<Nga Mi>
Sau 6 tuần cuộc đảo chính, Myanmar ngày càng hỗn loạn và đau thương bao trùm. Tình hình tại Myanmar bị cho là đã rơi vào bế tắc khi số người thiệt mạng ngày càng gia tăng trong khi giới quan sát nhận định việc khôi phục tình trạng trước chính biến là điều không thể. Tương tự như tại Syria, sau 10 năm “dân chủ” đến với Syria (theo cách gọi của Mỹ và phương Tây), đất nước này suy sụp hoàn toàn. “Dân chủ” là chiếc bánh vẽ ngon nhất mà các nước lớn và tập đoàn buôn bán vũ khí mang đến cho những đất nước đang tồn tại những mâu thuẫn nội tại. Những mâu thuẫn được khuếch trương và cơ hội để các thế lực ngoại bang châm mồi cho ngọn lửa giận dữ của người dân.
Syria, Myanmar hay một số quốc gia đang bị nội chiến đều ước rằng giá như giữ nguyên trật tự trước cuộc chiến thì sẽ tốt hơn. Nhưng, lịch sử không có “giá như”. Đó cũng chính là điều người dân Việt Nam nên suy ngẫm nghiêm túc trước những lời kêu gọi biểu tình, tuần hành chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Mọi hành vi bạo lực đều sẽ không mang lại những kết quả tốt đẹp như mong muốn và hệ luỵ sẽ tàn phá đất nước theo cách khủng khiếp nhất.
Đất nước Myanmar có thể mất hàng thập kỷ để khôi phục kinh tế, cơ sở hạ tầng nhưng không thể khôi phục hoàn toàn mất mát của những gia đình có người chết trong các cuộc đụng độ. Theo thống kê của Hiệp hội Hỗ trợ tù chính trị (AAPP), tới nay đã có hơn 180 người bị giết chết tại Myanmar, trong đó chỉ riêng chủ nhật vừa rồi (14-3) có 74 người. Những người đã chết hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Họ là những người hăng hái tham gia biểu tình, bạo động chống chính quyền quân đội và cũng là những người chịu hậu quả nặng nề nhất. Thanh niên, sinh viên với nhiệt tình của tuổi trẻ luôn là những người đi đầu trong các cuộc cách mạng. Họ là động lực của các cuộc cách mạng và cũng dễ bị các thế lực chính trị lôi kéo vào mục đích của mình.
Ở Việt Nam, thanh niên, sinh viên là động lực của sự phát triển của đất nước nhưng cũng đã bị lôi kéo vào các hoạt động gây rối trật tự công cộng. Điều may mắn đối với họ so với thanh niên Myanmar là chính quyền không áp dụng các biện pháp cứng rắn và bạo lực. Sự hăng hái, nhiệt tình của tuổi trẻ là điều đáng quý nhưng cũng dễ bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động bạo lực. Hãy cảnh giác với những lời kêu gọi tham gia biểu tình, bạo động nếu không muốn rơi vào tình trạng như Myanmar hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét