Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

THUYỀN TRƯỞNG “TÀU KHÔNG SỐ” ĐẦU TIÊN

 Ngày 11/10/1962, tại bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) chuyến tàu gỗ Phương Đông 1 lặng lẽ ra khơi mang theo cả niềm tin, tình thương của Đảng và Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam, mở ra con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, con đường vận chuyển vũ khí chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Người thuyền trưởng được chọn chỉ huy con tàu huyền thoại đó là đồng chí Lê Văn Một.

Lê Văn Một (1921-1982), là con Quan Đốc học Lê Văn Giỏi nổi tiếng đất Mỹ Tho (Tiền Giang) và bà Trần Thị Lang. Ông là con thứ 11 trong gia đình 13 anh em, có Pháp tịch với tên là Abel René, hoặc Lê Văn Abel René. Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình, ngay từ nhỏ, cậu bé Abel René đã tỏ ra thông minh, sáng dạ, chăm chỉ học tập, được bố mẹ cho học ở nhiều trường như Trường tiểu học Mỹ Tho, Trường Lê Bá Cang – Sài Gòn, học ở Huế rồi ra Hà Nội học ở Trường Thăng Long. Đến tuổi trưởng thành, Abel René vào lính thủy, làm hoa tiêu trên tàu Lamotte Picquet – chiến hạm lớn nhất Đông Dương của Pháp lúc bấy giờ.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ý thức dân tộc trở nên mạnh mẽ, một bước ngoặt đến với Abel René khi ông nhận ra: "Nước Pháp không phải là mẫu quốc của tôi!". Từ đó, chàng thanh niên 24 tuổi Abel René đã cùng bạn bè tìm đường theo cách mạng kháng chiến, ông đổi tên thành Lê Văn Một. Ban đầu, ông gia nhập vận tải đường sông trên chiếc tàu Cửu Long, qua lại khắp các kênh rạch của Đồng Tháp Mười, về sau chuyển về miền Tây Nam Bộ làm Thuyền trưởng tàu Chiến Thắng.
Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lực lượng vũ trang Nam Bộ rút về Đồng Tháp Mười và rừng U Minh thực hiện kháng chiến lâu dài. Xứ ủy Nam Kỳ đã nhận định, phải có súng mới đánh Pháp được. Lê Văn Một và 12 người nữa được đồng chí Năm Phúc (nhà lão thành cách mạng Dương Quang Đông) chọn vào lực lượng vận tải vũ khí, mang theo 25kg vàng, bỏ trong ruột tượng, ngày đêm cột chặt quanh mình, tổ chức "con đường xuyên Tây", lên đường sang Băng Cốc (Thái Lan) bằng ghe buồm để tìm mua vũ khí và vận chuyển về Nam Bộ.
Cứ như vậy, suốt mấy năm đi đi, về về trên Vịnh Thái Lan, trên “con đường xuyên Tây” này, đơn vị đã vận chuyển được hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa về Nam Bộ. Những chiến công thầm lặng đó đã “góp gió thành bão” cho quân dân Nam Bộ thêm vũ khí đánh Pháp và đặc biệt là tiền đề cho ý tưởng vĩ đại mở con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển Đông, đưa vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Lê Văn Một cùng với phần lớn đồng đội tập kết ra Bắc. Tại đây, ông được phân công làm Cảng trưởng cảng Cẩm Phả và giữ chức vụ này trong 5 năm. Tháng 8 năm 1961, trong một lần thử nghiệm mở tuyến vận tải vũ khí trên biển, người bạn Bông Văn Dĩa của ông sau khi chỉ huy một tàu từ Cà Mau ra Bắc thành công, đã tìm đến và đề nghị ông cùng tham gia tuyến vận tải của Đoàn 759 vừa được thành lập.
22 giờ 30 phút đêm 11/10/1962, từ Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), chiếc tàu gỗ mang tên Phương Đông 1 do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa, cùng 11 thủy thủ đoàn, chở hơn 30 tấn hàng quân sự, bí mật nhổ neo ra khơi, hướng về phía Nam. Đây là chuyến đi đầu tiên để mở đường cho Đoàn tàu Không số vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Trải qua bao khó khăn, nguy hiểm, bởi phương tiện nhỏ bé, thô sơ, bởi sóng gió thời tiết thất thường của biển cả, đặc biệt là sự rình rập của kẻ thù trên mỗi chặng đường, nhưng với tài năng, kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ và lòng dũng cảm, Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa đã chỉ huy thành công chuyến đi. 6 giờ sáng ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau), hàng hóa và người đều tuyệt đối an toàn. Từ đây, con đường huyền thoại – Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức khai thông.
Một năm sau, Lê Văn Một lại được cử làm Thuyền trưởng Tàu gỗ 41, cùng Chính trị viên Đặng Văn Thanh đưa vũ khí vào miền Đông Nam bộ, cập bến Lộc An (Bà Rịa – Vũng Tàu) ngay trước đồn Phước Hải, đêm 03/10/1963. Đây là một chuyến đi gian khổ bởi tàu bị mắc cạn ngay trước đồn địch. Lê Văn Một một lần nữa ứng xử rất linh hoạt, thông minh, đảm bảo đưa hàng tới bến an toàn. Hai chuyến đi này đều ghi những dấu ấn đặc biệt trong hành trình vận chuyển vũ khí bằng đường biển của những “con tàu không số”. Đây là những chuyến mở đường, vào bến mới, đầy khó khăn và thử thách. Bằng kinh nghiệm đi biển, bản lĩnh dày dạn, đặc biệt là tinh thần quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Thuyền trưởng Lê Văn Một đã xử trí rất thông minh nhiều tình huống phức tạp trong hiểm nguy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày 20/9/2011, đồng chí Lê Văn Một được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Độc lập hạng Ba vì những đóng góp của ông vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc./.
Nguồn BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM.
Có thể là hình ảnh về 1 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét