Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc chiến chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng
1. THAM NHŨNG VÀ HỆ LỤY
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi[1](nhưng bài viết này chỉ giới hạn ở những người có chức quyền, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức,v.v.. làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị). Đặc điểm chung của tham nhũng là người thực hiện hành vi có chức quyền, sử dụng chức quyền như một phương tiện để trục lợi cho mình, gia đình mình hoặc cho người thân về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần.
Theo Bộ Luật hình sự, Luật PCTN (năm 2005) và Luật PCTN năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019), các hành vi tham nhũng bao gồm: "1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi; l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. 2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi"...
Thực tế cho thấy, các hành vi tham nhũng nêu trên đã và đang xảy ra không chỉ ở cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn có giá trị hàng ngàn tỷ đồng (tham nhũng lớn) mà còn xuất hiện nhiều tại các bệnh viện, các cơ quan công quyền ở cơ sở,v.v.. nơi hằng ngày trực tiếp giải quyết những công việc liên quan lợi ích của nhân dân (tham nhũng vặt). Diễn ra càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích - “tham nhũng lớn” hay “tham nhũng vặt” - những hành vi tham nhũng của những người đang chịu trách nhiệm thực thi công vụ, quản lý trong một tổ chức có động cơ, lợi ích cá nhân, trục lợi trên cương vị của mình, sẵn sàng “ăn không từ thứ gì” cũng đều gây hậu quả nặng nề, cũng đều là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong đó, “tham nhũng lớn” bị phát hiện ngày càng tăng về số lượng, mức độ thiệt hại, số tiền và tài sản thất thoát và rất rất nhiều vụ “tham nhũng nhỏ” diễn ra công khai cũng từng bước được “chỉ mặt vạch tên”.
Tham nhũng không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai,v.v.. mà còn lan rộng sang các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao; trong các chương trình trợ cấp cho thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách; trong các chương trình cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai; trong quá trình xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hoá, thi đua khen thưởng,v.v... Tham nhũng làm thay đổi mọi lĩnh vực trong trong đời sống xã hội như kinh tế, luật pháp, dân chủ, luân lý, giáo dục... đã xâm phạm, thậm chí làm xê dịch, thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức trong hệ thống các cơ quan công quyền, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn "tiếp tay" cho các thế lực thù địch, phản động trong việc bôi nhọ, hạ uy tín, vị thế của Đảng trong phạm vi quốc gia cũng như trên trường quốc tế.
Tham nhũng - những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao “không giữ được mình”, không gương mẫu trong thực thi trọng trách được giao, nói một đằng, làm một nẻo, không còn xứng đáng với vai trò tiền phong. Họ đã bất chấp việc vi phạm pháp luật mà làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp…để vụ lợi, trục lợi cho mình, người thân, cánh hẩu của mình, nhóm lợi ích của mình... dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng của nhân dân đối với các cơ quan công quyền. Vì vậy, bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ[2]; “là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta… làm hỏng tinh thần trong sạch, ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”[3]. Tuy các tệ nạn này biểu hiện trong đời sống xã hội dưới nhiều dạng khác nhau, song các hành vi tham ô, tham nhũng dù là “lớn’ hay “vặt” cũng đều là “ăn cắp của công làm của tư”, “đục khoét của nhân dân”, “ăn bớt của bộ đội”, “tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình”, “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”[4]…, cho nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải “- Chống nạn tham ô, - Chống nạn lãng phí, - Chống bệnh quan liêu”[5]. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh rằng, chừng nào và ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó ắt có tham ô, lãng phí và nơi nào bệnh quan liêu càng nặng, thì ở đó càng nhiều lãng phí, tham ô, càng nhiều hiện tượng tham nhũng từ nhỏ đến lớn. Tất cả những tệ nạn đó, các hành vi đó, dù xảy ra ở cấp Trung ương hay tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở cũng đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, chúng đều “xâm phạm đến lợi ích của nhân dân”, đều “là kẻ thù của nhân dân và của Chính phủ”. Do đó, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu cũng rất cần thiết, “quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”- mặt trận tư tưởng và chính trị. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Thực hiện theo chỉ dẫn của Người, trong những năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong thời kỳ miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, công tác phòng và chống tham ô, tham nhũng, quan liêu - chống thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm” đã được thực hiện, với quyết tâm chính trị cao. Từ Trung ương đến các địa phương đều thống nhất triển khai chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu với tinh thần: 1) “Phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sự sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ”[6]; 2) “Phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí” trong “những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn” và “không thể tha thứ cho những việc phô trương, lãng phí như vậy”[7]; 3) Chấm dứt cái thói vô Chính phủ như “xem thường phép luật, chính quyền”, “hy sinh lợi ích của nước nhà để lên mặt mình khảng khái” của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền; 4) Phải chống nạn ăn cắp của công mà các cơ quan quen gọi trộm cắp “đường hoàng” vì “đó là một điều đáng chú ý, một điều đáng nguy hiểm”; đồng thời, cũng phải chống bọn “trộm cắp kín đáo”, “bọn trộm cắp tinh vi”, để chúng “không sống còn được” [8]…
Khi cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, tình trạng tham nhũng bộc lộ ngày càng rõ nét, diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp và có nguy cơ lan rộng, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước. Mặc dù Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", song hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Số vụ việc về tham nhũng được phát hiện còn chưa cao so với tình hình thực tế. Một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; trong đó, có việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước. Đánh giá thực trạng và dự báo tình hình tham nhũng ở Việt Nam, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI xác định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xẩy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”[9]. Trước tình hình đó, Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo; lập lại Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy là cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính và PCTN. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo PCTN, nhằm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn trong công tác đấu tranh PCTN. Tiếp đó, ngày 7/12/2015, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 50-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng"; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, địa phương, đơn vị gắn tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác đấu tranh PCTN… Trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị “phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu”...
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết về PCTN, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo cáo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN ngày 25/6/2018 khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Theo đó, nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành về PCTN vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm… Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN …
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, “cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái”. Nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật; trong đó có cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang,v.v.. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn; có lý, có tình, thể hiện rõ quan điểm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng và cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe có hiệu quả (vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Quốc Hảo; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Giang Kim Đạt; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương;... Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao (vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỉ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỷ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng... Đấu tranh PCTN được làm nghiêm từ trên xuống dưới và đó chính là bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực này, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu… Trong khi đó, không chỉ các vụ “tham nhũng lớn” mà ngay cả “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện nghiêm đã tạo “kẽ hở” cho việc lạm quyền để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu rèn luyện đạo đức, tham lợi, vụ lợi bất chính...
2. TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PCTN - MỘT NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CỦA ĐẢNG CẦM QUYỀN
Để phòng ngừa và đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân mà còn là một trong những thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mỗi người dân về quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc đấu tranh PCTN; đưa nội dung đấu tranh PCTN vào sinh hoạt định kỳ của các tổ chức Đảng và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong đó, các tổ chức Đảng tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác giáo dục, phòng ngừa tham ô, tham nhũng; các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về PCTN. Đồng thời, nâng cao và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng trong thwucj thi trọng trách được giao gắn với đấu tranh PCTN theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp và kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, để một mặt tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; mặt khác thông qua đó, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng PCTN để chống phá Đảng, Nhà nước. Chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, bất kể là ai, giữ chức vụ gì; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh PCTN đi liền cùng với việc chủ động tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Thông qua tuyên truyền về kết quả đấu tranh PCTN, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần làm trong sạch bộ máy, tạo động lực, khí thế, sự thống nhất cao về ý chí và hành động để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, tiếp tục gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ" với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và với các Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”… Qua đó, mỗi người hằng ngày đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng trực lợi và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, lạm dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”,v.v.. Coi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân trong công tác giáo dục và tự giáo dục, vừa đấu tranh và tự đấu tranh để thiết thực phòng và chống 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ nói chung, về đấu tranh PCTN nói riêng.
Thứ tư, phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,v.v.. nhà nước nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, công vụ theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định. Việc công khai, minh bạch không chỉ góp phần để những người "có chức quyền" hiểu rằng mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để vụ lợi, trục lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý mà còn để người dân nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật cũng như đòi hỏi các cơ quan nhà nước và các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các quy định đó. Theo đó, cần công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính, về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định,v.v.. đó là “những chìa khóa then chốt” để bảo đảm đấu tranh PCTN hiệu quả, thành công.
Thứ năm, tham khảo kinh nghiệm PCTN của một số nước trên thế giới, để có thể vận dụng trong quá trình xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế, phân cấp, quy định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong đấu tranh PCTN. Bổ sung một số hành vi tham nhũng thuộc tội phạm tham nhũng; ban hành các quy định về bảo vệ, khen thưởng người có thành tích trong công tác PCTN, nhất là người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2018. Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ PCTN; tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng đi liền cùng với đó là cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức,v.v.. để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN. Đồng thời, cùng với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, trước mắt, phải xây dựng và hoàn thiện chế tài pháp lý để mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức quyền tại các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị “không thể tham nhũng” và “không dám tham nhũng”./.
Ths. Văn Thị Thanh Hương
Trưởng ban Sách Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét