Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

TÌNH BẠN CAO CẢ CỦA BÁC HỒ VÀ BÁC TÔN

 Tình cảm giữa Bác Hồ và Bác Tôn hình thành từ rất sớm, khi hai người chưa hề gặp nhau: Bác Tôn Đức Thắng từng ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 khi Người còn hoạt động trên đất Pháp, đã đưa ra “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” 8 điểm đòi quyền độc lập cho Việt Nam làm chấn động Hội nghị Véc-xây… Nhưng mãi đến cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, khi Bác Tôn được bầu là đại biểu Quốc hội và ra Hà Nội làm việc, lần đầu tiên Bác Tôn và Bác Hồ mới gặp mặt nhau.

Tại phiên họp vào ngày 8-11-1946 của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa một, khi Chủ tịch Chính phủ liên hiệp (lâm thời) Hồ Chí Minh phát biểu từ chức, trao quyền để Quốc hội chọn người đứng ra lập Chính phủ mới-Chính phủ “tập họp nhân tài, đoàn kết kháng chiến”-thì đại biểu Quốc hội Nam Bộ Tôn Đức Thắng đã đứng lên dõng dạc phát biểu ý kiến: “Tôi xin giới thiệu Cụ Hồ Chí Minh, tức nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc là người xứng đáng hơn ai hết, đứng ra thành lập Chính phủ mới”. Ý kiến của Bác Tôn đã làm cho nhóm đại biểu các đảng phái phản động chưng hửng, thất vọng vì họ đã chuẩn bị sẵn một “danh sách tân chính phủ”…
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12, Bác Tôn cùng hai con gái là Hạnh, Nghiêm đều đã tham gia cách mạng được theo cha lên chiến khu Việt Bắc công tác. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Tôn là quyền Bộ trưởng Nội vụ, Trưởng ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng ban Thường trực Quốc hội… Giữa chiến khu Việt Bắc những ngày kháng chiến, Bác Hồ thường mời Bác Tôn đến gặp để đàm đạo công việc, trao đổi ý kiến về những công việc cụ thể nhằm đẩy mạnh phong trào Thi đua ái quốc, đẩy mạnh kháng chiến.
Bác Tôn cũng là người có phong cách rất cần kiệm trong đời sống, giản dị trong sinh hoạt. Hai Bác xưng hô với nhau rất thân mật bằng đại từ “cụ” và thân tình như một đôi bạn tri kỷ luôn “tâm đầu ý hợp”. Sau ngày kháng chiến thành công, trở về sống ở Thủ đô, Bác Hồ vẫn chỉ ở và làm việc tại căn phòng của người thợ điện cạnh tòa nhà Phủ Chủ tịch. Ngày vợ chồng hai người con gái là chị Hạnh-anh Phúc và chị Nghiêm-anh Trúc theo cha (Bác Tôn) về Hà Nội, thì bà Giàu từ miền Nam tập kết ra, lúc này gia đình mới sum họp. Ở nhà 35 Trần Phú, vợ chồng chị Hạnh, chị Nghiêm cũng chỉ có một phòng rộng không quá 20 mét vuông, hai chị em nhất định nhường cho ông thư ký riêng của cha căn phòng rộng hơn, vì “gia đình ông đông người hơn”. Ở Hà Nội, Bác Hồ thường sang thăm gia đình Bác Tôn. Thấy Bác Tôn làm việc, nghỉ ngơi trên tầng 2, hằng ngày thường phải lên xuống cầu thang không thuận tiện và tốn sức tuổi già, Bác Hồ nhắc Văn phòng: “Phải sắp xếp và đưa cụ xuống tầng dưới để ít phải đi lại, xuống hầm (hầm trú ẩn tránh bom đạn khi máy bay Mỹ đánh phá) cũng nhanh hơn…”. Những thời gian có thể, thường vào chiều thứ bảy trong tháng, Bác Hồ lại cho mời Bác Tôn sang nhà sàn cùng ăn cơm và đàm đạo với nhau. Mỗi lần như vậy, khi đến giờ, Bác Hồ ra tận gốc cây sát bờ ao thả cá đứng đợi “đón bạn”. Khi Bác Tôn đến, Bác Hồ lên tiếng: “Chào cụ!”. Bác Tôn cũng liền chắp hai bàn tay đáp lại: “Chào cụ !” đáp lễ…
Vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Bác Tôn (20-8-1958), Quốc hội quyết định tặng Bác Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng. Tại buổi lễ, trước khi gắn huân chương lên ngực áo Bác Tôn, Bác Hồ rất vui và rất xúc động phát biểu: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân… Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng, là huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và rất xứng đáng được tặng…”.
Hai năm sau, ở tuổi 72, kỳ họp Quốc hội tháng 7-1960 đã tín nhiệm bầu Bác Tôn làm Phó Chủ tịch nước. Bác Tôn không chịu nhận có thêm thư ký riêng với lý do “công việc không nhiều”, sử dụng thêm một cán bộ là lãng phí. Nhưng Bác Hồ không tán thành, vì Bác Tôn tuổi đã cao. Bác Hồ bàn với Văn phòng sắp xếp công việc để có người giúp việc Bác Tôn, nên năm 1962 mới có người giúp việc - thư ký cho Bác Tôn, đó là ông Lê Hữu Lập… Cho đến năm Mậu Thân 1968, Bác Tôn Đức Thắng tròn 80 tuổi giữa thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang rất quyết liệt. Ngày 20 tháng 8 năm 1968, nhân dịp sinh nhật Bác Tôn tròn 80 tuổi, Bác Hồ lúc đến chúc thọ người bạn già tri kỷ Tôn Đức Thắng, đã tặng bạn hai câu thơ:
“Càng già chí khí càng dai
Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn già”.
...
Thật đáng trân trọng tình bạn trong sáng của Bác Hồ và Bác Tôn!
Có thể là hình ảnh về 4 người và mọi người đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét