Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Việt Nam - Lào siết chặt tay nhau trên con đường bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế

 Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng anh em gần gũi, có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa, có quan hệ hữu nghị thủy chung và tinh thần tương thân tương ái hiếm có. Vận mệnh của hai nước, hai dân tộc luôn gắn bó khăng khít với nhau. Đặc biệt, kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ra đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Cay-sỏn Phôm-vi-hẳn và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông kính yêu trực tiếp đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp, mối quan hệ đó ngày càng trở nên keo sơn, khăng khít.

Trong thời kỳ hai nước đấu tranh giải phóng dân tộc, hàng ngàn hàng vạn người con thân yêu của Việt Nam đã tình nguyện sang giúp đỡ cách mạng Lào, lập Liên quân đoàn kết chiến đấu Việt -Lào, sẵn sàng hy sinh xương máu vì nhau. Bao thế hệ anh hùng, liệt sỹ Việt Nam đã cùng ngã xuống với chiến sỹ và nhân dân Lào anh em để mang lại chiến thắng vẻ vang cho hai dân tộc.
Sau khi cách mạng hai nước giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975, Việt Nam và Lào lại tiếp tục kề vai sát cánh bên nhau, cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, chống đói nghèo, lạc hậu, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển vững chắc, đi vào chiều sâu trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hoá - xã hội, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân... Các thoả thuận cấp cao, các hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hai nước được hai bên tích cực triển khai thiết thực, hiệu quả. Hai bên đã nhất trí nâng cấp “quan hệ hữu nghị truyền thống” thành “quan hệ hữu nghị vĩ đại”; hoàn thành và đang phối hợp chuẩn bị cho việc phổ biến rộng rãi Công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào 1930-2007; ký Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào và Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Lào; nhiều công trình, dự án hợp tác lớn được đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập, hỗ trợ tốt công tác xoá nghèo và nâng cao dân trí cho người dân Lào. Toà Nhà Quốc hội mới của Lào - quà tặng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đang được hoàn thiện, soi bóng bên Quảng trường Thạt-luông linh thiêng ở thủ đô Viêng Chăn, sẽ trở thành một biểu tượng mới cho mối quan hệ bất diệt Việt Nam - Lào. Hàng vạn con em các dân tộc Lào sau khi học tập ở Việt Nam trở về nước, đã trở thành những cán bộ có trọng trách trong bộ máy của Đảng, Chính phủ Lào, đã và đang đóng góp tích cực vào mối quan hệ Việt Nam - Lào.
Không chỉ trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam và Lào còn thể hiện rõ nét tại các diễn đàn đa phương như Liên hiệp quốc, ASEAN, hợp tác tiểu vùng…, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEM 2012, ASEAN 2016 và nhiều hội nghị quốc tế quan trọng khác. Lào đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc 2020-2021. Hai nước phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế tiểu vùng Mê Công, nhất là trong các vấn đề liên quan đến kết nối, phát triển kinh tế, an ninh nguồn nước, thu hẹp khoảng cách phát triển….
Trên cơ sở truyền thống tốt đẹp vốn có giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua, cùng với sự tin cậy ngày càng được tăng cường giữa hai dân tộc có sự gắn kết sâu sắc về địa chiến lược, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng như hiện nay, trong thời gian tới, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vẫn sẽ là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cả Việt Nam và Lào. Để hợp tác giữa hai nước thật sự hiệu quả và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ta cần quán triệt và thấm nhuần hơn nữa ý nghĩa sâu xa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”. Theo đó, chúng ta cần thực sự quyết tâm đưa các lĩnh vực hợp tác khác phát triển ngang tầm với quan hệ chính trị tin cậy và an ninh - quốc phòng gắn bó giữa hai nước, đặc biệt là kinh tế - thương mại - đầu tư, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để cùng giúp nhau vượt qua các khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời nhanh chóng bắt kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục quan tâm thích đáng đối với hợp tác văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và lâu dài cho sự nghiệp phát triển của mỗi nước, bổ sung các lợi thế cho nhau trong quá trình đổi mới và phát triển trong thời đại Cách mạng 4.0. Ta cũng cần gia tăng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới, các tổ chức xã hội, đoàn thể; chú trọng đẩy mạnh thực chất việc tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, về quan hệ Việt Nam - Lào, để các truyền thống và giá trị của quan hệ hai nước sẽ còn mãi với thời gian.
Với quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, tin tưởng rằng, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào sẽ không ngừng được tăng cường và phát triển thực chất, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”, để mối quan hệ Việt Nam - Lào “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”, “ngát thơm hơn bất cứ đoá hoa nào thơm nhất” như ý nguyện của Chủ tịch Cay-sỏn Phôm-vi-hẳn và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét