Trong lãnh đạo, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định phương châm “người trước, súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự”, luôn xác định xây dựng người quân nhân cách mạng là nền tảng, cốt lõi của sự nghiệp xây dựng quân đội; Công tác đảng, công tác chính trị là “linh hồn, mạch sống” của quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm xây dựng các tổ chức và con người trong quân đội vững mạnh.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân. Do vậy, quân đội trước hết phải là một tổ chức chính trị được vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định bản chất, sức mạnh và mọi hoạt động của quân đội.
Ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), bên cạnh người Đội trưởng là đồng chí Hoàng Sâm, có chính trị viên là đồng chí Dương Mạc Thạch. Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 71, xác định tổ chức hệ thống chính trị viên trong quân đội. Theo đó, “từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự, có CTV; cấp chiến khu có CTV. CTV ở mỗi đơn vị có trách nhiệm giúp người chỉ huy đơn vị ấy mọi việc, giải thích cho bộ đội và nhân dân thi hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, nâng cao tinh thần cho bộ đội…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên lúc bình cũng như lúc chiến. Cán bộ coi đội viên như chân tay, đội viên coi cán bộ như đầu óc. Đội viên chưa có cơm ăn, chưa có áo mặc, chưa có chỗ ngủ… thì cán bộ không được ăn no, không được mặc ấm, không được ngủ yên…”.
Với tư cách là người đại diện Đảng, chủ trì về chính trị ở các đơn vị, đội ngũ chính ủy, chính trị viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị, nhằm xây dựng, phát huy sức mạnh nhân tố con người, nhân tố chính trị tinh thần trong quân đội. Từ ngày 06 đến 11/3/1948, Trung ương Quân ủy tổ chức Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai tại Chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến hội nghị. Trong thư, một lần nữa, Người khẳng định sự cần thiết phải có đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội và đặc biệt nhấn mạnh tư cách của người đảm nhiệm công việc hệ trọng được giao: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”.
Người chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là một công việc hệ trọng, quyết định sức mạnh của quân đội. Trong hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ chính ủy, chính trị viên luôn được coi trọng và xác định là vấn đề chiến lược trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị./.
SQCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét