Thế nào là một “xã hội dân sự”?
Chúng ta đều thấy, để hiểu một vấn đề, trước hết phải thống nhất với nhau về tên gọi, tức là minh định một cách rõ ràng nhất nội hàm và ngoại diện của khái niệm được bàn tới. Trong khoa học cũng như trong cuộc sống, người ta có quyền và rất cần thiết phải đưa ra những khái niệm mới mẻ làm công cụ để gọi tên, cắt nghĩa sự vật hiện tượng mới. Nhưng yêu cầu bắt buộc và tối thiểu là khái niệm đó phải được giải thích một cách chặt chẽ, cụ thể, dễ hiểu và được thừa nhận là có ích, hiệu quả. Trên thực tế, trên thế giới cũng như trong nước, khái niệm “xã hội dân sự” chưa được hiểu một cách thống nhất, do vậy cũng chưa thể có trong các từ điển mang tính chính thống. Không cần tìm tòi ở các sách báo, chỉ cần vào internet tra cứu cũng đã thấy hàng trăm cách định nghĩa. Chẳng hạn:
“Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một Nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của Nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) (1).
Xã hội dân sự là "Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung” (Liên minh vì sự tham gia của công dân - CIVICUS 2005) (2).
“Về lý thuyết, các hình thái tổ chức xã hội dân sự khác biệt hẳn với các hình thái tổ chức Nhà nước, gia đình và thị trường. Nhưng trong thực tế thì ranh giới giữa Nhà nước, xã hội dân sự, gia đình và thị trường là khá lẫn lộn, mập mờ và không rõ ràng. Xã hội dân sự thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư” (Trung tâm Xã hội dân sự của Trường đại học kinh tế London) (3).
“Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm... thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước, không để cho Nhà nước áp bức các công dân của mình” (Chế độ dân chủ, Nhà nước và xã hội của N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina) (4)…
Nếu hiểu theo khái niệm (1) thì “xã hội dân sự” là sự liên minh tự nguyện của các tổ chức xã hội “tự vận hành” bên cạnh Nhà nước; thì trên thế giới này chưa thấy có một “xã hội dân sự” nào như thế. Bởi bất kỳ tổ chức xã hội nào trong thể chế chính trị nào cũng đều dưới hoặc bị sự chi phối công khai hoặc ngấm ngầm của Nhà nước.
Nếu hiểu theo khái niệm (2), (3) thì “xã hội dân sự” quá đơn giản. Bởi chế độ chính trị nào (tiến bộ hay phản động) cũng đều có tuyên ngôn vì quyền lợi chung của đất nước mình, nhân dân mình.
Riêng hiểu theo khái niệm (4) thì lộ rõ ra cái mục đích chính trị của các tổ chức xã hội.
Vì có quá nhiều cách định nghĩa nên người ta đành tìm theo các hướng tiếp cận khái niệm và họ đã tìm ra ba hướng:
- Xã hội dân sự tồn tại một cách độc lập và có phần đối trọng với Nhà nước, các công dân tự tổ chức thành nhóm và giải quyết các vấn đề phát sinh thông qua đối thoại theo nguyên tắc phi bạo lực. Các tổ chức này kiểm soát, điều tiết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
- Xã hội dân sự là một bộ phận cấu thành xã hội, không hoàn toàn tách biệt với Nhà nước, thị trường và gia đình các tổ chức xã hội nhằm đem lại sự đồng thuận tốt lành cho mọi người.
- Xã hội dân sự đề cao vai trò liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia đối thoại, thảo luận.
Ai cũng thấy rõ tính chất còn mù mờ của khái niệm và chưa hình dung nổi nếu có một “xã hội dân sự” thì nó có quyền lực gì, chi phối xã hội ra sao… Riêng người viết bài này thì nhận thức vấn đề là: Nếu cái gì tốt đẹp, tích cực của cái gọi là “xã hội dân sự” thì xã hội ta đang có. Ví dụ chúng ta có tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động. Tương tự là các tổ chức Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… Các tổ chức này cũng là cầu nối giữa Nhà nước với hội viên…
Điều đáng lưu ý là ở chính các nước phương Tây và Mỹ, một mặt khuyến khích “xã hội dân sự” trên hình thức để mị dân chính quốc và thi hành chính sách “diễn biến hòa bình” ở các nước cần thay đổi thể chế chính trị; một mặt lại giám sát, cấm đoán một cách chặt chẽ các tổ chức xã hội nếu thấy có mối nguy cơ tiềm ẩn. Ví dụ, Điều 16 Công ước châu Âu quy định các nước tham gia cần có những hạn chế đối với hoạt động chính trị của người nước ngoài trong các trường hợp liên quan đến quyền tự do lập hội. Dưới góc độ kinh tế thì mối nguy hại của “xã hội dân sự” được chính Ngân hàng Phát triển châu Á nhận xét: “Các tổ chức xã hội công dân cũng có thể bao gồm những hiệp hội có động cơ bạo lực, tham lam, lợi ích cục bộ, thù địch sắc tộc và đàn áp xã hội, cũng như các tổ chức kinh doanh vận động hành lang như ngành công nghiệp thuốc lá, là không thể đại diện cho lợi ích đông đảo của công chúng”(Ngân hàng Phát triển châu Á: Phục vụ và duy trì, cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh. NXB. Chính trị Quốc gia. Hà Nội.2003. tr.613). Dẫn chứng này cho thấy ngay tính chất vô chính phủ, tự phát, cơ hội của các tổ chức trong “xã hội dân sự” nếu không có một cơ chế quản lý chính trị chặt chẽ.
Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài viết: Một số blogger ở ta đang tuyên truyền cho “xã hội dân sự”, vẫn giữ nguyên khái niệm nhưng mang hàm nghĩa tiêu cực: Đòi thành lập những tổ chức đối trọng với nhà nước với mục đích làm giảm, khuynh loát vai trò, dẫn đến làm tan rã Nhà nước. Đó không phải là cái gì khác, mà đích xác đó là hành động “diễn biến hòa bình” quen thuộc mà thâm độc.
Không ai ngây thơ tin rằng, đó là một việc làm tích cực, tốt đẹp, vì quyền lợi của dân, bởi cái tên gọi nghe có vẻ hay nhưng về thực chất là sự cố tình đánh tráo khái niệm để lừa mị những người nhẹ dạ, mơ hồ, dao động. Dĩ nhiên chúng ta cần phân biệt rõ những kẻ có chủ ý xấu và những người vì một số lý do nào đó như thích nổi tiếng, thích được chú ý mà a dua, thấy người ta nói mình cũng hùa theo chứ chẳng hiểu tận gốc rễ vấn đề.
Chúng ta phải làm gì để người dân hiểu đúng về “xã hội dân sự” và phát huy những mặt tích cực của nó?
- Cần có các hội thảo riêng về cái gọi là “xã hội dân sự” làm rõ lịch sử khái niệm, cái được, cái mất, cái tốt, cái xấu của nó.
- Vạch trần bản chất sự cơ hội, lợi dụng hoặc mù quáng ảo tưởng về cái gọi là “xã hội dân sự”.
- Tuyên truyền tính chất vì quyền lợi của nhân dân ở các tổ chức xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó khẳng định tính chất vì con người của chế độ Nhà nước ta.
- Tăng cường và nâng cao hơn nữa vị trí, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội mà Nhà nước ta đang bảo trợ/.
Thanh Nguyên (QĐND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét