Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động, tích cực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Với 4 quan điểm chỉ đạo, 3 mục tiêu tổng quát, 11 mục tiêu cụ thể và 8 chủ trương, chính sách..., Văn kiện đã đưa ra quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta là: Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức; phát triển nhanh và bền vững, đưa Việt Nam vào TOP các quốc gia sáng tạo; có nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống cao, trở thành quốc gia thịnh vượng, hạnh phúc khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2045).
(Nguồn:techtimes.vn)
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, “đi tắt, đón đầu”; quốc gia sáng tạo.
1. Thời cơ và thách thức
Đảng ta nhận định: “Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước”(1); tạo cho Việt Nam có đột phá về năng suất lao động nói chung, nhất là các ngành công nghiệp lớn, mũi nhọn như: điện tử, hóa chất, dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp giải trí. Quan trọng hơn, đây là cơ hội để Việt Nam “đi tắt, đón đầu” trong sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Bởi CMCN 4.0 tạo ra cho Việt Nam 2 điều kiện cần và đủ để vượt qua các giai đoạn phát triển theo mô hình truyền thống. Nhờ internet vạn vật (IoT), mạng 5G; trí thông minh nhân tạo (AI), thiết bị không người lái; công nghệ in 3D, thực tế ảo (VR), fantech, blockchain, nano, sinh học; vật liệu, năng lượng mới; tin học lượng tử, robot hóa, tự động hóa... việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực và tài nguyên không giới hạn.
Với CMCN 4.0, nhiều người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin, tri thức và thị trường mới. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cuộc cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.
CMCN 4.0 giúp Việt Nam thay đổi mô hình kinh doanh, kinh tế - xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động với sức cạnh tranh cao, bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy ý tưởng mới, tạo ra hệ sinh thái doanh nhân và sáng tạo.
Việt Nam còn có cơ hội “bình đẳng” với các nước, kể cả các nước phát triển về công nghệ. Bởi Việt Nam có thể nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhất để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến. Công nghệ 4.0 cho phép sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, nền kinh tế tiên tiến hơn, người thu nhập thấp cũng có khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức cần phải vượt qua, đó là:
(1) Tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp trong các ngành nghề nông nghiệp, dệt may, giày dép... do việc ứng dụng công nghệ mới với robot hóa, tự động hóa thay thế lao động giản đơn. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao(2).
(2) Cùng với việc dư thừa lao động kỹ năng thấp, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT). Do hệ thống giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nên thiếu nguồn nhân lực cấp cao, trong khi tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn gần 50%(3).
(3) Thách thức về thị trường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có khả năng chiếm lĩnh thị trường, có mặt trong rất nhiều ngành nghề kinh tế, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hoàn toàn như Metro hay Big C. Các chuyên gia cho rằng, nếu không nắm bắt được xu thế kinh doanh 4.0, doanh nghiệp Việt có khả năng thua cuộc trên chính “sân nhà” hay lùi dần xuống những bậc thấp hơn, ít lợi nhuận hơn của các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu(4).
(4) Với CMCN 4.0, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức gia tăng về khoảng cách thu nhập, khiến các vấn đề xã hội nảy sinh; biên giới mềm, quyền lực mềm; an ninh mạng, an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia... nếu không chủ động kiểm soát, quản lý kịp thời thì nguy cơ mất an ninh chủ quyền đất nước là không hề nhỏ.
Vì thế, từ năm 2018, Đảng ta yêu cầu: “Phải sớm xây dựng chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”(5). Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 22-3-2018 về Chiến lược phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 khẳng định: Việt Nam phải “tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hóa, đặc biệt là CMCN 4.0 để có cách tiếp cận, “đi tắt, đón đầu” một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp(6).
CMCN 4.0 mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam có thể rút ngắn quá trình CNH, HĐH bằng cách “đi tắt, đón đầu”, phát triển công nghệ cao hơn. Việt Nam cần sớm ứng dụng công nghệ số, gắn với ứng dụng các sản phẩm của CMCN 4.0; khiến cho khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể trở thành 3 đột phá chiến lược, là đòn bẩy để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì thế, tuy là một nước đi sau, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm các nước và “đi tắt, đón đầu” có hiệu quả.
Ông Justin Wood - Giám đốc khu vực châu Á của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) - cho rằng: Việt Nam là nền kinh tế rất nổi bật với dân số gần 100 triệu người với nhân khẩu học rất tích cực, đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh. “Do đó, cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung là rất lớn”(7).
2. Quan điểm và mục tiêu
Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình thế giới, trong nước về CMCN 4.0, Nghị quyết 52-NQ/TW Bộ Chính trị đã khẳng định quyết tâm chiến lược với nhiều điểm nhấn quan trọng.
Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết nêu: (1) Chủ động, tích cực tham gia cuộc CCN4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế; (2) Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội; (3) Phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp; Và (4) Phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0(8).
Các quan điểm chỉ đạo nêu trên, phản ánh nhận thức sâu sắc của Đảng ta về thời đại mới được mở ra bởi những những thành tựu vĩ đại mà con người đạt được trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Bước đột phá về hàng loạt công nghệ lõi, khiến cuộc CMCN 4.0 đã vượt xa các cuộc cách mạng trước đó, bởi nó không chỉ nối dài cánh tay của con người, mà điều quan trọng hơn là giải phóng lao động trí óc của con người, đưa trí tuệ của con người lên nấc thang mới - “siêu trí tuệ” bằng công nghệ AI. Bởi vậy, các phạm trù “chủ động, tích cực...; nắm bắt kịp thời...; đổi mới tư duy...; phát huy tối đa nguồn lực... là những điểm nhấn cực kỳ quan trọng để Việt Nam “đi tắt, đón đầu” trong chiến lược phát triển trong thời đại 4.0.
Về mục tiêu, Nghị quyết đã nêu 3 mục tiêu tổng quát: (1) Cần “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước”; (2) Phải “phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao”; Và (3) “Nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”(9).
Ba mục tiêu nêu trên có vai trò quan trọng hàng đầu trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới của nước ta tuy đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử, nhưng sau hơn 30 năm nguồn lực và hệ động lực cho phát triển đất nước đang có dấu hiệu chậm lại cần phải được bổ sung bằng nguồn lực mới từ cuộc CMCN 4.0, bởi chỉ CMCN 4.0 mới tạo ra bước đột phá mới cho sự nghiệp phát triển đất nước. Vì thế, có chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần quyết liệt tham gia CMCN 4.0 với tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ” có thể “bắt kịp, đi cùng và vượt lên” trong hệ thống kinh tế thế giới(10).
Và 11 mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn:
Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, với 4 mục tiêu: (1) Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. (2) Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. (3) Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Và (4) thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử. Trong đó có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam)”.
Giai đoạn 2, từ năm 2025 đến năm 2030, với 5 mục tiêu: (1) Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. (2) Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. (3) Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. (4) Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. (5) Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Giai đoạn 3, tầm nhìn đến năm 2045 với 2 mục tiêu cụ thể: (1) Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; (2) có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh(11).
Với hệ mục tiêu, từ tổng quát đến cụ thể cho từng giai đoạn, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã khẳng định quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta đưa Việt Nam vào TOP các quốc gia sáng tạo (Makein Việt Nam). Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) ngày 13-9-2018, cho rằng: “Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam có khát vọng thành quốc gia thịnh vượng và đủ tự tin làm điều đó”(12).
Được biết, trên thế giới cho đến nay đã có nhiều nước xây dựng chiến lược CMCN 4.0 với các tên gọi khác nhau như: “Industry 4.0” của Đức; “Liên minh Internet công nghiệp” của Mỹ; “iKorea 4.0” của Hàn Quốc; “Made in China 2025” của Trung Quốc; “Kết nối mạng với các nhà máy” của Nhật Bản(13)... Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc CMCN trước đây nhưng nay không thể bỏ lỡ cuộc CMCN lần này. Nếu chúng ta không đón được làn sóng của CMCN 4.0 có thể làm cho nhiều ngành, nghề biến mất, với nhiều lao động bị thất nghiệp... vì đây là cuộc cách mạng “tất yếu” mà con người chỉ có thể chọn cách tham gia hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.
CMCN 4.0 ở Đức họ lấy mục tiêu phát triển công nghiệp làm trọng tâm (Industry 4.0), Nhật Bản hướng tới Xã hội 5.0 lấy con người làm trung tâm (Society 5.0), Hàn Quốc hướng tới Kinh tế sáng tạo (Creative Economy), Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu quốc gia (Made in China), Singapore hướng tới Quốc gia thông minh (Smart Nation)... Đối với Việt Nam, với 8 chủ trương, chính sách mà Nghị quyết 52 của Bộ chính trị đề ra là định hướng rất quan trọng để bắt kịp CMCN 4.0, qua đó tạo bước đột phá về công nghệ, năng suất, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Vì thế, trong Nghị quyết 52, sau khi đưa ra định hướng Bộ Chính trị đã giao cho “Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0; ban hành, triển khai Đề án chuyển đổi số quốc gia và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia CMCN 4.0; chỉ đạo xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết”(14).
Để đưa Nghị quyết 52-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, ngày 3-10-2019, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0”. Hội thảo đã tập trung vào 5 chủ đề chính là: ngân hàng thông minh; thành phố thông minh; sản xuất thông minh, năng lượng thông minh và kinh tế số. Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với mục đích: công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chủ động , tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0.
3. Định hướng chủ trương, chính sách
Với các chủ trương, chính sách: (1) “Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội”; (2) “Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia”; (3) “Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu”; (4) “Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia”; (5) “Chính sách phát triển nguồn nhân lực”; (6) “Chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên”; (7) “Chính sách hội nhập quốc tế”; (8) “Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”(15). Việt Nam coi chủ động tham gia tích cực có hiệu quả vào cuộc CMCN 4.0 là nhiệm vụ trọng tâm; nội dung cốt lõi là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nhà nước ưu tiên chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới; phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, xây dựng cơ chế hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp và các đoàn thể xã hội.
Việc hoàn thiện pháp luật, trước hết là những pháp luật liên quan đến khởi nghiệp, sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, bảo đảm an ninh, chống tiêu cực; xây dựng cơ chế quản lý mới phù hợp với môi tường số và mô hình tiến tiến của thế giới có tính đến không gian và thời gian thử nghiệm. Chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế.
Triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối vùng và địa phương đồng bộ và thống nhất. Xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia, tạo ra hệ sinh thái để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ tăng cường ứng dụng.
Cơ cấu lại hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ công lập; nâng cao hiệu quả đầu tư, quản trị theo thông lệ quốc tế; áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo; ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0; hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá đối với các khu công nghệ cao. Trên cơ sở các khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, phát triển các khu đô thị sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế.
Thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc.
Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo. Ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là: công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh.
Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0. Chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI.
Tiên phong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ. Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng internet ở các cơ quan nhà nước. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; chuẩn hoá và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020
(1), (8), (9), (11), (14), (15) Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng công nghiệp 4.0, https://vietnamnet.vn.
(2), (3) Thách thức đổi mới cơ cấu nguồn nhân lực cho CMCN 4.0, https://dantri.com.vn.
(4) Nếu không bắt nhịp với CMCN 4.0, doanh nghiệp Việt sẽ thua trên “sân nhà”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn .
(5) Cách mạng công nghiệp 4.0: Tiếp cận đúng để tránh nguy cơ tụt hậu, http://daidoanket.vn
(6) Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, https://thuvienphapluat.vn
(7) Cách mạng công nghiệp 4.0: ASEAN đang hướng về Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn
(10) Nguyễn Chí Dũng: Công nghiệp 4.0, bây giờ hoặc không bao giờ, https://www.vietnamplus.vn.
(12) Việt Nam muốn làm bạn với những người giỏi nhất, https://vnexpress.net.
(13) Trung Quốc và những bước tiến đáng gờm về công nghệ, http://vov.vn. Đại tá Nguyễn Nhâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét