Đối với các lãnh tụ châu Phi, tên gọi Hồ Chí Minh không chỉ là Bác Hồ mà còn là người anh cả cùng chung những nỗi khổ đau, cùng chung một nhiệm vụ và những băn khoăn lo lắng cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN CHÂU PHI
1. Tổng thống da đen đầu tiên của nước Cộng hoà Nam Phi, Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chống phân biệt chủng tộc Nen-xơn Man-đê-la ca ngợi “Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần quả cảm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước là nguồn cổ vũ để nhân dân Nam Phi vững bước trên con đường dài tới tự do.
Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Hồ Chí Minh và đường mòn Hồ Chí Minh cùng sự nghiệp giải phóng đất nước Việt Nam luôn là ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Thời kỳ ở trong tù tôi có thêm nghị lực chính là nhờ đọc Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh”.
Nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Ghi-nê, chiến sĩ cách mạng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Ghi-nê chống lại thực dân Pháp Ah-mét Xe-cu Tu-re, đã viết lời đề tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách Châu Phi và cách mạng: “Tặng người anh em Hồ Chí Minh. Để tỏ lòng tôn kính sự trung thành kiên cường và bền bỉ của người anh em đối với sự nghiệp vì tự do và tiến bộ của nhân dân Việt Nam anh hùng”. Tổng thống Tu-re đã viết về Người: “Xuất sắc và dũng cảm, người Anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”.
2. Để thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số nước châu Phi đã lấy tên Người đặt cho các đại lộ và quảng trường tại các thủ đô.
Hồ Chí Minh từng là bạn chiến đấu của lãnh tụ cách mạng Ma-đa-gát-xờ-ca Gin Ra-lai-môn-gô trong những năm tháng hoạt động tại Pháp. Từ rất sớm, bằng thực tiễn cuộc sống, trong đó có hình ảnh người nô lệ châu Phi, Người đã phát hiện một chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai loại người: loại người bóc lột và người bị bóc lột”...
Người dân An-giê-ri, một đất nước châu Phi điển hình cho phong trào giải phóng dân tộc đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như một tấm gương vĩ đại của tinh thần tự do bất khuất.
Tháng 11/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ rạng danh toàn cầu ở Việt Nam, các chiến sĩ An-giê-ri đã nổ phát súng cách mạng đầu tiên phát động khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc trong 8 năm cho tổ quốc mình.
Xuất phát từ tình cảm gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, chính quyền An-giê-ri đã cho xây dựng đại lộ mang tên Hồ Chí Minh tại quận Rai Ha-mi-đu, thủ đô An-giê (Avenue du Président Ho Chi Minh). Đại lộ Hồ Chí Minh là con đường giao thông quan trọng và tuyệt đẹp, dài 3km, nằm trên trục Đông - Tây thành phố.
Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn sâu vào tâm trí của sinh viên cũng như người dân Ma-đa-gát-xờ-ca, những người vô cùng khâm phục những đoàn dân công, bộ đội Cụ Hồ đã vượt đèo, vượt núi bằng những chiếc xe thồ để vận chuyển lương thực và kéo pháo lên trận địa để chiến đấu chống lại quân xâm lược.
Năm 2003, chính quyền Ma-đa-gát-xờ-ca đã đặt bức tượng Hồ Chí Minh tại quảng trường mang tên Hồ Chí Minh ở trung tâm thủ đô An-ta-na-na-ri-vo.
Bức tượng bằng đồng được đặt trên bệ đá hoa cương, với chiều cao 3,4m, tại một trong những quảng trường đẹp nhất của thủ đô An-ta-na-na-ri-vo, phía bên dưới có tấm biển đồng khắc câu nói nổi tiếng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người dân Ma-đa-gát-xờ-ca cho rằng, đất nước Ma-đa-gát-xờ-ca dựng tượng đài Hồ Chí Minh không chỉ vì Người là anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn vì Người đã nhóm lên ngọn lửa đấu tranh đòi tự do cho các dân tộc nô lệ, trong đó có Ma-đa-gát-xờ-ca.
Tại Mô-dăm-bích, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của phong trào đấu tranh và giải phóng dân tộc hào hùng được khắc sâu trong tâm trí người dân nơi đây. Cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa vào giáo trình dạy lịch sử của học sinh Mô-dăm-bích.
Chỉ chưa đầy 1 năm sau ngày Mô-dăm-bích giành được độc lập, tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lựa chọn để đặt cho một đại lộ to, đẹp và nằm ngay ở trung tâm của thủ đô Ma-pu-tô. Sau này, tượng của Tổng thống Mô-dăm-bích Gioa-kim An-béc-tô Chi-xa-nô được đặt sát bên cạnh đại lộ Hồ Chí Minh, như một sợi dây kết nối hai quốc gia, hai dân tộc.
Để cảm ơn và ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã vạch ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa trên khắp thế giới, nhân dân Ăng-gô-la đã lấy tên Người đặt cho đại lộ to, đẹp và tráng lệ nhất Thủ đô Lu-an-da. Đại lộ có tên “Avenida Ho Chi Minh” (có nghĩa là đại lộ Hồ Chí Minh), nối liền với đường Cách mạng tháng 10, hướng ra sân bay Lu-an-da. Điểm cuối cùng của đại lộ là nơi khách du lịch có thể ngắm toàn cảnh vịnh Lu-an-da, một trong những vùng biển đẹp nhất ở châu Phi.
Dọc đại lộ Hồ Chí Minh là trụ sở những cơ quan quan trọng của chính phủ, như: Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao, trụ sở Đảng MPLA (Đảng cầm quyền Ăng-gô-la), Đài truyền hình Ăng-gô-la, các trung tâm thương mại và hệ thống văn phòng sang trọng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hiện nay, một số nước châu Phi tỏ ý muốn được đặt tượng và xây dựng công trình tưởng niệm Hồ Chí Minh tại chính quốc. Điều này thể hiện tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc, to lớn của nhân dân châu Phi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Việt Nam.
3. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca thế giới, trong đó có thơ ca châu Phi. Những vần thơ từ châu Phi rực nắng mặt trời thể hiện tình cảm bao la rộng lớn mà nhân dân châu Phi dành cho Bác. Nhà thơ Cộng hòa Ả-rập thống nhất Áp-đen Ma-lác-kha-in, xúc động trước phẩm chất cao quí của Người, đã viết: “Người là khiêm tốn của sự vĩ đại/ Của lòng trung thực của sự hiển danh/ Hiển danh lừng lẫy trong sự trong sạch”.
Nhà thơ nổi tiếng người An-giê-ri Tra-ba-ni A-kho-met đã viết những dòng thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam:
“Tinh thần đấu tranh của Người là
Tinh thần của Việt Nam
Đã vượt qua biên giới Đông Dương
Thức tỉnh niềm tin của hàng triệu trái tim
Khắp nơi trên con đường chiến đấu”.
Tinh thần tự do và khát vọng đấu tranh cho hòa bình của Người đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật cho rất nhiều nghệ sỹ châu Phi. Những ca khúc quốc tế viết về Bác Hồ được vang vọng trên mọi đường phố châu Phi, được nhiều tầng lớp người dân châu Phi biết đến. Tại nhiều nơi của châu Phi xa xôi, có thể dễ dàng nghe thấy giai điệu bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Ê-van Mắc-côn “Bài ca Hồ Chí Minh - The Ballad Of Ho Chi Minh”:
“Miền biển đông xa tít nơi chân trời người dân ở đó lầm than đói nghèo!
Từ đau thương Người đi khắp năm châu lòng tin mặt trời chân lý sáng soi rọi chiếu tới dân lành.
Hồ Hồ Hồ Chí Minh Hồ Hồ Hồ Chí Minh.
...
Người từ chân lý sinh ra vì tự do hòa bình.
Người hiến dâng đời mình vì thế giới hòa bình.
Hồ Hồ Hồ Chí Minh Hồ Hồ Hồ Chí Minh”.
Nguyễn Thanh Diệp, Ban Đối ngoại Trung ương
Báo Nông Nghiệp
Ảnh: Bác Hồ đến thăm kim tự tháp Sakar - Ai cập năm 1946
VẠCH TRẦN CHIÊU TRÒ ĐÒI "DÂN CHỦ" VÔ NGUYÊN TẮC TRONG BẦU CỬ
Bài 3: Không thể phá được ngày hội của toàn dân (Tiếp theo và hết)
Càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch càng đẩy mạnh việc xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, cổ xúy cho một số đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ” tự ứng cử, nói xấu các nhân sự là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi “tẩy chay bầu cử”...
Thế nhưng những âm mưu thâm độc đó sẽ bị vạch trần và chắc chắn ngày bầu cử sẽ là ngày hội lớn.
Herostratus và những “kẻ đốt đền” thời nay
Vào đêm hè của năm 356 trước Công nguyên, một sự kiện đã gây chấn động toàn bộ thế giới văn minh thời điểm đó. Trong đêm khuya thanh vắng, ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở đền Artemis (kỳ quan thứ tư trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại). Trong chốc lát, ngôi đền đã biến thành những đống đổ nát, khói lửa mù mịt... Thủ phạm gây ra tai họa này là Herostratus. Tại phiên tòa xét xử Herostratus sau đó, Herostratus đã làm ngỡ ngàng các quan tòa khi thừa nhận việc mình đốt ngôi đền chỉ vì muốn được lưu danh muôn thuở. Herostratus bị treo cổ kèm theo hình phạt bổ sung là: Mãi mãi không ai được nhắc đến cái tên gắn liền với tội ác hủy diệt thế giới văn minh theo cách man rợ này! Thế nhưng, cái tên Herostratus với biệt danh “kẻ đốt đền” vẫn mãi mãi được lưu truyền với lời nguyền rủa của nhân loại.
Điều đáng buồn là gần 2.400 năm sau vẫn còn có những người có tư tưởng giống như “kẻ đốt đền" Herostratus. Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện hình ảnh một ông già tóc bạc phơ, để dài như tóc phụ nữ, kêu gọi mọi người hãy ủng hộ ông vào Quốc hội. Theo như lời giới thiệu trên trang Facebook cá nhân thì vị này đã 84 tuổi, từng là giáo sư của một trường đại học lớn, từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng do “bất đồng chính kiến” nên đã làm đơn xin ra khỏi Đảng. Ông này hùng hồn tuyên bố trên trang Facebook cá nhân: “Nếu vào được Quốc hội, tôi sẽ không chịu bị biến thành nghị gật”.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo nước ngoài, vị này nói: “Tôi năm nay ngoài 80 tuổi nhưng tôi thấy vẫn còn sức khỏe tốt, quan trọng nhất là tôi có nhiều tư tưởng, ý nghĩ, mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước... Tôi thực sự mong đất nước có một Quốc hội đúng nghĩa Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân. Muốn như vậy, Quốc hội phải có nhiều người giỏi để làm luật, thực hiện vai trò là cơ quan lập pháp... Mong ước đầu tiên của tôi khi vào Quốc hội là tôi sẽ cải cách, đổi mới cách làm luật...”.
Thoáng nghe thì có người khen vì ông đã già rồi mà vẫn “mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước” và nghĩ rằng chắc ông ta sẽ giỏi luật lắm, nhưng đọc kỹ lại thấy vị này chẳng hiểu luật bởi lẽ pháp luật của ta cũng như của tất cả các quốc gia trên thế giới chẳng có điều khoản nào cấm đoán người dân đóng góp để xây dựng đất nước. Mặt khác, quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam hiện nay đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là phù hợp với thực tiễn. Hệ thống luật pháp do Quốc hội xây dựng trong thời gian qua đã bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và có chất lượng cao. Chất lượng luật pháp được thể hiện rõ nét nhất qua thực tế vận hành trong cuộc sống. Nếu chất lượng pháp luật không tốt thì không thể mang lại sự quản lý tốt, thực thi tốt và nền kinh tế-xã hội không thể phát triển tốt như nhiệm kỳ vừa qua.
Ông cho rằng trong Quốc hội Việt Nam “có nhiều nghị gật” là ý kiến rất hồ đồ. Thực tế, hoạt động tranh luận đã diễn ra rất sôi nổi ở tất cả các phiên họp của Quốc hội, kể cả những phiên được tường thuật trực tiếp lẫn những phiên không tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Các đại biểu hiện đang thực hiện tranh luận, phản biện theo hình thức giơ bảng để tranh luận trực tiếp không chỉ với thành viên Chính phủ, người đứng đầu các lĩnh vực trong các buổi chất vấn hay giải trình mà còn tranh luận với chính các ĐBQH khác khi thảo luận về những vấn đề trong các phiên họp.
Ngoài vị cao niên nói trên còn có một số người “bất đồng chính kiến”, dù không đủ uy tín trong cử tri nơi cư trú vẫn cứ hô hào các cử tri phải ủng hộ mình với những lời nói hoa mỹ trên mạng xã hội, rằng nếu được làm ĐBQH, đại biểu HĐND thì sẽ thế này, thế nọ, như thể họ là “siêu nhân”, thực ra không ít người trong số họ là những “kẻ đốt đền”, muốn được nhiều người biết mà thôi.
Vận động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp luật
Trên mạng xã hội hiện nay đã xuất hiện những “lời vận động” cử tri không đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Họ không biết rằng hoặc cố tình không biết đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Để có quyền bầu cử, cả dân tộc, toàn thể nhân dân ta phải đấu tranh hàng nghìn năm, phải đổ biết bao xương máu, chúng ta mới có được.
Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực của nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Trước năm 1945, Việt Nam chưa bao giờ có Hiến pháp, chưa có bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mang lại cho nhân dân ta nhiều quyền lợi mà trước kia họ chưa bao giờ có, trong đó có quyền bầu cử và quyền ứng cử. Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 đã khẳng định quyền ứng cử và bầu cử của công dân tại Điều 18, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I thông qua ngày 9-11-1946 nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Trải qua 3 bản Hiến pháp sau đó (các năm: 1959, 1980 và 1992), quyền bầu cử và ứng cử vẫn tiếp tục được khẳng định. Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 2013) tại Điều 27 hiến định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Như vậy, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền quan trọng của công dân, đi đôi với quyền là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Vận động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân.
Cũng có người phát biểu trên mạng xã hội hoặc trả lời báo chí nước ngoài rằng, việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở nước ta là “áp đặt, thiếu dân chủ”. Xin thưa với các vị, trên thế giới này, khi nói đến bầu cử, ứng cử ở một quốc gia có dân chủ, công bằng hay không, người ta phải xem xét toàn bộ hệ thống bầu cử, ứng cử và nhất là kết quả của hệ thống đó được áp dụng vào bối cảnh đặc thù về lịch sử, văn hóa chính trị của một quốc gia-dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại như thế nào, chứ không thể chỉ nhìn vào một yếu tố nào đó để khái quát, đánh giá. Hệ thống pháp luật về bầu cử của Việt Nam ra đời từ khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay đều có quy định cử tri bầu ĐBQH và HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bảo đảm số lượng đại biểu của mỗi địa phương tỷ lệ với số cử tri của địa phương đó. Các cử tri được bầu cử trực tiếp các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội.
Là một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến điều này. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành (Luật số 85/2015/QH13) quy định: “Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số". Thực tế trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số luôn luôn cao hơn tỷ lệ dân số. Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XIV, chiếm 17,3%; trong khi đó, tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 13% dân số Việt Nam.
Phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành quy định: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”. Theo báo cáo của Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM), tỷ lệ nữ ĐBQH của Việt Nam trong những nhiệm kỳ gần đây cao hơn nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Không thể xuyên tạc sự thật, phá hoại ngày hội lớn của nhân dân
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước vào ngày 23-5-2021. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Qua đó đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp luôn là ngày hội của toàn dân, toàn Đảng và toàn quân ta. Để chuẩn bị cho ngày hội lớn diễn ra vào tháng 5 tới, ngay từ giữa năm trước (ngày 20-6-2020), Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.
Tính đến hết ngày 19-3-2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tại nhiều hội nghị hiệp thương đã thể hiện không khí thực sự dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực HĐND; về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia của ĐBQH, đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay.
Ngay sau hội nghị hiệp thương lần hai, theo quy định, Ủy ban MTTQ các địa phương đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử. Thông qua hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người được giới thiệu ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại hội nghị hiệp thương lần ba. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần ba, trừ trường hợp đặc biệt sẽ được báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương lần ba xem xét, quyết định.
Theo kế hoạch bầu cử, hội nghị hiệp thương lần ba sẽ được tổ chức trước 17 giờ ngày 19-4-2021.
Nhân dân cả nước đang hy vọng và mong muốn những kẻ tham nhũng, cơ hội chính trị, “kẻ đốt đền” sẽ được các cử tri nơi cư trú phát hiện để đưa ra khỏi danh sách ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Đông đảo cử tri của chúng ta đã hiểu rõ điều này. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan báo chí cần phải tiếp tục tuyên truyền, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu thâm độc “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch để ngày bầu cử của chúng ta tới đây - ngày 23-5-2021 - thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
QĐND
PHẢI GỌI ĐÓ LÀ “CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC"
Còn nhớ, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từng đáp lại lời của Clinton rằng: "Thưa ngài, cái mà ngài gọi là "chiến tranh Việt Nam" thì nhân dân Việt Nam chúng tôi gọi đó là "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước..."
Cháu vô cùng kính trọng và khâm phục chất "thép" nơi bác vì không những bác là nguyên thủ Quốc gia, mà là một người lính đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường...
Thế mà thời đại của Internet 5G và cuộc sống hiện đại hôm nay, thế hệ trẻ đang bị nhồi sọ lập lờ bản chất của khái niệm "Chiến tranh Việt Nam" hay "KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ" của nhân dân ta dưới chiêu bài nguy hiểm trong chiến lược "Diễn biến hòa bình", chủ nghĩa xét lại của bọn ngụy sử, mấy tay nhà báo rởm ất ơ được sinh ra trong hòa bình, mấy tay làm phim không có lập trường chính trị.
"Chiến tranh Việt Nam"? Vậy Mỹ đem bom đạn dội lên đầu dải đất hình chữ S này thì sao? Mỗi tấc đất ngọn cỏ đều thấm đẫm máu xương đồng bào tôi trong mấy chục năm ròng, những cuộc thảm sát đẫm máu mà nhân chứng sống đang còn đó. Chẳng lẽ bây giờ Mỹ vô can? Chúng ta cầm súng ra trận "đánh cho Mỹ cút", vậy có phải KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ hay không?
Lịch sử phải công bằng, gọi và hiểu cho đúng bản chất. Đau thương mất mát chúng ra đã quá nhiều rồi, ngồi gác chân trong phòng lạnh hôm nay, các bạn hãy suy nghĩ vì đâu mà có được thành quả đó? Hãy gọi đúng tên và hiểu đúng ý nghĩa của nó: CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC.
Tháng tư đang về, các bạn hãy lắng lòng lại một chút để tưởng nhớ đến 1,2 triệu liệt sĩ đang yên nghỉ trên khắp lãnh thổ đất nước.
Thân!!!
Nguồn: Trân Trần Thị Điệp
"PHẦN TỬ CHỐNG ĐỐI KHÔNG CÓ ĐẤT DIỄN KHI NGƯỜI DÂN HIỂU TÍNH DÂN CHỦ CỦA BẦU CỬ"
Hoạt động chống phá bầu cử là thủ đoạn không mới nhưng cực kỳ nguy hại bởi khi xuyên tạc vai trò của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Gần 2 tháng nữa là tới kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cũng trong thời gian này, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá với tính chất tinh vi với mưu đồ chống phá bầu cử bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện về công tác bầu cử.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV trao đổi với PGS- Tiến sỹ Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng.
PV: Thưa PGS-TS Nguyễn Bá Dương, những kẻ chống đối thường đưa ra quan điểm là không có cuộc bầu cử dân chủ khi mà Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử. Vậy ông có thể phân tích sự sai trái của quan điểm đó như thế nào?
PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Đây là quan điểm sai trái, thù địch của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, của những người bất đồng chính kiến với Đảng, Nhà nước, Quốc hội ta. Quan điểm sai trái của họ thể hiện trước hết là phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó dẫn đến một thái cực, họ cho rằng, Đảng ta không chính danh lãnh đạo bầu cử Quốc hội.
Trên thực tế, họ hiểu sai và xuyên tạc bản chất Đảng ta trong Hiến pháp. Chính khoản 1, Điều 4 Hiến pháp đã hiến định rõ ràng Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Đồng thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng đại diện cho lợi ích trung thành nhất của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam. Đảng lãnh đạo Nhà nước để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân là hoàn toàn đúng đắn.
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội phải thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Chính vì vậy, Đảng lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là hoàn toàn đúng nhưng họ khước từ điều đấy, xuyên tạc, bóp méo sự thật ấy.
Đó là điều sai, và điều sai đó dẫn đến một kết cục phủ nhận toàn bộ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam. Từ đó, phủ nhận toàn bộ chế độ xã hội chủ nghĩa, dẫn đến một thái cực là đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa và bầu cử Quốc hội hay HĐND các cấp này cũng theo mô hình của chủ nghĩa tư bản.
PV: Là cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội qua nhiều kỳ, bản thân ông có thấy là Đảng áp đặt trong công tác bầu cử hay không?
PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Tham gia nhiều lần bầu cử Quốc hội, tôi thấy, việc Đảng ra Nghị quyết, Chỉ thị lãnh đạo bầu cử Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết triển khai chủ trương, đường lối của Đảng hết sức bài bản, dân chủ, công khai, minh bạch.
Trong đó, có sự phân định rõ ràng Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội nhưng Đảng không bao biện, Đảng không làm thay Nhà nước. Chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước và của Quốc hội, của Hội đồng Bầu cử Quốc gia thực hiện đúng theo chức trách nhiệm vụ của mình. Cho nên có sự phân cấp rõ ràng, không có sự lẫn lộn giữa Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội hay HĐND các cấp khi trở thành người đại diện lợi ích trung thành cho nhân dân thì hoàn toàn đúng. Tôi không thấy có điều gì áp đặt, hay cái gì sai với bản chất truyền thống, điều mà đã quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực, phức tạp và chúng ta không thể chọn những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, nhân cách, người mẫu mực đại diện trung thành cho lợi ích của nhân dân và không thể xứng đáng thành Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Cho nên, phải nói rằng, trong nhiều năm tham gia bầu cử Quốc hội, tôi thấy càng ngày Quốc hội của chúng ta triển khai thực hiện bầu cử, công tác tổ chức hết sức bài bản, nghiêm túc, có nề nếp trật tự, đúng trình tự, kỷ cương. Những đại biểu được ứng cử hay bầu cử thực hiện rất tốt quyền công dân của mình và nhân dân tham gia bầu cử, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
PV: Chiêu thức lợi dụng tự ứng cử để tung hô cho các nhà dân chủ giả hiệu rõ ràng là không mới nhưng vẫn khiến cho một số đối tượng nhẹ dạ cả tin nhầm lẫn. Những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Điều này thì đã được quy định rõ ràng trong Luật phải không thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiến định công dân đủ 18 tuổi có quyền đi bầu cử, 21 tuổi có quyền ứng cử. Đã là công dân, tức là những người không vi phạm vào Hiến pháp, pháp luật và họ có đủ quyền bầu cử. Nhưng ở đây, Đảng lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức để lựa chọn những người ưu tú nhất, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có tâm, có tầm, có trí tuệ để đại diện cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, xây dựng cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do ấm no, hạnh phúc. Điều đó là chính đáng.
Nhưng một số người nhân danh cấp tiến, dân chủ trong khi họ không thèm đếm xỉa đến các tiêu chí, tiêu chuẩn, phẩm chất về năng lực để ứng cử làm đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân.
Chính vì vậy, việc tung lên mạng rồi khích lệ, bỏ phiếu ảo, đề xuất những đại biểu phải cấp tiến, dân chủ ấy thực chất là gây rối, tạo hỏa mù, làm rối bận cho các cơ quan, tổ chức bầu cử. Khi không đạt được ý muốn qua các hội nghị hiệp thương, thì họ bắt đầu quay lưng trở cờ, nói xấu, vu cáo.
Chúng ta cũng không lạ gì các chiêu trò, các luận điệu sai trái, lệch lạc. Bởi vì nó không phải bây giờ mới có mà nó được tua đi lặp lại nhiều lần rồi. Đặc biệt trên không gian mạng và các thông tin truyền miệng gây rối loạn bầu không khí trật tự xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, với tất cả những gì thực hiện bài bản, đúng tiêu chuẩn, bố trí đúng thành phần, đúng cơ cấu thì Quốc hội và HĐND thật sự có chất lượng và bầu được những đại biểu trung thành với lợi ích của nhân dân và toàn thể dân tộc
PV: Theo ông, để hạn chế những luận điệu tiêu cực của những phần tử chống đối công tác bầu cử của toàn dân thì công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử cần phải có những thay đổi như thế nào?
PGS-TS Nguyễn Bá Dương: Trước hết phải làm cho toàn thể nhân dân, các cử tri hiểu rõ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, phải cho dân biết rằng luật đấy tính ưu việt như thế nào, có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều và trong đó điều nào gắn với quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân để họ thực hiện tốt.
Thứ hai là cũng phải tuyên truyền để cho nhân dân hiểu rõ Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo bầu cử. Các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải làm rõ điều này.
Điều thứ ba cũng cần phải tuyên truyền cho rõ Nghị quyết 1185 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nghị quyết này quy định rõ thành phần, cơ cấu, số lượng chất lượng, trong đó có quy định từ 5 đến 10 % đại biểu Quốc hội là đại biểu không phải đảng viên và những người ấy thì phẩm chất, đạo đức, phân bố như thế nào. Những phần tử cơ hội, bất mãn, chống đối sẽ không có đất diễn nếu người dân hiểu được tính dân chủ của cuộc bầu cử.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS-TS Nguyễn Bá Dương./.
VOV
MỘT ĐỜI THANH BẠCH CHẲNG VÀNG SON
Một đời thanh bạch chẳng vàng som
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…”
Cuộc đời 79 mùa xuân của Bác chỉ biết lo cho dân nước. Bác hy sinh hạnh phúc riêng tư cho hạnh phúc dân tộc. Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta độc lập, dân tộc ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Hai mốt tuổi, tại bến Nhà Rồng, Người lên tàu xuất dương tìm đường cứu nước. Có người hỏi: “ở nước ngoài, làm gì để sống?” Bác cười chỉ vào 2 bàn tay. Bác làm đủ việc : rửa bát, hầu bàn, chụp hình, viết báo… Cho đến khi làm Chủ tịch Nước, bữa cơm của Người cũng chỉ giản dị đĩa cá kho, bát canh rau và món mắm quê hương xứ Nghệ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được ăn cơm với Bác nhiều nhất bảo: “Ông cụ, bữa cơm, lúc nào cũng tóm vén, nhắc mọi người ăn cho hết. Ai để sót cơm, bị Bác phê bình là lãng phí sức lao động của người nông dân”.
Ngày Bác về thăm quê, Tỉnh ủy Nghệ An mời cơm. Thấy thức ăn nhiều, Bác sớt để riêng bảo: “để người khác khỏi ăn thừa!”
Ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, Chính phủ bố trí Bác ở nhà Toàn quyền, Bác từ chối xin ra ở nhà sàn - Phủ Chủ tịch, sáng chiều tập thể dục, trồng cây, nuôi cá. Dừa, cam có trái, Bác hái chia quà. Rau, cá thu hoạch Bác đem cho nhà bếp, góp phần cải thiện bữa ăn cho cơ quan.
Một hợp tác xã Hà Nội có nghề đúc đồng truyền thống, xin được đúc tượng Bác, Bác bảo:
- Nước đang có chiến tranh, để dành đồng đúc súng đạn đánh Mỹ, nếu có đúc, nên đúc tượng anh hùng liệt sĩ, đúc tượng Bác làm gì?
Thấy áo Bác sờn rách, đồng chí phục vụ xin thay, Bác bảo:
- Rách có tí, vá cho Bác! Đồng chí phục vụ bảo:
- “ Chủ tịch nước, ai lại mặc áo vá.”
Bác cười bảo: “Có ông Chủ tích nước mặc áo vá là hạnh phúc cho dân lắm!”
Bác có một bộ vét bằng kaki vàng, dùng đi nước ngoài, ngoại giao, dự lễ, bị sờn. Anh em bàn nhau bí mật thay mới. Tìm vải tốt, nhưng làm màu hơi cũ đi như màu áo Bác để Bác không phát hiện. Ay thế mà ông cụ tinh, biết, phê bình.
Thường thì Bác mặc quần áo nâu, đi dép cao su (còn gọi là dép râu). Dùng lâu, một hôm dép đứt 1 chiếc quai. Đồng chí phục vụ báo cáo Bác thay đôi mới, Bác bảo: đứt quai thì thay quai, chứ sao lại mua mới, phí. Đồng chí phục vụ quay mặt đi, khóc, thương Bác quá.
Một chính khách Ấn Độ khi thấy người đi dép cao su đã nghẹn ngào bày tỏ: “Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt, đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thân thương quá!”. Vâng, ôi Bác của chúng ta, một con người chỉ.:
"Dép một đôi, áo quần vài bộ
Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài
…
Người không một mảnh vườn riêng, một tổ ấm riêng
Một đứa con riêng, Người chẳng có
Chỉ có vầng trăng chia đều cho cháu nhỏ
Và hát chung cùng nhân dân điệu kết đoàn …”
(Người chẳng có gì riêng-Chế Lan Viên).
Cuộc đời vĩ đại và thanh bạch của một con người mà:
“Đi làm cách mạng hai tay trắng
Mẩu bánh mỳ đen chiếc áo sờn
Về làm Chủ tịch chòm râu bạc
Vẫn áo kaki, dép lốp mòn”
Vâng, Bác chúng ta là con người như vậy đó : “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”, và chỉ biết “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” thì “Ngẫm nghìn xưa có ai như vậy”. Vì thế mà, sự giản dị, thanh cao, cuộc đời luôn thanh bạch, sáng trong của Người sẽ mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ con Lạc, cháu Hồng suy ngẫm, noi theo.
Thái Lão Quê Tôi
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KIM NGÂN - NỮ KIỆT XỨ DỪA VỪA NHẸ NHÀNG VỪA KIÊN QUYẾT
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân” – nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, được người dân trìu mến gọi bằng cái tên “nữ kiệt xứ dừa”.
Còn nhớ, lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhậm chức người đứng đầu Quốc hội, đã làm dư luận xôn xao lúc bấy giờ. Có người vui mừng cảm thán “thì rồi cũng phải đến lúc phụ nữ vùng lên chứ”. Nhưng cũng có một vài người hoài nghi “không biết một người phụ nữ chân yếu tay mềm sẽ dẫn dắt cơ quan lập pháp như thế nào đây?”.
Và rồi vị tân Chủ tịch Quốc hội lúc ấy đã làm cho người dân ngạc nhiên bởi sự điều hành vừa sắc sảo, linh hoạt, nhưng cũng rất kiên quyết, trách nhiệm và khách quan tại các Kỳ họp Quốc hội. Chính cách điều hành của người đứng đầu Quốc hội, đã tạo nên bầu không khí trao đổi thắng thắn, đầy tính xây dựng, mang tính chất gợi mở, tập trung vào các vấn đề cử tri quan tâm, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Mà theo như lời các chuyên gia đánh giá thì “cách điều hành rất chi tiết, mềm mại, đặc biệt rất chi tiết trong từng vấn đề mà đại biểu hỏi. Khi Bộ trưởng mà chưa trả lời hết thì Chủ tịch Quốc hội còn gợi ý. Có thể nói cách điều hành khiến phiên chất vấn nghiêm túc nhưng không căng thẳng và có sinh khí”. Còn ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) chia sẻ: “tôi đặc biệt ấn tượng với cách điều hành nhạy bén, “trúng vấn đề” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân”. Hay như ông Lê Nam, nguyên ĐBQH khóa XIII bày tỏ: “Theo tôi, cách thức điều hành của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất tốt, làm tăng sức hấp dẫn, sôi động và đi sâu vấn đề”.
Là người được đào tạo bài bản về kinh tế, có bằng Thạc sĩ chuyên ngành tài chính tín dụng, cũng như kinh qua nhiều vị trí công tác quản lý từ địa phương đến trung ương, trải đều các lĩnh vực kinh tế – tài chính, thương mại, lao động – xã hội. Đây chính là nền tảng giúp bà Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành tốt Quốc hội và các phiên họp, xây dựng các dự luật, nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế, kinh tế đất nước, ý nguyện của người dân và thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, như Luật Quốc phòng; Luật An ninh mạng; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Bộ Luật Lao động… Đặc biệt là việc Quốc hội phê chuẩn các Hiệp định CPTPP, EVFTA và EVIPA đã gửi đi thông điệp quan trọng mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Không chỉ là hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề lớn, quan trọng của quốc gia, mà là những tâm tư, nguyện vọng, gắn liền với đời sống của người dân như: vấn đề có nên tăng giờ làm thêm hay không; thu hồi bồi thường đất cho người dân như thế nào; chuyện giá thịt lợn bị đẩy lên cao; công tác phòng chống dịch covid -19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thu phí giao thông tại các trạm BOT;… đã được Quốc hội và các ĐBQH quan tâm thảo luận, kiến nghị, giải quyết thấu đáo ngay tại “hội nghị Diên Hồng”.
Một trong những điểm nhấn được cử tri đánh giá cao Quốc hội nhiệm kỳ này là việc phát thanh, truyền hình trực tiếp cuộc họp bàn, thảo luận về ngân sách Nhà nước gắn với thảo luận về kinh tế – xã hội. Điều này cho thấy tính dân chủ, cởi mở trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được thể hiện rõ nét và từng bước đáp ứng nhu cầu tham gia của người dân vào các hoạt động quan trọng của đất nước; củng cố niềm tin về cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đại diện cho nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt là Kỳ họp thứ 9 vừa qua, mang dấu ấn mạnh mẽ bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày trong đợt 1 (từ ngày 20-28/5). Hình thức họp trực tuyến này không những mang lại hiệu quả cao, mà còn tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước. Có thể thấy, tinh thần đổi mới là một dấu ấn quan trọng trong hoạt động Quốc hội, thể hiện nhất quán lời hứa “về một Quốc hội đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự của đất nước” của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Được biết đến là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhưng với các chính khách nước ngoài, bà Nguyễn Thị Kim Ngân toát lên một vẻ đẹp sắc sảo, mạnh mẽ và quyết đoán không kém gì các chính khách nam. Không chỉ cho bạn bè quốc tế thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại, tự tin, mà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện là một nhà ngoại giao khôn ngoan, khi trong các chuyến công du Hàn Quốc, Lào, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ… đã góp phần thúc đẩy hợp tác, tăng cường quan hệ với các nước trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, là chuyến thăm và làm việc tại Pháp và Nghị viện châu Âu, của người đứng đầu Quốc hội đã góp phần thúc đẩy tiến trình ký, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Bên cạnh đó, hình ảnh nữ Chủ tịch Quốc hội cũng tạo dấu ấn tại nhiều chương trình nghị sự, các diễn đàn nghị viện khu vực, liên khu vực và toàn cầu, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF)… khi đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị mang tính xây dựng, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam – thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Trái ngược với hình ảnh quyết đoán, sắc sảo, không kém phần cứng rắn trên nghị trường hay khi gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài, hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân trước người dân luôn gần gũi và bình dị, mang đậm phong cách người phụ nữ Nam Bộ. Trong những chuyến vi hành, người ta bắt gặp vị lãnh đạo với bộ quần áo bà ba, cùng khăn rằn, đến với bà con để trò chuyện, lắng nghe tất cả ý kiến, nguyện vọng của cử tri và giải đáp, trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành, tiếp thu để hoàn chỉnh các dự án luật. Trong những buổi tiếp xúc cử tri tại các địa phương, bà luôn thể hiện mình là một người gần gũi, mộc mạc, không hề có khoảng cách giữa người lãnh đạo với dân.
Còn nhớ tháng 10/2016, tại hai huyện Hương Khê và Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp thị sát tình hình nơi đây, hỏi thăm, động viên bà con, chỉ đạo công tác khắc phục sau mưa lũ. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân vô cùng giản dị, gần gũi, đầu đội mũ cối, xắn quần lội nước đến từng nhà dân trao quà khiến bà con vùng rốn lũ cảm thấy ấm lòng. Hành động này không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của người đứng đầu Quốc hội mà còn toát lên từ tận đáy lòng sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc những khó khăn, thiệt hại với bà con. Rồi thì mấy ai quên được việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi nghe tin nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập, vị lãnh đạo đã hủy bỏ chuyến công du nước ngoài tức tốc về Cần Thơ thăm gia đình các nạn nhân. Thời điểm đó, hầu hết lãnh đạo đều được CSGT hướng dẫn đi vòng qua Cần Thơ đến bến Ninh Kiều để tới hiện trường. Với cách đi vòng như thế, các vị lãnh đạo sẽ ngồi ô tô đến bến tàu. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân không chọn con đường đó mà đi bằng phương tiện xe máy. Bất chấp lời khuyên, bà nhờ một bác xe ôm chở tới hiện trường, tận bệnh viện thăm hỏi người bị nạn và thân nhân. “Nhìn cảnh bà ngồi xe máy băng đồng, tôi có cảm giác đó là bà chị ở xóm hơn là một vị lãnh đạo” – nhà báo Nông Huyền Sơn chia sẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong ba lần lấy phiếu tín nhiệm chức danh (năm 2013, 2014, 2018), trên cả cương vị Phó Chủ tịch cũng như Chủ tịch Quốc hội hiện nay, bà Nguyễn Thị Kim Ngân luôn đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao. Chính những lá phiếu đã nói lên tất cả niềm tin và sự đánh giá khách quan của cử tri cả nước với sự điều hành Quốc hội của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. Bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ các cương vị này, đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức. Trong thời gian giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, bà Nguyễn Thị Kim Ngân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chiều 30.3, Quốc hội đã thực hiện miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Kết quả, có 429/449 đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Kết thúc một nhiệm kỳ thành công với vai trò Chủ tịch quốc hội để lại nhiều yêu quý, kính trọng và chút tiếc nuối cho người dân Việt Nam.
trầnngọctrầm
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)