Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

“Vạch mặt, chỉ tên” biểu hiện mới của cá nhân chủ nghĩa




Cá nhân chủ nghĩa” là biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện về suy thoái về đạo đức, lối sống đã được chỉ ra tại Nghị quyết 04-NQ/TW (khóa XII) của Đảng  “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Vì vậy, đã đến lúc phải nhận diện, “vạch mặt, chỉ tên” những biểu hiện mới nổi cộm của căn bệnh “cá nhân chủ nghĩa” hiện nay để loại nó ra khỏi con người mỗi cán bộ, đảng viên.
Con ng­ười phát triển toàn diện và hài hoà trong chế độ XHCN là con người biết kết hợp đầy đủ và hài hoà ba lợi ích là cá nhân- tập thể- xã hội (cộng đồng). Từ khi khởi x­ướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, Đảng ta đã xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, việc tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân hay coi lợi ích cá nhân là động lực duy nhất thì đó là tư­ tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân.
Nói về tác hại, hậu quả của bệnh cá nhân chủ nghĩa, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, nó “là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”, “là thứ gian giảo, xảo quyệt”, “là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu”, “kéo người ta xuống dốc không phanh”, cho nên phải kiên quyết gột rửa, tẩy trừ nó ra khỏi mỗi con người đảng viên, cán bộ để góp phần làm trong sạch tổ chức đảng. Có nhiều “triệu chứng” liên quan đến bệnh cá nhân chủ nghĩa như tham lam, ích kỷ, tư lợi, chuyên quyền, độc đoán, lên mặt quan cách mạng… Mấy năm trở lại đây, bệnh cá nhân chủ nghĩa còn xuất hiện một số biểu hiện mới ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, việc nhận diện kịp thời một số biểu hiện “điển hình” của bệnh cá nhân chủ nghĩa hiện nay là góp phần “chẩn đoán” bệnh một cách chính xác để tìm biện pháp “chữa trị” căn cơ, hiệu quả.
1. Cơ hội, thực dụng. Chưa bao giờ người ta lại nói nhiều về các từ “cơ hội”, “thực dụng” như trong thời gian qua. Theo quan niệm thông thường, “cơ hội” thường được hiểu là biết tận dụng thời cơ để hành động đạt mục đích, kết quả cao nhất. Còn “thực dụng” vốn có nghĩa là coi trọng tính ứng dụng thực tế. Bản thân các từ đó không có lỗi, nhưng nó đã bị biến dạng bởi chính những suy nghĩ, hành vi lệch lạc của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tận dụng cơ hội tốt để làm việc nghĩa, việc thiện, việc ích là cử chỉ, hành động đáng biểu dương và tôn vinh. Nhưng hiện nay, không ít người cố tình lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống luật pháp và những sơ hở trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy công quyền để làm những việc sai pháp luật, trái đạo đức lương tâm. Có những người triệt để lạm dụng lúc “tranh tối, tranh sáng” để thu vén lợi ích cá nhân, bất chấp điều hay lẽ phải và lương tâm, chính nghĩa ở đời.
“Thực dụng” là nấc thang kế tiếp của tư tưởng cơ hội. Lấy lợi ích vật chất là cao nhất, coi đồng tiền là chiếc “chìa khoá vạn năng” trong việc giải quyết mọi mối quan hệ xã hội, lúc nào cũng muốn “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” là những biểu hiện của những kẻ thực dụng. Thiếu coi trọng giá trị nhân phẩm, không đề cao ý nghĩa tinh thần và những nét đẹp văn hoá, đạo đức nên những kẻ thực dụng sẵn sàng “hạ thấp nhân cách” bản thân, bằng “mọi cách, mọi giá” để mưu cầu, trục lợi cho mình càng nhiều càng... tốt!
Thực tế cho thấy, tư tưởng cơ hội gây chia rẽ mất đoàn kết, làm cho các mối quan hệ tốt đẹp của con người bị tổn thương. Còn chủ nghĩa thực dụng tạo nên những hành vi sùng bái đồng tiền, đặt lợi ích vật chất lên trước hết và cao nhất, khiến cho các chuẩn mực xã hội bị đảo lộn. Ở đâu còn có tư tưởng cơ hội và chủ nghĩa thực dụng là ở đó còn những hành động, việc làm thiếu trong sáng, lành mạnh và thiếu tình thương yêu cao đẹp của con người. Vì vậy, đấu tranh ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa cơ hội, thực dụng chính là trực tiếp rèn luyện, tạo dựng nhân cách cán bộ, đảng viên lành mạnh và góp phần xây dựng Đảng ta xứng đáng là “Đảng của đạo đức, văn minh”.
2. “Năng lực... nịnh”. Phẩm chất và năng lực là hai yếu tố quan trọng nhất trong nhân cách một con người. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiếu một trong hai yếu tố đó đều khó có thể thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ. Trong khi phần lớn cán bộ, đảng viên hiện nay đang miệt mài rèn luyện, tu dưỡng, tích cực học tập, nghiên cứu, làm việc để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức phấn đấu tiến thân bằng “con đường vòng vèo”, tức là họ vươn lên không phải bằng chính khả năng, trình độ thực tế của mình, mà thông qua năng lực... nịnh!
“Năng lực nịnh” xuất phát từ động cơ và mục đích cá nhân hẹp hòi. Đó là biểu hiện cao nhất của lối sống ích kỷ. Người có “năng lực nịnh” là những kẻ “hai mặt” rất nguy hiểm. Nó nguy hiểm ở chỗ: Cái sai họ có thể nói đúng, cái đúng họ có thể biến thành sai, người xấu có thể “tô hồng, nói vống” là người tốt, điều phải có thể chuyển sang điều trái... Không những vậy, dưới cái “môi mỏng lưỡi mềm” của họ, chuyện “con kiến biến thành con bò” và “ít suýt ra nhiều” là những điều rất dễ xảy ra. Vì thế, những ai không đủ tỉnh táo, sáng suốt và “thích được khen” thì rất dễ “sa vào cạm bẫy” của những người có “năng lực nịnh”.
“Năng lực nịnh” không phải tự nhiên sinh ra, nó là “con đẻ” của những mối quan hệ xã hội thiếu trong sáng, lành mạnh, tư tưởng bè phái, cục bộ. Sự tồn tại của nó có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí dân chủ của tổ chức, làm biến dạng tình cảm đồng chí, đồng nghiệp và xói mòn phẩm chất đạo đức của người đảng viên, cán bộ. Trong một cơ quan, đơn vị, nếu còn những người “đi nịnh” và những người “thích nịnh” thì còn sự gian dối, tạo điều kiện thuận lợi cho lối sống ích kỷ tồn tại và phát triển. Do đó, phòng chống, loại trừ những biểu hiện của “năng lực nịnh” là góp phần làm trong sạch hoá các mối quan hệ xã hội, giữ vững kỷ cương, nền nếp tổ chức Đảng và nâng cao phẩm chất chính trị- đạo đức cách mạng của đảng viên, cán bộ.
3. “Mũ ni che tai”. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta, rất nhiều người có bản lĩnh, phong cách và tư cách sống đàng hoàng, chững chạc, thư thái, ung dung. Họ luôn lấy cái tâm, cái đạo làm đầu trong đối nhân xử thế. Quan hệ với con người, dù làm gì, ở đâu, trên cương vị nào, họ cũng luôn giao tiếp đúng mực, nói năng nhã nhặn, niềm nở, không phân biệt địa vị cao thấp, sang hèn. Sống nhân nghĩa, trung thực, không cầu cạnh, bon chen, ích kỷ, vụ lợi- đó là những nét đẹp thường thấy ở những người cán bộ, đảng viên “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Cách ứng xử của họ rất tương xứng với phẩm chất, tư cách của những người cộng sản chân chính và được xã hội nể trọng, noi theo.
Tuy nhiên, xuất phát từ động cơ, lợi ích kinh tế và chính trị, có một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay đang tự biến mình thành một “diễn viên có hạng” trong cách đối xử với người khác. Có nghĩa là họ không sống trung thực với chính bản thân mình. Thấy cái đúng không biết bảo vệ, thấy cái sai không dám đấu tranh, thực hiện phương châm “im lặng là vàng” và “gió chiều nào theo chiều ấy”, họ khư khư giữ mình mà thực chất là “ngậm miệng ăn tiền”. Trong cuộc sống, họ rất ít tham gia đóng góp vào các cuộc trao đổi, thảo luận nào, cho dù đó là việc chung. Trong sinh hoạt Đảng, họ hiếm khi tự giác, xung phong phát biểu ý kiến, nếu có nói thì cũng chỉ ngắn gọn và thường là nhắc lại “gần như y nguyên” lời của những người đã nói trước. Trước một vấn đề nhạy cảm cần có sự quyết đoán, nhưng khi cơ quan lấy ý kiến và biểu quyết, họ thường “ngó ngang, nhìn dọc” rồi mới giơ tay sau cùng. Số người này cho rằng: “Chẳng quyền cao chức trọng gì, nên cách sống tốt nhất là yên phận giữ mình”!
Cuộc sống vốn bao mối quan hệ tế nhị và phức tạp. Giữ được cái đạo khiêm nhường, khôn khéo trong ứng xử cũng là một điều đáng quý. Nhưng, giữ mình đến mức cái sai, cái xấu không biết phê bình; cái dở, cái ác không dám đấu tranh; cái đúng không đủ dũng khí để bảo vệ; cái đẹp không biết nâng niu; cái tốt không biết trân trọng, ngợi khen, lại là điều đáng trách. Thực chất, đó là một cách sống bàng quan, mũ ni che tai, thiếu tinh thần vươn lên và tự “thiêu trụi” bản lĩnh, lập trường của mình.
Để nguyên tắc tự phê bình và phê bình của tổ chức Đảng được củng cố, phát huy và mối quan hệ nội bộ tổ chức được gắn kết chặt chẽ, trong sáng, lành mạnh, chúng ta phải ngăn ngừa cho được tư tưởng, thái độ “mũ ni che tai” - một lối sống vị kỷ rất trái với lương tâm của người cán bộ, đảng viên chân chính.
Thiện Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét