Đối với các lãnh tụ châu Phi, tên gọi Hồ Chí Minh không chỉ là Bác Hồ mà còn là người anh cả cùng chung những nỗi khổ đau, cùng chung một nhiệm vụ và những băn khoăn lo lắng cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
1. Tổng thống da đen đầu tiên của nước Cộng hoà Nam Phi, Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chống phân biệt chủng tộc Nen-xơn Man-đê-la ca ngợi “Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần quả cảm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước là nguồn cổ vũ để nhân dân Nam Phi vững bước trên con đường dài tới tự do.
Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Hồ Chí Minh và đường mòn Hồ Chí Minh cùng sự nghiệp giải phóng đất nước Việt Nam luôn là ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Thời kỳ ở trong tù tôi có thêm nghị lực chính là nhờ đọc Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh”.
Nguyên Tổng thống nước Cộng hòa Ghi-nê, chiến sĩ cách mạng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Ghi-nê chống lại thực dân Pháp Ah-mét Xe-cu Tu-re, đã viết lời đề tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách Châu Phi và cách mạng: “Tặng người anh em Hồ Chí Minh. Để tỏ lòng tôn kính sự trung thành kiên cường và bền bỉ của người anh em đối với sự nghiệp vì tự do và tiến bộ của nhân dân Việt Nam anh hùng”. Tổng thống Tu-re đã viết về Người: “Xuất sắc và dũng cảm, người Anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”.
2. Để thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số nước châu Phi đã lấy tên Người đặt cho các đại lộ và quảng trường tại các thủ đô.
Hồ Chí Minh từng là bạn chiến đấu của lãnh tụ cách mạng Ma-đa-gát-xờ-ca Gin Ra-lai-môn-gô trong những năm tháng hoạt động tại Pháp. Từ rất sớm, bằng thực tiễn cuộc sống, trong đó có hình ảnh người nô lệ châu Phi, Người đã phát hiện một chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai loại người: loại người bóc lột và người bị bóc lột”...
Người dân An-giê-ri, một đất nước châu Phi điển hình cho phong trào giải phóng dân tộc đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như một tấm gương vĩ đại của tinh thần tự do bất khuất.
Tháng 11/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ rạng danh toàn cầu ở Việt Nam, các chiến sĩ An-giê-ri đã nổ phát súng cách mạng đầu tiên phát động khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc trong 8 năm cho tổ quốc mình.
Xuất phát từ tình cảm gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, chính quyền An-giê-ri đã cho xây dựng đại lộ mang tên Hồ Chí Minh tại quận Rai Ha-mi-đu, thủ đô An-giê (Avenue du Président Ho Chi Minh). Đại lộ Hồ Chí Minh là con đường giao thông quan trọng và tuyệt đẹp, dài 3km, nằm trên trục Đông - Tây thành phố.
Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn sâu vào tâm trí của sinh viên cũng như người dân Ma-đa-gát-xờ-ca, những người vô cùng khâm phục những đoàn dân công, bộ đội Cụ Hồ đã vượt đèo, vượt núi bằng những chiếc xe thồ để vận chuyển lương thực và kéo pháo lên trận địa để chiến đấu chống lại quân xâm lược.
Năm 2003, chính quyền Ma-đa-gát-xờ-ca đã đặt bức tượng Hồ Chí Minh tại quảng trường mang tên Hồ Chí Minh ở trung tâm thủ đô An-ta-na-na-ri-vo.
Bức tượng bằng đồng được đặt trên bệ đá hoa cương, với chiều cao 3,4m, tại một trong những quảng trường đẹp nhất của thủ đô An-ta-na-na-ri-vo, phía bên dưới có tấm biển đồng khắc câu nói nổi tiếng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người dân Ma-đa-gát-xờ-ca cho rằng, đất nước Ma-đa-gát-xờ-ca dựng tượng đài Hồ Chí Minh không chỉ vì Người là anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn vì Người đã nhóm lên ngọn lửa đấu tranh đòi tự do cho các dân tộc nô lệ, trong đó có Ma-đa-gát-xờ-ca.
Tại Mô-dăm-bích, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của phong trào đấu tranh và giải phóng dân tộc hào hùng được khắc sâu trong tâm trí người dân nơi đây. Cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa vào giáo trình dạy lịch sử của học sinh Mô-dăm-bích.
Chỉ chưa đầy 1 năm sau ngày Mô-dăm-bích giành được độc lập, tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lựa chọn để đặt cho một đại lộ to, đẹp và nằm ngay ở trung tâm của thủ đô Ma-pu-tô. Sau này, tượng của Tổng thống Mô-dăm-bích Gioa-kim An-béc-tô Chi-xa-nô được đặt sát bên cạnh đại lộ Hồ Chí Minh, như một sợi dây kết nối hai quốc gia, hai dân tộc.
Để cảm ơn và ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã vạch ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa trên khắp thế giới, nhân dân Ăng-gô-la đã lấy tên Người đặt cho đại lộ to, đẹp và tráng lệ nhất Thủ đô Lu-an-da. Đại lộ có tên “Avenida Ho Chi Minh” (có nghĩa là đại lộ Hồ Chí Minh), nối liền với đường Cách mạng tháng 10, hướng ra sân bay Lu-an-da. Điểm cuối cùng của đại lộ là nơi khách du lịch có thể ngắm toàn cảnh vịnh Lu-an-da, một trong những vùng biển đẹp nhất ở châu Phi.
Dọc đại lộ Hồ Chí Minh là trụ sở những cơ quan quan trọng của chính phủ, như: Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao, trụ sở Đảng MPLA (Đảng cầm quyền Ăng-gô-la), Đài truyền hình Ăng-gô-la, các trung tâm thương mại và hệ thống văn phòng sang trọng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hiện nay, một số nước châu Phi tỏ ý muốn được đặt tượng và xây dựng công trình tưởng niệm Hồ Chí Minh tại chính quốc. Điều này thể hiện tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc, to lớn của nhân dân châu Phi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Việt Nam.
3. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca thế giới, trong đó có thơ ca châu Phi. Những vần thơ từ châu Phi rực nắng mặt trời thể hiện tình cảm bao la rộng lớn mà nhân dân châu Phi dành cho Bác. Nhà thơ Cộng hòa Ả-rập thống nhất Áp-đen Ma-lác-kha-in, xúc động trước phẩm chất cao quí của Người, đã viết: “Người là khiêm tốn của sự vĩ đại/ Của lòng trung thực của sự hiển danh/ Hiển danh lừng lẫy trong sự trong sạch”.
Nhà thơ nổi tiếng người An-giê-ri Tra-ba-ni A-kho-met đã viết những dòng thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam:
“Tinh thần đấu tranh của Người là
Tinh thần của Việt Nam
Đã vượt qua biên giới Đông Dương
Thức tỉnh niềm tin của hàng triệu trái tim
Khắp nơi trên con đường chiến đấu”.
Tinh thần tự do và khát vọng đấu tranh cho hòa bình của Người đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật cho rất nhiều nghệ sỹ châu Phi. Những ca khúc quốc tế viết về Bác Hồ được vang vọng trên mọi đường phố châu Phi, được nhiều tầng lớp người dân châu Phi biết đến. Tại nhiều nơi của châu Phi xa xôi, có thể dễ dàng nghe thấy giai điệu bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Ê-van Mắc-côn “Bài ca Hồ Chí Minh - The Ballad Of Ho Chi Minh”:
“Miền biển đông xa tít nơi chân trời người dân ở đó lầm than đói nghèo!
Từ đau thương Người đi khắp năm châu lòng tin mặt trời chân lý sáng soi rọi chiếu tới dân lành.
Hồ Hồ Hồ Chí Minh Hồ Hồ Hồ Chí Minh.
...
Người từ chân lý sinh ra vì tự do hòa bình.
Người hiến dâng đời mình vì thế giới hòa bình.
Hồ Hồ Hồ Chí Minh Hồ Hồ Hồ Chí Minh”.
Nguyễn Thanh Diệp, Ban Đối ngoại Trung ương
Báo Nông Nghiệp
Ảnh: Bác Hồ đến thăm kim tự tháp Sakar - Ai cập năm 1946
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét