Tại ngôi nhà số 143 Phan Thanh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Tám treo rất nhiều tấm ảnh ghi lại chặng đường thanh xuân sôi nổi của mình.
Hỏi rằng đây có phải là “bảo tàng” của cô không, nữ anh hùng tuổi 70 với 50 năm tuổi Đảng xuýt xoa: “Sau giải phóng, cô có cả một vali ảnh, nhất là khi đi thăm các nước. Bạn chụp cho mình rồi tặng, vậy mà đem về quê, nước lụt, hỏng hết. Cô tiếc đứt ruột. Những cái này để lại Đà Nẵng nên còn”. Chỉ vào tấm ảnh một anh bộ đội cầm dao cắt mái tóc dài, mượt của mình, bà nói: “Sau trận đánh ở Thanh Khê ngày 26-12-1968, cô thoát khỏi vòng vây kẻ thù và rút lên núi. Một phóng viên chiến trường bảo anh Trần Đình Trung, bạn chiến đấu tái diễn hành động anh đã làm khi cô yêu cầu trên đường đánh trả bọn địch. Hồi đó tóc dài quá, sợ vướng mà. Tấm ảnh này cô quý lắm. Sau đó ra Hà Nội tìm kiếm nhiều lần nhưng không gặp được người phóng viên trên căn cứ Quảng Đà năm ấy”.
Năm 1971, Nguyễn Thị Tám được ra Bắc. Tại đây, nữ dũng sĩ vinh dự diện kiến và chụp ảnh chung với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Rồi những chuyến đi dự hội nghị thanh niên, phụ nữ ở Chile, Cuba, Nam Tư (trước đây), Liên Xô, Trung Quốc... Nguyễn Thị Tám luôn được gọi tên. Cô gái Điện Bàn vẫn giữ nét chân chất, thật thà khi ra nước ngoài. Nhiều nơi đoàn đến, chủ nhà hỏi nữ dũng sĩ muốn gì, họ sẽ đáp ứng. Tám nói xin súng đạn để đánh Mỹ mà không cần bất cứ điều gì cho riêng mình. Bức ảnh trên tường lưu lại gương mặt non nớt, dễ thương khi Tám ở bên các bạn quốc tế. Có những ngày Nguyễn Thị Tám cùng đoàn đi nói chuyện của quê hương đến 2 giờ sáng mới về, mệt mà vui. Chỉ tấm ảnh được một người lính Nam Tư đội cho mình chiếc mũ ca-lô xinh xắn ngay trên trận địa, bà bồi hồi kể: “Ở các nước bạn, khi đoàn báo cáo chuyện chiến đấu ở miền Nam, ai nghe cũng xúc động. Có khi họ tung cô lên vai, cứ như em bé. Đặc biệt, Tổng thống Chile Salvador Allende (năm 1973) còn mời cả đoàn Việt Nam đến nhà dùng cơm, bày tỏ sự yêu quý đặc biệt”.
Cô bé Tám ở thôn Ngân Hà, Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) tuổi 14 đi làm liên lạc cho các chú, đâu nghĩ rằng có ngày đôi chân trần trên cát bỏng sẽ sải bước ra thế giới. Người cha, cán bộ nông hội, cầu nối với cách mạng là tấm gương cho con gái dấn thân theo con đường của Đảng. Cô làm liên lạc cho Quận ủy quận Nhì (Đà Nẵng), thử thách đầu tiên là các chú đưa mẹt xôi đường, dưới có truyền đơn bảo cô bắt xe ra Đà Nẵng giao cho cơ sở. Chuyến đi đầu tiên trót lọt và cứ thế tiếp diễn. Tám được phân công ra Đà Nẵng tham gia vào tổ biệt động Thanh Khê trong vai người giúp việc. Nhiều lần địch nghi ngờ tra hỏi, không ít lần bị bắt, Tám kiên cường chịu những đòn tra tấn dã man, buộc chúng phải thả. Rồi Tám bị lộ, được lệnh rút vào hoạt động bí mật ở nhà mẹ Nhu (Lê Thị Dãnh, Anh hùng LLVT nhân dân) cùng hai đồng chí Trung và Huề. Còn tổ khác có 4 người (anh Mười, anh Phương, anh Năm và anh Chi) ở hầm nhà mẹ Hiền. Tổ biệt động đã từng đánh nhiều trận khiến quân địch khiếp sợ. Buổi sáng lịch sử 26-12-1968, do có kẻ phản bội, địch tràn đến. Mẹ Nhu hy sinh ngay trong nhà của mình để bảo vệ những đứa con cảm tử. Suốt ngày hôm đó, Tám và 6 dũng sĩ Thanh Khê chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt 80 tên Mỹ-ngụy, trong đó bản thân Nguyễn Thị Tám sử dụng 4 loại vũ khí tiêu diệt hàng chục tên địch, chấn động thành phố lúc ấy.
Luôn nghĩ đến đồng đội và đặc biệt là mẹ Nhu, người đã nhận cái chết để bảo vệ cách mạng, sau khi về hưu năm 1990 (bà là Phó trưởng phòng Tổ chức của Sở Xây dựng Quảng Nam-Đà Nẵng), người nữ anh hùng luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Mang trên người đủ loại bệnh tật do di chứng của những vết thương chiến tranh, nhưng lúc nào người phụ nữ ấy cũng toát lên năng lượng đặc biệt. Có ngày các báo, đài hay các cơ quan, đoàn thể “quần” bà từ sáng đến chiều, nhất là trong các dịp lễ lớn của dân tộc nhưng bà luôn sôi nổi, hợp tác với nụ cười thường trực trên môi. Nghỉ làm bí thư chi bộ sau nhiều năm, hiện bà là Chủ tịch Hội Tù yêu nước phường Thạc Gián, tham gia các Ban liên lạc cựu chiến binh Anh hùng LLVT nhân dân TP Đà Nẵng, Biệt động thành phố, Biệt động quận Nhì. Đặc biệt, với uy tín của mình, bà thường xuyên kết nối, huy động kinh phí để hỗ trợ, giúp đỡ các xã ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam còn khó khăn. Bà nói: “Cô cũng có “kế hoạch nhỏ” đó”. Thì ra, được mời đi nói chuyện hay họp hành, hoặc con cháu tặng, bà đều để riêng không đụng đến. Gần Tết, “đập hộp” số tiền có khi đến hàng chục triệu đồng, bà đều ủng hộ đồng bào miền núi. Hằng năm, đoàn của lãnh đạo phường Thạc Gián, tù yêu nước và các mạnh thường quân lại mua hàng hóa thiết yếu tặng các xã khó khăn của huyện, duy trì suốt nhiều năm nay. Ghi nhận những đóng góp của bà, nữ anh hùng đã được tham gia cùng đoàn đại biểu TP Đà Nẵng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
HỒNG VÂN - QĐND
Nguyễn Thị Tám trên trận địa những người lính Nam Tư (1973). Ảnh chụp lại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét