Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI MẸ TRẦN THỊ VIỄN VÁ CỜ TRÊN VỸ TUYẾN 17

  Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành ranh giới tạm thời chia cắt hai miền đất nước. Trong suốt hơn 21 năm chiến tranh, loạn lạc, lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay giữa nền trời xanh mây trắng bên phía Bắc vĩ tuyến 17. Kẻ thù đã dùng đạn pháo, tên lửa, máy bay ném bom… để “xé” rách lá cờ tổ quốc, biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của toàn dân tộc.

Để bảo vệ lá cờ ấy, nhiều lớp người đã ngã xuống. Có 1 người mẹ đã dành nửa cuộc đời của mình để may, vá lá cờ tổ quốc, đó là mẹ Trần Thị Viễn ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Dù cho chiến tranh lùi xa, đất nước thái bình, thịnh vương nhưng cho đến nay hình ảnh người phụ nữ Quảng Trị ngồi vá lá cờ tổ quốc đỏ thắm dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù đã trở thành biểu tượng bất diệt của người Việt Nam kiên cường, bất khuất.
Chứng nhân của cuộc “đấu cờ” lịch sử
Mặc dù năm nay đã ngoài 94 tuổi nhưng mẹ Viễn vẫn còn minh mẫn, đôi mắt tinh anh như ngày nào. Gặp chúng tôi trong căn nhà lụp xụp của cậu con trai cả, mẹ vẫn vui vẻ mới chào:
“Trời nắng lắm, các con vào nhà uống nước. Câu chuyện về lá cờ bên vĩ tuyến ấy dài lắm, có khi mẹ kể cả tuần cũng không hết chuyện”.
Mẹ kể, mẹ sinh ra trong gia đình một gia đình bần nông ở làng Hiền Lương thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Mẹ Viễn sớm tham gia các mạng và trở thành nữ du kích đầu tiên của huyện Vĩnh Linh lúc bấy giờ.
“Đêm xuống, mẹ dẫn bà con trong làng đi đào đường, rải chông, dựng chướng ngại vật… để ngăn quân Pháp tấn công vào làng. Lúc bộ đội về, mẹ nhận nhiệm vụ nuôi giấu và dẫn đường cho quân chủ lực tấn công các đồn bốt của địch” - Viễn nhớ lại.
Sau hiệp định Giơ–ne–vơ, đất nước bị chia cắt hai miền, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời. Phía bên kia bờ Nam giới tuyến, Mỹ đã nhảy vào thay chân Pháp, dựng nên một chính quyền bù nhìn với âm mưu chia cắt đất nước lâu dài.
Theo nội dung quy định trong hiệp định, mỗi đồn quân sự hai bờ giới tuyến phải thường xuyên treo cờ để phân biệt. Cũng từ quy định này mà hai bờ sông Bến Hải đã chứng kiến một cuộc đấu cờ “vô tiền khoáng hậu” giữa địch và ta. Nhớ lại cuộc tỉ thí bất phân thắng bại năm nào, mẹ Viễn kể:
“Lúc đầu, ở mạn bờ phía Bắc, bộ đội treo cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do thiếu thốn vật liệu nên cờ chỉ được cắm tạm trên một cây phi lao cao 12 mét.
Ngược lại, ở mạn bờ Nam, tụi giặc treo cờ của chúng trên lô cốt Xuân Hòa, trên 15 mét. Thấy vậy, các chú bộ đội về nhờ các mẹ may một lá cờ bằng vải sa tanh rộng 24 mét, sau đó treo trên một cột làm bằng sắt cao hơn 18 mét”.
Kể đến đây, mẹ Viễn dừng lại nhấp ngụm nước trà rồi hướng đôi mắt nhìn về dòng Bến Hải xa xăm như hồi tưởng lại một miền ký ức hào hùng.
Một ngày sau khi lá cờ đỏ sao vàng do các mẹ may bay phấp phới trên nền trời giới tuyến, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cho lính hậu cần xây dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép, cao hơn 30 m, rộng gần 10 m, bên dưới là một lô cốt có đặt súng máy chĩa về phía bờ Bắc.
Quyết không chịu thua kém, Bộ chỉ huy quân sự vùng giới tuyến gửi công điện khẩn yêu cầu Tổng cục hậu cần thiết kế, xây dựng một cột cờ cao trên 34 m để đưa vào vùng giới tuyến quân sự.
Ngày cột cờ được dựng lên, mẹ Viễn cùng bà con trong xóm đổ xô đến xem, phụ giúp bộ đội đào hầm dựng cờ lên. Mẹ Viễn nhớ lại: “Tương ứng với chiều cao của cột cờ cần phải có một lá cờ đủ rộng để treo.
Thế là tôi và các phụ nữ trong làng được giao nhiệm vụ may một lá cờ đỏ sao vàng rộng đến 108 m2. Số vải này được vận chuyển từ ngoài Bắc vào, chúng tôi chỉ viền và thêu ngôi sao năm cánh lớn ở giữa”.
Để hoàn thành lá cờ “khổng lồ” ấy, mẹ và các chị em trong làng đã may ròng rã suốt 3 ngày đêm liền, không ngừng nghỉ.
Khi lá cờ được dựng lên, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa buộc phải “độn” cờ của mình lên 35 mét để cao hơn cờ phía Bắc. Nửa năm sau, một cột cờ bằng thép được thiết kế theo kiểu hình tháp bốn chân với chiều cao hơn 38 mét được vận chuyển theo đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam.
Một lần nữa, mẹ Viễn và các chị em lại đảm nhận trọng trách may viền lá cờ rộng gần 140 mét. “Khi lá cờ được dựng lên, nó như che phủ cả bầu trời giới tuyến. Mọi người nói đùa với nhau, dân ta ở tận mũi Cà Mau vẫn có thể nhìn thấy lá cờ tổ quốc bay bên bờ giới tuyến.
Tụi giặc thấy vậy hậm hực và căm tức lắm”- trong ký ức của mẹ Viễn vẫn còn đậm những năm tháng hào hùng của thời khắc lịch sử dân tộc. Chiều chiều, người làng Nam bến Hải lại ra nhìn ngắm lá cờ tổ quốc với hy vọng đất nước sớm thống nhất, gia đình sum họp.
Cuộc chiến giữ cờ bên bờ giới tuyến
Năm 1962, chính quyền bờ Nam tìm cách dựng lại cột cờ cao hơn nhưng cứ hễ dựng lên lại sập đổ. Ông Nguyễn Văn Trá, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, nguyên là chiến sĩ công an vùng giới tuyến thời ấy cho biết, thời ấy địch thuê tụi chuyên gia người Mỹ đến thăm dò để xây dựng cột cờ cao 70 mét.
Nhưng do địa chất vùng bờ Nam quá yếu, thường xuyên xảy ra sụt lún, sạt lở, trong khi bờ Bắc lại bồi tụ. Không xây được cột cờ cố định, chúng bắt chước kỹ thuật làm cột cờ kiểu dã chiến như phía ta nhưng cũng thất bại..
Không thể dựng cờ cao hơn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tìm cách triệt phá lá cờ nhằm lấy lại thể diện trong cuộc “tỷ cờ” mang đầy ý nghĩa chính trị này. Chúng đã huy động hàng trăm máy bay ném bom và hàng chục nghìn đạn pháo cỡ lớn từ phía bờ Nam ra, từ ngoài biển vào.
Theo ông Trá, từ sau năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và mục tiêu số một của giặc lái Mỹ là phải phá sập cầu Hiền Lương, đánh gãy cột cờ vùng giới tuyến nhằm dập tắt tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam.
“Hồi ấy, ngoài việc chặn đứng các cuộc tấn công, lấn chiếm lãnh thổ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi còn làm nhiệm vụ bảo vệ cột cờ. Ngay dưới chân cột cờ, bộ đội ta đã lập một trận địa phòng không nhằm ngăn chặn máy bay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đến ném bom, phá cờ” ông Trá nói.
Năm 1967, sau một trận pháo kích dữ dội của Hạm đội 7 Mỹ, hai chiếc máy bay ném bom của chính quyền Sài Gòn đã bất ngờ tấn công, bắn róc - két phá sập cột cờ, lá cờ cũng bị hư hại nghiêm trọng. Vừa dựng lại cột cờ, các chiến sĩ bộ đội, công an vùng giới tuyến lại phải lo cặm cụi vá cờ.
Lúc này, toàn khu Vĩnh Linh đã có lệnh sơ tán ra vùng an toàn, chỉ còn lại lực lượng vũ trang ở lại bám đất, bám làng đánh Mỹ. Nói đoạn rồi mẹ Viễn kể tiếp về những năm tháng hào hùng làm nhiệm vụ vá lá cờ thiêng liêng của dân tộc.
Khi ấy mẹ không di tản như những người dân khác mà ở lại cùng với người chị dâu là Ngô Thị Diệm (người phụ nữ may cờ tổ quốc được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang) may vá cờ, bảo vệ lá cờ của tổ quốc.
Vì khi ấy mẹ cũng như bao nhiêu người khác sống trong thời khắc lịch sử có chung quyết tâm “Còn cờ, đất nước còn, mất cờ coi như mất nước”.
Bom đạn của giặc Mỹ điên cuồng dội xuống vùng đất giới tuyến để phá tan lá cờ được dựng lên bằng máu và nước mắt của dân tộc Việt. Không biết bao nhiêu lần, lá cờ bị bom xé vỡ từng mảng nhưng chỉ hôm sau, nó lại tung bay phất phới.
Chính quyền Sài Gòn và “quan thầy” người Mỹ không thể lý giải nổi, tại sao lá cờ vẫn tồn tại được dưới mưa bom, bão đạn.
Theo thống kê được tiết lộ trong bộ phim “Việt Nam – Cuộc chiến 10.000 ngày”, thì chỉ trong vòng 15 năm, mảnh đất giới tuyến bên bờ Bắc sông Bến Hải có diện tích chưa đầy 800 cây số vuông với hơn 7 vạn dân phải hứng chịu hơn nửa triệu tấn bom, đạn Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn dội xuống. Vậy mà lá cờ đỏ sao vàng vẫn sừng sững kiêu hãnh tung bay giữa đất trời.
“Để có chỗ vá cờ, tôi và chị Diệm nhờ bộ đội dựng một ngôi nhà nằm khuất trong mảnh vườn rậm rạp gần nhà. Nhưng chỉ được hơn hai tháng thì ngôi nhà bị bom Napan đốt cháy. Tôi và chị Diệm phải dùng cuốc, xẻng đào một khu hầm hình chữ A, vừa làm nơi trú ẩn vừa để vá cờ” - mẹ Viễn cho biết.
Ngày ngày, ngoài việc may vá cờ, mẹ Viễn và chị dâu vác cuốc ra đồng trồng rau, nuôi lợn để cung cấp lương thực tại chỗ cho bộ đội chiến đấu. Gợi lại chuyện cũ, mẹ Viễn nghẹn ngào kể về quãng thời gian hơn 10 năm sống và chiến đấu dưới bom đạn của kẻ thù bên bờ giới tuyến.
“Phụ nữ chúng tôi vốn đã quen với việc may vá, thêu thùa nhưng nếu là vá cờ tổ quốc thì đó là chuyện không hề dễ. Bởi lá cờ chứa trong nó bao xương máu và hy vọng của dân tộc, chỉ cần lệch một mũi kim, đường chỉ thì mình cũng đã có tội với đất nước”.
Mẹ chùng giọng xuống kể tiếp, dù thời gian may cờ rất gấp để treo lên nhưng mẹ luôn tỉ mỉ với từng đường chỉ. “Cái khó nhất là vá ngôi sao vàng năm cánh nằm giữa lá cờ. Nó thường bị bom, đạn xé toạc, vết khâu chằng chịt.
Nhưng dù có nhiều vết vá đến đâu thì vẫn phải giữ lại màu đỏ và sự cân bằng của nằm cánh ngôi sao” mẹ nói. Bởi theo mẹ, vá lành ngôi sao cũng là gắn lành lại năm châu, thế giới không còn chiến tranh, con người không còn đối xử với nhau bằng bom đạn và sự hủy diệt.
Dưới sức nóng của bom, đạn, mẹ vẫn cẩn thận ngồi vá lá cờ tổ quốc. Nhiệm vụ cao cả ấy đã được mẹ và chị dâu thực hiện trong suốt năm năm ròng rã.
Đất nước hòa bình, non sông thu về một mối nhưng chồng của mẹ đã vĩnh viễn nằm lại giữa chiến trường khốc liệt, để lại 3 đứa con thơ dại. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ vẫn cố gắng sống để nuôi dạy các con khôn lớn nên người.
Mẹ Diệm khi mất đã được chôn cất gần vị trí lá cờ dân tộc mà ngày nay vẫn bay phất phới; Mẹ Viễn đến nay vẫn còn minh mẫn để kể cho con cháu nghe về những năm tháng may vá lá cờ dân tộc thiêng liêng đó.
Đặc biệt năm 1999, mẹ Viễn đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Và đến nay cứ đều đặn hàng ngày, mẹ Viễn thường hay nhờ con cháu dắt đến cột cờ để nhớ về một thời chiến đấu thiêng liêng.
Có thể là hình ảnh về 3 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét