Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người sáng lập và là “hiện thân” quy luật ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, được giác ngộ lý luận cách mạng và trở thành một người cộng sản chân chính, lãnh tụ của Đảng và của dân tộc. Đó là con đường mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đi và cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách dành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với trí tuệ mẫn tiệp và tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, nhạy bén về chính trị, Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức và tâm huyết góp phần xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng cách mạng, chân chính, thực sự là “đạo đức, văn minh”. Sinh thời, người đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo Hồ Chí Minh, để xứng đáng là một Đảng Mác xít chân chính, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hồ Chí Minh coi chỉnh đốn Đảng không phải là một giải pháp tình thế, một chủ trương thụ động mà là một việc làm thường xuyên để bảo đảm giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Điều này được Người luôn đặc biệt quan tâm trong suốt hơn 24 năm trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước. Theo Người, lúc cách mạng gặp khó khăn cũng như cách mạng thuận lợi đều phải quan tâm tiến hành chỉnh Đảng. Cách mạng gặp khó khăn, thách thức, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo để Đảng có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua thách thức, hiểm nguy. Khi cách mạng thuận lợi, thắng lớn, chỉnh đốn Đảng để chống “bệnh tự kiêu cộng sản”, say sưa trong ánh hào quang chiến thắng, mà quên mất nhiệm vụ cách mạng.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Bởi vì theo Người: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi. Nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đó là lời cảnh tỉnh có giá trị rất lớn cho mọi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền mà đến nay vẫn còn mang tính thời sự.
Theo Hồ Chí Minh, “xây dựng” và “chỉnh đốn” là hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng. Phải trên cơ sở xây dựng mà chỉnh đốn, chỉnh đốn cũng nhằm mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Mục đích của xây dựng và chỉnh đốn Đảng, theo Người là làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, bảo đảm cho Đảng luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Để chỉnh đốn Đảng đạt kết quả tốt, khi tiến hành phải được chuẩn bị chu đáo, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc và hình thức, biện pháp đúng đắn, phù hợp; phải tiến hành trên trước, dưới sau; phải làm từ trong cấp uỷ rồi đến đảng viên; phải coi trọng ở tất cả các cấp, hết sức chú ý đến cấp chi bộ, đảng bộ cơ sở; kết hợp chặt chẽ chỉnh đốn tư tưởng với củng cố, kiện toàn tổ chức; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, cán bộ và vai trò của các cấp uỷ, tổ chức đảng; dựa vào quần chúng ở cơ sở, động viên, tổ chức tạo điều kiện cho quần chúng tham gia có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội mới song cũng đứng trước không ít nguy cơ thách thức, đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng phải không ngừng được củng cố tăng cường. Đảng phải tiếp tục được xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn thật sự trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét