Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

DI CHÚC HỒ CHÍ MINH

 Jean Lacouture (1921-2015), cây đại thụ của làng báo chí Pháp, người luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và ngưỡng mộ sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông đã để lại một di sản vô cùng phong phú với hàng nghìn bài báo và 71 cuốn sách viết về tiểu sử của nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng của Pháp và thế giới ở thế kỷ 20, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin gửi tới các bạn cảm nhận của nhà báo nổi tiếng này về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong linh cữu bằng kính, Hồ Chí Minh tiếp tục tác động đến Việt Nam và có lẽ tầm ảnh hưởng đó không gì đo đếm được. Ngày Người mất là một ngày đau buồn của lịch sử Việt Nam, bởi một dân tộc đang trong cam go thử thách lại mất đi một người dẫn lối, một nhà lãnh đạo như vậy, người mà cuộc đời riêng hoàn toàn hòa vào cuộc cách mạng, vào cuộc kháng chiến của dân tộc, người mà nhân cách tỏa sáng đến mức sự ra đi tác động đến toàn thế giới.
Khi từ trần, người sáng lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không hề mất đi mối liên hệ với lịch sử, với những gì thuộc về Người.
Như một chiến binh bất tử, Người luôn mong muốn để lại cho đồng bào của mình và cho thế giới một thông điệp, một bài học. Người viết rất nhiều, dù không ham thích viết. Con người của hành động này vốn rất thận trọng trong ngôn từ của mình, đã dành những ngày đầu tháng 5 năm 1965, khi cảm nhận những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh tim sẽ mang mình đi để thảo một bản Di chúc với lời lẽ không thể bắt chước được, trong đó, điều lớn lao hòa trộn với tình thân mật, cái mạnh bạo hòa với lòng nhân từ, cá nhân hòa với tập thể, khiến ta ngưỡng mộ nhân cách và thế giới quan của Người.
Hơn cả một bản Di chúc, người ta coi đó như tấm gương chứa đựng những lời răn dạy mà một bậc thầy như Paul Mus, người rất ngưỡng mộ Cụ Hồ lẽ ra phải có được nếu cái chết không mang ông đi trước Cụ vài tuần.
Hãy phác thảo một vài nét chính trong bản Di chúc. Trước hết, Người ưu tiên cho những việc liên quan đến các hành động sắp tới, đến hoàn cảnh sống, đến “việc thay đổi thế giới”.
Tiếp theo, cách nói năng thân mật, gần gũi, lối diễn đạt như trong gia đình được Cụ Hồ duy trì với người dân nước mình, một tính cách trong mọi trường hợp có thể nói là mang đậm nét “dân gian” rất Việt Nam, đến một vài hình ảnh không phương hại đến tinh thần quốc tế và cuối cùng là sự tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác.
Điều gây ấn tượng đầu tiên chính là sự vào đề chóng vánh: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước…” mà không cần lời mào đầu trịnh trọng. Vào thời khắc phải nói lời từ biệt với đồng chí, đồng bào mình và thế giới, Cụ Hồ cũng không hoa mỹ, không dùng giọng điệu của một người hùng với những ngôn từ có tính lịch sử hay trong hoàn cảnh bi thương. Người nói về những nhiệm vụ trước mắt phải hoàn thành-vấn đề giải phóng và thống nhất đất nước, như một người đang điều hành công việc.
Chúng ta thấy một trong những tính kiên định ở Người, sự ưu tiên cho hành động, cho thực tại và cho phong trào quốc tế. Đến tận hơi thở cuối cùng, Cụ Hồ là một người thực thi, một người hành động, người hiện thực hóa, người canh giấc ngủ cho người khác. Sự khô khan trong ngôn từ là nhằm không lãng phí thời gian của người đọc và để nhanh chóng tiếp thêm nghị lực.
V.I.Lênin, F.Castro đều trăn trở, khơi dậy những ý tưởng chung trước khi nói về chương trình làm việc trong ngày, về hạn mức vũ khí, về khẩu phần của người lính. Hồ Chí Minh thì xây dựng bài học dựa trên tinh thần “thi đua”, sự thi đua giữa những đồng chí khiến ta nghĩ đến các chiến binh Spartiates đã biết liên kết nhau lại trong chiến đấu, đặt tinh thần thi đua trên từng việc cụ thể hằng ngày. Làm, hoàn thành, thực hiện là những từ được sử dụng thường xuyên trong bài viết của Người.
Hãy lắng nghe những điều Người kỳ vọng vào Đảng. Những từ được nhắc nhiều nhất là “đạo đức cách mạng”. Chắc chắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn cán bộ và chiến sĩ của mình là những người “vừa hồng”, “vừa chuyên”, quyết đoán trong đấu tranh hằng ngày, trong thực hành nhiệm vụ. Người đề cập đến sự bất hòa giữa các đảng cộng sản. Người nhấn mạnh phải bằng những việc làm hằng ngày, những việc cần thực hiện sắp tới, bằng việc nâng cao đời sống của nhân dân. Đó có phải là chủ nghĩa hiện thực thật sự không?
Cụ Hồ không bao giờ và không muốn là một người giáo điều. Cụ mãi là con người của hành động, đến cả bản Di chúc cũng khái quát và xuyên suốt điều đó.
Sẽ ngạc nhiên nếu ta không thấy Cụ Hồ gần gũi với nhân dân mình lúc sống cũng như lúc từ trần. Bởi đó chính là điều thứ hai trong đặc tính của một người mà cuộc đời gắn với mọi người, một sự thân mật lạ kỳ được xây dựng và duy trì giữa vị lãnh đạo với quần chúng nhân dân.
Trong một xã hội như xã hội Việt Nam, truyền thống rất được coi trọng. Các cuộc chiến tranh xâm lược đã làm đứt gãy những mối quan hệ. Gia đình và làng xóm là hai tổ ấm của một đời người, đó là nguyên tắc phối hợp, là cơ hội sống chung với nhau. Sống trong tình làng nghĩa xóm đã là điều quan trọng. Sống dưới một mái ấm gia đình còn là điều tiên quyết hơn rất nhiều: Người được gọi là “Bác”, là người thuộc về tất cả mọi người và tất cả mọi người đều có quan hệ với người đó.
Đó chính là kiểu quan hệ được tạo ra và được gìn giữ giữa Hồ Chí Minh với người Việt Nam. Bản Di chúc đã nhắc tới điều đó một cách không phô trương, ủy mị. Đó chính là màu sắc chủ đạo trong bức tranh.
Có một màu khác nữa, cũng mang tính biểu trưng là sự gắn bó máu thịt với thực tế Việt Nam, với quang cảnh, với thể thức, với hình hài của Tổ quốc. Sẽ không phải là Hồ Chí Minh nếu trong những câu văn đề cập đến ý nghĩa chính trị, Người không nhắc đến “đồng ruộng, núi non” Việt Nam, nếu nói về sự thống nhất đất nước, Người không bộc lộ niềm tin dù sớm hay muộn, nhân dân hai miền Nam-Bắc Việt Nam sẽ “sum họp một nhà”.
Phong cách bình dị, sự nhắc nhở đến mối quan hệ giữa con người và đất đai, với phong cảnh, với bùn trên đồng lúa, với mùa màng… Vậy ai mới là người Việt Nam đây? Vị Cha già, người đã từng bị lưu đày, lại là người Việt Nam nhất trong những người Việt Nam.
Jaurès từng nói: “Yêu tổ quốc nồng nàn sẽ mang người ta lại gần nhau hơn”. Toàn bộ cuộc đời Hồ Chí Minh là lời nhắc nhở không ngừng về ý tưởng này. Bản Di chúc thấm nhuần sâu sắc cuộc đấu tranh và tương lai của đất nước Việt Nam, nhưng cũng mở rộng tầm ra với thế giới. Chúng ta nằm trong số lượng lớn những người quan sát tình hình Việt Nam, những người đã không ngừng ủng hộ người sáng lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người sáng tạo nên “Chủ nghĩa cộng sản dân tộc”.
Và giờ đây, vào thời khắc nói lời giã biệt với thế giới, con người này không ngừng khẳng định với một niềm đam mê và sự cả quyết rằng mình là một người Việt Nam thực thụ, rằng mình luôn đau đáu về tương lai của phong trào công nhân quốc tế cũng như của dân tộc mình.
Di chúc của Hồ Chí Minh là một bài học, nói như các thầy giáo là một “buổi học cuối cùng”, một thông điệp sư phạm của một người chủ gia đình gửi cho hậu duệ của mình. Không nên tìm kiếm ở đó một tinh thần vĩ đại mà là một trái tim tuyệt vời. Một người chỉ lối đưa đường lão luyện cho xã hội.
JEAN LACOUTURE
Nhà báo Jean Lacouture. cuốn sách “Hồ Chí Minh” của Jean Lacouture
Bìa cuốn sách “Hồ Chí Minh” của Jean Lacouture.
Hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản cho biết 'JEAN LACOUTURE POLITOU Hô Chi Minh'

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét