyên bá để đoạt ngôi và cướp thê tử của em. Minh Thành Tổ Chu Đệ tài ba lỗi lạc nhưng Tĩnh nan chi dịch đã giết hại người cháu của mình để cướp ngôi báu. Quan Vũ có nghĩa khí nhưng suy cho cùng ông ta cũng chỉ có cái dũng của kẻ thất phu, thất trận và chết ở Mạnh Thành, làm mất Kinh Châu, làm cho nước Thục suy yếu…Tất cả những người đó đều không thể so sánh với Hưng Đạo Vương, người 3 lần chiến thắng Nguyên Mông, là nhân tướng với đầy đủ trung dũng, tài ba và có đủ các yếu tố để hội tụ thành một thiên tướng quân như “nhân, nghĩa, lễ, trí tín”. Vua Lê Thánh Tông, Bắc kiềm tỏa quân Minh, Nam chinh mở rộng bờ cõi, Tây chiến khiến cho cả Đông Nam Á thần phục! Tóm lại, anh hùng nước Việt nhiều như lộc non của mùa xuân, thời nào cũng có.
Thế mà, hiện nay, dù khoa học công nghệ và trình độ, kỹ thuật cao, nền điện ảnh của nước nhà đã phát triển rất mạnh nhưng chúng ta vẫn nợ tiền nhân những bộ phim “ra hồn”. Chẳng phải vì thiếu kinh phí mà cái cốt lõi có chăng là do nhận thực và cái tâm chưa đủ. Chúng ta làm phim lịch sử về kháng chiến chống Pháp, Mỹ rất hay nhưng khi làm phim về lịch sử về các triều đại thì lại dở; thậm chí trang phục của tổ tiên còn không nhớ nên vu cho tiền nhân là mặc trang phục Trung Quốc. Làm phim nhưng chỉ thực hiện theo kịch bản mà không xem trọng vai trò cố vấn của các nhà sử học, các chuyên gia nghiên cứu thì rất khó để có một bộ phim thuần Việt.
Người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản làm phim về lịch sử dân tộc họ rất thành công, nhiều chi tiết được thần thánh hóa nhưng người xem từ trong đến ngoài nước đều rất thích thú, hào hứng đón nhận; họ làm được, tại sao chúng ta lại không? Trông người mà ngẫm đến ta, nghĩ rất buồn cho điện ảnh nước nhà và cả những người làm công tác định hướng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng và mặt trận giáo dục của nước nhà. Con người có tổ, có tông/ như cây có cội, như sông có nguồn! Xem nhẹ lịch sử chính là cái họa để cho “văn hóa lai căng” xâm nhập, dần dần làm mất hết bản sắc văn hóa của dân tộc. Chúng ta nợ tiền nhân cách truyền đạt, giáo dục cho muôn đời sau về lịch sử dân tộc hiệu quả./.
DVK - MNQ.
Hình ảnh có thể có: 1 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét