Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VỚI GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG CHO CHIẾN SĨ TRONG QUÂN ĐỘI TA

 Hoạt động VHNT trong quân đội là hoạt động có tổ chức, có định hướng, chỉ đạo đưa các giá trị nghệ thuật đến với cán bộ, chiến sĩ, đồng thời tổ chức, vận động và hướng dẫn bộ đội sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật mới góp phần nâng cao trình độ nhận thức toàn diện, xây dựng tư tưởng, tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội, góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong quân đội, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuyệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở.

Văn hoá nghệ thuật giữ vai trò đặc biệt quan tgrongj đối với giáo dục chính trị tư tưởng cho chiến sĩ hiện nay
Thứ nhất, cùng với giáo dục chính trị tư tưởng, VHNT góp phần bồi dưỡng, nâng cao tri thức tổng hợp cho chiến sĩ
Quân đội là một trường học lớn - trường học cộng sản chủ nghĩa của thanh niên. “Sản phẩm” của trường học này là những thanh niên Việt Nam, quân nhân cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ có phẩm chất, năng lực cơ bản, cần thiết đáp ứng tốt nhất yêu cầu cao của môi trường hoạt động quân sự cả hiện tại và trong tương lai, đồng thời thích nghi tốt nhất với môi trường phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Vì vậy người chiến sĩ trong quân đội cần phải được trang bị hệ thống tri thức tổng hợp toàn diện.
Tri thức tổng hợp của người chiến sĩ bao gồm cả tri thức lý luận và tri thức kinh nghiệm; đây là vốn kiến thức toàn diện mà người chiến sĩ tích luỹ được ở thời gian phục vụ trong quân đội; là nền tảng để hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cơ bản, cần thiết của người chiến sĩ. Vốn tri thức hiểu biết toàn diện ngày càng sâu sắc và được cập nhật, bổ xung thường xuyên sẽ là tiền đề hết sức quan trọng giúp cho người chiến sĩ thích nghi với mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, đặc biệt là trong môi trường hoạt động quân sự và phát triển năng lực quân sự đáp ứng sự vận động, phát triển không ngừng của thực tiễn - cả thực tiễn hoạt động quân sự và thực tiễn đời sống xã hội mà khi không còn phục vụ trong quân đội họ tồn tại với tư cách là một công dân.
Tri thức tổng hợp của người chiến sĩ hết sức phong phú, bao gồm những vấn đề cơ bản về lý luận Mác - lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội, đơn vị; kiến thức về kỹ thuật, chiến thuật quân sự, hậu cần, chuyên môn kỹ thuật và những kiến thức khoa học cần thiết khác cho quân nhân (kinh tế, chính trị, xã hội...). Tri thức tổng hợp, toàn diện của người chiến sĩ được hình thành trong môi trường hoạt động quân sự, trực tiếp, chủ yếu thông qua công tác huấn luyện chiến đấu ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam mà giáo dục chính trị tư tưởng là một nội dung cơ bản. Hoạt động VHNT trong quân đội với tư cách là một hình thức của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là hoạt động có tổ chức, có định hướng, chỉ đạo đưa các giá trị nghệ thuật đến với cán bộ, chiến sĩ, đồng thời tổ chức, vận động và hướng dẫn bộ đội sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật mới. VHNT với những loại hình nghệ thuật sinh động, phong phú, bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, với khả năng phản ánh, chuyển tải sâu sắc, rộng lớn và tinh tế các tác phẩm nghệ thuật, mang đến cho bộ đội những kiến thức rộng lớn về mọi mặt đời sống xã hội, con người qua các giai đoạn lịch sử. Qua các tác phẩm nghệ thuật, người chiến sĩ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về lịch sử, kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội, những chuẩn giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Những kiến thức mà VHNT đem lại cho người chiến sĩ đã được người nghệ sĩ khám phá, sáng tạo, mang ý nhĩa khái quát hoá cao, biểu hiện cụ thể thông qua hình tượng nghệ thuật sinh động, cảm tính, với sức truyền cảm lớn, sức lan tỏa rộng.
Hoạt động VHNT có thể đưa người chiến sĩ trở lại với những giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc mà ngay cả cha ông của họ cũng chưa từng nếm trải; đưa họ đến những nền văn hoá mà họ chưa từng biết đến, giúp họ mở rộng những kiến thức đã tiếp nhận trong giáo dục chính trị tư tưởng, trải nghiệm bằng kinh nghiệm sống của người khác, thế hệ khác. Có thể khẳng định, VHNT đã trực tiếp góp phần to lớn bồi dưỡng, nâng cao tri thức tổng hợp, toàn diện cho người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển của Quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong xây dựng, bảo vệ tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa đã minh chứng hùng hồn vai trò to lớn của VHNT trong bồi dưỡng, phát triển tri thức toàn diện cho người chiến sĩ. Ngay từ đầu năm 1951, khi mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn Đảng, toàn quân , toàn dân ta bước sang giai đoạn mới, giai đoạn tích cực chuẩn bị tổng phản công, nhận thấy rõ VHNT đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của ta trên khắp các chiến trường. Để tiếp tục góp phần bồi dưỡng, phát triển kiến thức toàn diện, “động viên, cổ vũ tinh thần, nâng cao ý chí chiến đấu của bộ đội thông qua hoạt động VHNT, một hình thức hoạt động của công tác giáo dục chính trị có sức cuốn hút mạnh mẽ, đi sâu vào lòng người mà hội nghị văn nghệ toàn quân lần thứ nhất năm 1951 đã khẳng định. Tổng Quân uỷ đã giao cho Tổng cục Chính trị thành lập Tổng đội Văn công thuộc Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị” (1,tr415). Trên bình diện tổng quát, kinh nghiệm tiến hành xây dựng quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một lần nữa vai trò của VHNT trong bồi dưỡng phát triển tri thức toàn diện cho bộ đội, dặc biệt là kiến thức về đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ của quân đội lại một lần nữa được khẳng định. Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt nam đã chỉ rõ: “Công tác đảng, công tác chính trị cũng có bước phát triển mới rất phong phú, sinh động...các hình thức động viên chính trị, giáo dục tư tưởng, hoạt động văn hoá - văn nghệ... cũng có nhiều hình vẻ phong phú, hấp dẫn, tạo ra động lực cách mạng mạnh mẽ, liên tục trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tập trung đánh thắng quân thù” (2,tr605).
Một đặc điểm nổi bật của tình hình thế giới tác động đến việc bồi dưỡng, phát triển tri thức tổng hợp, toàn diện của người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới là: trong một vài thập kỷ tới ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, can thiếp lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi và tính chất phức tạp ngày càng tăng. Tình hình đó đặt đất nước ta đứng trước thách thức to lớn. Đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải đặc biệt chăm lo phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tình hình đó cũng đặt ra những yêu cầu mới về tri thức tổng hợp của người quân nhân cách mạng - Bộ đội cụ hồ trong thời kỳ mới. Người chiến sĩ phải có tri thức toàn diện, nắm chắc, khai thác và sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, ra sức học tập để nâng cao trình độ kỹ thật, chiến thuật quân sự nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao trong tương lai. Cùng với các hoạt động khác của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, hoat động VHNT ở đơn vị cơ sở như: hoạt động sách báo; liên hoan văn nghệ quần chúng; hoạt động phòng Hồ Chí Minh; hoạt động vui chơi giải trí trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, trên thao trường, bãi tập; tham quan lịch sử, truyền thống; câu lạc bộ chiến sĩ; tuyên truyền cổ động...đã cung cấp cho người chiến sĩ thông tin và kiến thức rộng lớn, bổ ích, thiết thực, trực tiếp góp phần bồi dưỡng, nâng cao, phát triển tri thức toàn diện cho người chiến sĩ.
Thứ hai, VHNT góp phần quan trọng tác động đến xây dựng, phát triển và hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới
Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập được nhiều chiến công vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng quân đội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa, luôn sứng đáng là đội quân chính trị, đội quân chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Lịch sử xây dựng, trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta gần 70 năm qua cũng đã tạo dựng trong lòng dân tộc hình ảnh tốt đẹp của người quân nhân cách mạng – Bộ đội Cụ Hồ.
Bản chất truyền thống của người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân Việt Nam thừa nhận, tôn vinh là do có Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, có nhân dân yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ hết lòng, có hoạt động hiệu quả của công tác đảng, công tác chính trị kết hợp với các hoạt động khác của các lực lượng, các tổ chức trong hệ thống chính trị và của toàn quân, trong đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả, hết sức quan trọng của hoạt động VHNT.
VHNT đảm nhiệm tổ hợp các chức năng xã hội nhất định như: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, chức năng giải trí, chức năng dự báo, chức năng tổ chức và điều chỉnh xã hội.., trong đó có ba chức năng chủ yếu, quan trọng nhất tác động mạnh mẽ, sâu sắc, hiệu quả đến xây dựng phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, đó là chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Ba chức năng này có vai trò quan trọng tác động đến xây dựng, phát triển và hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ thông qua các hoạt động VHNT trong cuộc sống mà trước hết chủ yếu và trực tiếp là trong quân đội.
Cùng với việc trực tiếp góp phần to lớn bồi dưỡng, nâng cao tri thức tổng hợp, toàn diện cho người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, VHNT một hoạt động mang tính tư tưởng sâu sắc, với đặc trưng phản ánh và thụ cảm bằng hình tượng nghệ thuật thông qua đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, những người giữ vai trò quan trọng đưa tác phẩm nghệ thuật đến người chiến sĩ, giúp người chiến sĩ tìm ra cái hay, cái đẹp, cái cao cả, cái xấu xa, cái bi, cái hài trong nghệ thuật và trong cuộc sống; thông qua các tác phẩm nghệ thuật có giá trị phản ánh chân thực cuộc sống, thể hiện quan niệm sống, chứa đựng tâm hồn dân tộc, bản sắc dân tộc, phản ánh tấm gương kỳ diệu biết gạn đục khơi trong mọi diễn biến cuộc sống... góp phần quán triệt, tuyên truyền đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ của đơn vị một cách sinh động, hấp dẫn, với sức cuốn hút rất lớn có khả năng tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người chiến sĩ, hình thành ở họ một ý thức hoàn toàn tự giác - tự ý thức trong nhận thức chính trị tư tưởng, niềm tin, thế giới quan cộng sản.
Hoạt động VHNT còn mang lại những giá trị cao đẹp của cuộc sống của nhân loại, của con người mà đặc biệt của lớp lớp cha ông trong lich sử hào hùng dựng nước và giữ nước nhiều nghìn năm của dân tộc, tác động một cách toàn diện, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và khát vọng sống của người chiến sĩ.
Thực tiễn cuộc sống sinh động, phát triển, nhiều thời cơ, thuận lợi mới và cũng không ít những khó khăn, thách thức, trắc trở, các hoạt động văn hoá, văn nghệ đã góp phần bồi dưỡng nhận thức chính trị tư tưởng, nhân sinh quan cộng sản, thế giới quan cách mạng khoa học cho người chiến sĩ, giúp họ củng cố niềm tin tất yếu vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với đường lối đổi mới và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; xây dựng quyết tâm cao trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; đồng thời hình thành và phát triển ở họ những chuẩn mực về phẩn chất đạo đức, lối sống và các phẩm chất tâm lý bền vững cùng các năng lực tổ chức hoạt động quân sự cần thiết.
Trong thực tiễn cuộc sống, nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu như tiểu thuyết “Dấu chân người lính”, “Những người đi từ trong rừng ra” của Nguyễn Minh Châu; “Vùng trời” của Hữu mai, “Phố” của Chu Lai, “Hoang tâm” của Nguyễn Đình Tú; tác phẩm sân khấu “Lời thề thứ 9”, “Sống mãi tuổi 17”, “Lời nói dối cuối cùng” của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ”; những ca khúc nổi tiếng: “Lên ngàn”, “Bài ca bên cánh võng, “Gần lắm Trường sa”, “Vì nhân dân quyên mình”...Những tác phẩm nghệ thuật bay bổng, tài hoa, giầu cảm xúc, đầy trăn trở, khát khao đã tác động mạnh mẽ đến người lính, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn, có thêm ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Gần đây những hoạt động nghệ thuật tổng hợp như: triển lãm ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng”ở Trường Sa, cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật giữa đất liền và Trường sa do truyền hình Việt Nam tổ chức “Biển đảo của chúng ta”...đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của đồng bào cả nước nói chung và người chiến sĩ nói riêng. Những hoạt động nhệ thuật đặc biệt này đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của người chiến sĩ, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hoàn toàn đúng khi tác giả Phương Thảo trong bài viết “Vai trò của VHNT đối với việc xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ” đã chỉ rõ: “Trong hệ thống các giải pháp giáo dục chính trị cho bộ đội, nếu lý tưởng chính trị được chuyển hoá thành lý tưởng thẩm mỹ chuyển tải đến bộ đội thông qua các hoạt động VHNT thì chất cảm quan sinh động, cụ thể, giầu hình ảnh, ngôn ngữ sẽ làm cho việc học tập, thấm nhuần lý tưởng chính trị sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với nhiều hình thức giáo dục chính trị... VHNT luôn được coi là sức mạnh to lớn, một vũ khí sắc bén để tiến hành công tác giáo dục tư tưởng, chính trị đạt hiệu quả cao” (3,tr3). Có thể khẳng định VHNT có vai trò quan trọng tác động đến xây dựng, bồi dưỡng, phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân các người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Thứ ba, VHNT góp phần tích cực làm phong phú thêm đời sống tinh thần, định hướng nhận thức chính trị tư tưởng cho chiến sĩ và định hướng dư luận trong tập thể quân nhân
Do tính chất đặc thù của hoạt động quân sự: tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, tính cơ động cao, môi trường huấn luyện chiến đấu gian khổ, phức tạp, tính chất hoạt động căng thẳng, thường xuyên phải sống xa gia đình, đặc biệt là những đơn vị đóng quân thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tổ quốc. Trong khi đó tuyệt đại đa số chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở đều trong trong lứa tuổi thanh niên, lại luôn chịu tác động rất lớn từ sự phát triển của kinh tế, xã hội. Ở đối tượng này nhu cầu hoạt động tinh thần, yêu cầu định hướng về nhận thức chính trị tư tưởng, xã hội rất lớn.
Các hoạt động của công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở đơn vị cơ sở đều trực tiếp góp phần nâng cao đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh, bổ ích cho người chiến sĩ, đồng thời giúp họ nhìn nhận, phân tích, lý giải một cách chính xác những sự việc đang diễn ra trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội và đời sống quân đội, định hướng cho họ trong nhận thức và hướng dẫn họ trong hoạt động. Song chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: môi trường giáo dục, chất lượng của chủ thể và đối tượng giáo dục, trang bị vật chất kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động giáo dục...trong các yếu tố đó chất lượng của chủ thể giáo dục mà cụ thể là phẩm chất đạo đức, lối sống, tri thức tổng hợp, tài năng và nghệ thuật giáo dục, nghệ thuật sư phạm giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, trước thực trạng của đội ngũ cán bộ chính trị các cấp, đặc biệt là cán bộ chính trị cấp phân đội, đòi hỏi và đặt ra yêu cầu cao ở họ về tài năng và nghệ thuật giáo dục, nghệ thuật sư phạm là một điều cực kỳ khó khăn. Trong khi đó VHNT nói chung, hoạt động VHNT ở đơn vị cơ sở trong quân đội ta nói riêng thông qua nhiều loại hình nghệ thuật sinh động, phong phú, bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, với những hình tượng nghệ thật cụ thể, cảm tính, sinh động, giầu hình ảnh, ngôn ngữ, sát với đời sống thực tiễn đã tạo dựng được ấn tượng sâu sắc, thấm thía, bền vững cho người chiến sĩ. Sự tạo dựng không gò bó, áp đặt mà ngược lại hoàn toàn tự giác, tự nguyện, tự cảm hoá, khiến cho người chiến sĩ cảm nhận được hiện thực của mọi mặt đời sống xã hội, cái thiện, cái đẹp, cái cao cả của con người, của đồng chí, đồng đội, khát khao muốn vươn tới những giá trị chân, thiện , mỹ để tự hoàn thiện mình, hoà mình vào nhịp sống của xã hội phát triển và môi trường sống của những quân nhân cách mạng. Những giá trị chân, thiện, mỹ mà VHNT đem lại cho người chiến sĩ thông qua hình tượng nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu và làm phong phú hơn đời sống tinh thần của chính những người chiến sĩ. Trong lịch sử văn học thế giới và nền văn học đương đại Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như:“Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrosky, “Mãi mãi tuổi 20”của Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”... đã trở thành những cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên Việt nam. Trong “Mãi mãi tuổi 20”Nguyễn Văn Thạc đã bầy tỏ suy nghĩ của mình về Pa Ven trong Thép đã tôi thế đấy: “Cuộc sống của Pa Ven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng”. Rõ ràng, những tác phẩm văn học giầu cảm xúc mà ở đó những lý tưởng chính trị, lý tưởng sống được chuyển hoá thành lý tưởng thẩm mỹ đã góp phần quan trọng làm phong phú thêm đời sống tinh thần, định hướng cho nhận thức và hành động của người chiến sĩ.
Do tính chất đặc thù của hoạt động quân sự, thời gian dành cho người chiến sĩ tham gia sáng tạo và thụ cảm các giá trị VHNT diễn ra chủ yếu trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Song hoạt động VHNT ở đơn vị cơ sở lại hết sức đa dạng, phong phú với nhiều loại hình nghệ thuật và nhiều lực lượng tham gia. Trong các hoạt động này, người chiến sĩ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của hoạt động VHNT, Họ vừa trực tiếp tham gia các loại hình hoạt động, sáng tạo ra các giá trị nghệ thuật vừa là những người thụ cảm các sản phẩm nghệ thuật đó. Quá trình sáng tạo và thụ cảm các giá trị nghệ thật mang lại cho người chiến sĩ những phút thư giãn, nghỉ ngơi sau thời gian căng thẳng, mệt mỏi trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Sự thư giãn, nghỉ ngơi của người chiến sĩ do hoạt động VHNT đem lại có tính định hướng, chuẩn mực và được thực hiện một cách tự giác hoàn toàn, đem lại cho người chiến sĩ một đời sống tinh thần phong phú, khiến cho họ say mê hơn trong huấn luyện, tự giác hơn trong xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và tự định hướng đúng cho mình trước những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội.
Vấn đề cơ bản của VHNT là phản ánh hiện thực của đất nước; mối quan hệ giữa VHNT với hiện thực đất nước là mối quan hệ mật thiết. Hiện thực đất nước luôn là đối tượng phản ánh của VHNT, là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ. đó chính là nguồn cảm hứng, là sức sống của VHNT. Hoạt động VHNT ở đơn vị cơ sở trong quân đội cũng hoàn toàn tuân theo dòng chảy đó. Người chiến sĩ trong quá trình thụ cảm các tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp; tham gia các hoạt động VHNT đa dạng, phong phú; sáng tạo các giá trị nghệ thuật, và thụ cảm các sản phẩm nghệ thuật ở đơn vị sẽ giúp họ cảm nhận hoàn toàn tự giác, thoải mái về đời sống xã hội và đời sống quân đội trong mối quan hệ đan xen giữa mới và cũ; đúng và sai, thiện và ác. Và điều đáng nói trong đó là cuộc đấu tranh giữa đúng - sai; tốt - xấu; thiện - ác. Tất cả những điều này tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm của người chiến sĩ, lan toả mạnh mẽ trong tập thể quân nhân, tạo nên dư luận rộng rãi, tổ chức cho họ theo những chuẩn mực mới để xây dựng xã hội, quân đôi, đơn vị ngày càng phát triển.
Thứ tư, VHNT đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu của Chủ nghĩa Đế quốc, các thế lực thù đich trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”và những nhận thức tư tưởng sai trái, lệch lạc
Đặc điểm nổi bật của tình hình cách mạng hiện nay tác động đến nhận thức chính trị tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta là sự biến đổi phức tạp, sâu sắc của tình hình kinh tế, chính trị, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, sự phát triển của kinh tế tri thức và đặc biệt là sự chống phá của Chủ nghĩa Đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ nhằm xoá bỏ độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội ở nước ta với các thủ đoạn, biện pháp thực hiện khôn khéo, tinh vi, thâm độc, xảo quyệt. Tình hình đó đặt công cuộc xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở trước những thách thức mới. Tình hình đó cũng đặt ra những yêu cầu mới trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội nói chung và hoạt động VHNT ở đơn vị cơ sở nói riêng.
Hiệu quả của cuộc đấu tranh chống “Diễn biến hoà binh”của các thế lực thù địch, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá trong các đơn vị quân đội trước hết phải được đánh giá từ sự nhất trí cao của cán bộ, chiến sĩ với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội, đơn vị cùng sự đồng thuận của cán bộ, chiến sĩ với lãnh đạo, chỉ huy. Hiệu quả của cuộc đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch còn phụ thuộc vào khả năng phòng chống tự diễn biến ngay trong mỗi cán bộ, chiến sĩ và trong từng tập thể quân nhân, từng đơn vị và quân đội.
VHNT nói chung, hoạt động VHNT ở đơn vị cơ sở trong quân đội nói riêng với nhiều loại hinh sinh động, phong phú, nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, với những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao phản ánh chân thực, hiện thực cuộc sống, môi trường sống quân đội và cuộc sống chiến sĩ, với tài hoa của người nghệ sĩ, chiến sĩ đã nghệ thuật hóa lý tưởng chính trị, các chuẩn mực nền tảng đạo đức xã hội và chuyển hóa nó thành lý tưởng thẩm mỹ chuyển tải đến người chiến sĩ. Các hoạt động VHNT ở đơn vị cơ sở trong quân đội đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn người chiến sĩ, làm cho họ trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống; bồi dưỡng, hướng dẫn người chiến sĩ hướng tới Chân - Thiện - Mỹ; định hướng cho họ đấu tranh vạch trần cái giả, cái xấu, cái cũ, cái lạc hậu, cái phản động trong đời sống xã hội và đời sống quân đội.
VHNT, hoạt động VHNT ở đơn vị cơ sở quân đội đã góp phần tích cực tạo dựng đời sống văn hóa mới phong phú, đa dạng, môi trường sống tinh khiết để người chiến sĩ được hít thở không khí trong lành, có sức đề kháng miễn dịch tốt, có khả năng đấu tranh tích cực, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi sự thâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc; đấu tranh, phê phán hiệu quả với những nhận thức tư tưởng sai trái lệch lạc.
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét