Biển Đông tiếp tục nóng lên trong năm 2021 với một loạt động thái mới đáng lo ngại từ phía Trung Quốc, Mỹ và một số nước liên quan.
Ngày 12-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là Bộ Tứ kim cương) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, các lãnh đạo cao nhất của Bộ Tứ tham gia cuộc đối thoại. Mặc dù mục đích chính của cuộc gặp lần này là nhằm giải quyết “các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở” và cái tên Trung Quốc không được nhắc đến trong Tuyên bố chung của Hội nghị, nhưng theo các nhà phân tích quốc tế, trọng tâm chính là để đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc trong một loạt các vấn đề cấp bách.
Về vấn đề Biển Đông, phần 4 của Tuyên bố chung của Hội nghị có viết: “Tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm vấn đề an ninh hàng hải, nhằm đáp ứng các thách thức đối với quy tắc trật tự hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Kể từ khi lên nắm quyền từ đầu năm 2021, chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục theo đuổi quan điểm cứng rắn trong chính sách với Trung Quốc. Mỹ đang tăng cường tần suất các hoạt động hải quân và không quân tại Biển Đông. Trong 30 ngày đầu lên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Mỹ đã tiến hành ít nhất 3 hoạt động hàng hải lớn tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong đó có màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất trong một thập kỷ qua.
Trong khi đó, cũng từ đầu năm 2021, Trung Quốc dồn dập tổ chức diễn tập quân sự ở khu vực Biển Đông. Ngày 22-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký sắc lệnh ban hành luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nước này bắn vào tàu thuyền nước ngoài trong trường hợp họ cho là cần thiết. Mới đây nhất, ngày 9-3, ông Tập đã yêu cầu quân đội Trung Quốc “sẵn sàng” trong bối cảnh bất ổn an ninh với các quốc gia khác gia tăng. Trung Quốc cũng quyết định tăng ngân sách quốc phòng với mức 6,8% trong năm 2021 so với năm 2020, lên đến 208 tỷ USD.
Trong thời gian tới, cạnh tranh Mỹ – Trung chắc chắn sẽ ngày càng quyết liệt trên nhiều mặt trận. Biển Đông là một trong những mặt trận đó. Ngoài Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, Mỹ đang mở rộng liên minh với một số nước lớn khác như Anh và Pháp, công khai thách thức những yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi, kiên quyết không chịu nhượng bộ. Theo một số nhà phân tích, hai bên sẽ tiếp tục bất đồng và thách thức nhau song song với việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên Biển Đông. Tuy kịch bản xấu nhất là xung đột vũ trang quy mô lớn khó có thể xảy ra, nhưng những tính toán sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó lường trước được.
Vấn đề Biển Đông luôn là một thách thức đối với Việt Nam và các nước ASEAN. Các nước trong khu vực bất bình với các hành vi sử dụng sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng đồng thời cũng lo ngại sự cạnh tranh ảnh hưởng, đối đấu giữa các nước lớn có thể làm cho Biển Đông trở nên quá nóng, dễ gây ra xung đột. Mặt khác, các nước ASEAN không muốn bị đẩy vào tình thế khó khăn buộc phải lựa chọn giữa Mỹ với Trung Quốc.
Lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Quan điểm của Viêt Nam trong xử lý các vấn đề đối ngoại nói chung và tranh chấp tại biển Đông nói riêng là luôn đặt lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết, mềm dẻo, linh hoạt, nhưng không nhân nhượng, không thỏa hiệp.
Về vai trò của Mỹ và các nước khác, Việt Nam nhiều lần tuyên bố Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; hoạt động của các nước khác trên Biển Đông phải đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Từ nhiều năm nay, các thế lực thù địch, chống đối và những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị luôn lợi dụng vấn đề Biển Đông để công kích, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương của Việt Nam đối với vấn đề biển, đảo. Họ cho rằng, chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua hòa bình, đối thoại là “nhu nhược”, “hèn nhát”. Họ cho rằng chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là “tự trói tay mình”, là “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”, nếu không thì không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước. Đó là những quan điểm hoàn toàn sai trái.
ĐNT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét