Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Xây dựng "sức đề kháng" trước sự xâm nhập của thông tin xấu độc

* Thiếu tướng, PGS, TS, NGND. Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng: "Nhận diện rõ để đấu tranh, đẩy lùi"

Thông tin sai trái, độc hại do các thế lực thù địch chủ mưu thực hiện là sự phản ánh sai lệch sự thật, chủ ý bóp méo, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả, chân lý, sai lầm, nhằm lừa bịp, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Tác hại của thông tin sai trái, độc hại là rất lớn, nó không chỉ gây bất lợi cho sự ổn định an ninh chính trị mà còn làm ô nhiễm môi trường thông tin xã hội. Nó tựa như bụi bẩn, khói đen trộn lẫn vào không khí, người đi đường hít thở phải nó, gây ngạt thở, giàn giụa nước mắt và ho sặc sụa hoặc ví như nước sạch bị ô nhiễm tanh hôi của phế thải, làm người dùng sinh bệnh hiểm nghèo, lây nhiễm ung thư. Vì lẽ đó, thông tin sai trái, độc hại không chỉ xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, kỷ luật của Quân đội, hạ thấp uy tín, danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội mà còn cố tình gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự phân tâm trong xã hội, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản, thất vọng, thậm chí mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bọn cơ hội chính trị là đẩy mạnh việc tung tin xấu độc, làm ô nhiễm bầu không khí chính trị ở nước ta trước, trong và sau đại hội Đảng các cấp nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lái nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nham hiểm, ác độc hơn, chúng sử dụng mọi thủ đoạn có thể để cố tình gây mâu thuẫn trong nội bộ ta, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất giữa Đảng với Nhà nước, giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và Nhân dân, làm rối loạn môi trường chính trị để dễ bề thúc đẩy "tự diễn biến","tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thủ tiêu thành quả cách mạng mà nhân dân ta bằng xương máu, mồ hôi, công sức của mình xây đắp nên; hướng lái nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo sức đề kháng trước thông tin xấu độc là chúng ta cần hết sức chủ động, tích cực ngăn chặn, đẩy lùi, bác bỏ các thông tin sai trái, độc hại do các thế lực thù địch gây ra với nhiều thể loại; đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục chính trị nhằm củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, văn hóa của Đảng trong quân đội, đặc biệt chăm lo công tác xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hiện nay.

Vì sao phải làm như vậy? Bởi lẽ, bản lĩnh chính trị vững vàng của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta là thước đo phẩm chất chính trị, giá trị nhân cách Bộ đội Cụ Hồ với các thuộc tính bền vững: Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; là vũ khí sắc bén để cán bộ, chiến sĩ tự tin chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, suốt đời tận trung với nước, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

* Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị: Lấy “cái đẹp, dẹp cái xấu”

Với chức năng, nhiệm vụ của Cục Tuyên huấn là cơ quan tham mưu chiến lược cho Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị (TCCT) các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội, chúng tôi quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm lấy “xây” để “chống”, lấy “cái đẹp, dẹp cái xấu”, tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của các văn hóa phẩm và thông tin xấu độc xâm nhập vào đơn vị.

Cụ thể như: Tham mưu chỉ đạo các đơn vị tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội (Ngay từ năm 1992, TCCT đã ban hành Chỉ thị 143 (ngày 12-5-1992) về tiến hành Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội”; đến năm 1996 ban hành Chỉ thị 353 (ngày 09-11-1996) ban hành tiêu chuẩn “Đơn vị có môi trường văn hóa tốt”; năm 2000 ban hành dẫn số 934 (ngày 15-11-2000) về tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa” trong các đơn vị quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” và đến tháng 8-2012 TCCT đã chỉ đạo toàn quân tổ chức sơ kết 5 năm (2007-2012) “Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”).

Cục Tuyên huấn cũng đã tham mưu với Bộ Quốc phòng ban hành thông tư 24 (ngày 27-5-2009) và Thông tư 104 (ngày 13-8-2014) quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong Quân đội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, thư viện, phòng Hồ Chí Minh (theo Quy chế số 26, ngày 02-2-1993 của TCCT về tổ chức và hoạt động của phòng Hồ Chí Minh trong quân đội); tổ chức tốt các hoạt động VHVN, TDTT các hoạt động vui chơi giải trí giờ nghỉ, ngày nghỉ; các buổi trao đổi, tọa đàm, diễn đàn, sinh nhật tập thể.

Các mô hình quản lý, giáo dục rèn luyện bộ đội ở các đơn vị hiện nay rất hiệu quả như: Đảng viên dìu dắt quần chúng; Mỗi ngày một câu hỏi và đáp án chính trị bổ ích; Mỗi ngày học một điều luật; Bàn giao thế hệ chiến sĩ; Xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội; Câu lạc bộ Internet; hoạt động của tổ tư vấn tâm lý, pháp lý; phong trào tiết kiệm để xây dựng ngôi nhà “100 đồng”...; hay hoạt động phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” hàng tuần... Với những nội dung, biện pháp và cách làm nêu trên, trong những năm qua, công tác tuyên huấn đã góp phần tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, ngăn chặn và hạn chế thấp nhất sự xâm nhập của văn hóa phẩm đồi trụy và các thông tin xấu độc vào đơn vị.

* TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người: "Phát huy vai trò tiên phong của báo chí"


Phương thức tung tin xấu độc của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước hiện nay chủ yếu là dựa vào một số loại hình báo chí, nhất là các trang thông tin điện tử (website), mạng xã hội (social network) và nhiều hãng thông tấn nước ngoài… Loại hình thông tin thường là bài viết, bình luận, phỏng vấn, đặc biệt là đăng tải các “Tuyên ngôn”, “Tuyên bố”, “Kiến nghị”, “Thư ngỏ” đến lãnh đạo các cấp (kèm theo danh sách người gửi). Nội dung của những thông tin thường là cường điệu mặt trái của xã hội, xuyên tạc đường lối chính sách, pháp luật; hạ thấp, thậm chí bôi nhọ Đảng cộng sản Việt Nam… Trong những nội dung này người ta thường xuyên tạc rằng “khái niệm phòng, chống “Diễn biến hòa bình” (DBHB) chỉ nhằm bảo vệ mô hình cũ của CNXH. Mục tiêu mà người ta mong đạt đến là xóa bỏ chế độ xã hội XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với nhà nước; đặc biệt là xóa bỏ nhiều quy định pháp luật. Ngoài ra, người ta còn không chấp nhận nhiều quy định trong Luật báo chí, Nghị định quản lý internet…

Để nâng cao tính hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống DBHB, báo chí nói chung, người cầm bút nói riêng cần “vượt qua chính mình”, nhận thức đúng mục tiêu của cách mạng, phân tích đúng bản chất của những hiện tượng thoái hóa của xã hội và luôn khẳng định đó không thuộc về mục tiêu của Đảng, bản chất của xã hội.

Báo chí không được né tránh những vấn đề mà người dân đang bức xúc. Báo chí phải như người bạn sẵn sàng “chia sẻ” với suy nghĩ, hoàn cảnh của người dân, dám đương đầu với thực tế. Tất nhiên báo chí không tô hồng, càng không được bôi đen thực tế. Báo chí không nên “câu view”, “câu like” bằng những vụ án, sự kiện vụn vặt, giật gân của “người nổi tiếng”, bằng hình ảnh “nóng” của “hot girl”… nhưng cần có cách thể hiện hấp dẫn người đọc bằng hình thức mới mẻ và nội dung sâu sắc, tránh lý luận chay. Đặc biệt, nội dung các bài viết cần kết hợp những vấn đề chính trị với xử lý những sự kiện “cập nhật” “ nóng”. Hiện nay đang nổi lên 3 vấn đề lớn được xã hội quan tâm: a) Đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo; b)-Đó là chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); c) Đó là bảo vệ Cương lĩnh Đại hội XI đồng thời phát triển dân chủ, trong đó có hoàn thiện thể chế, cơ chế, nâng cao vai trò tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan quyền lực các cấp.

Thiết nghĩ, người cầm bút vẫn là người phải chịu trách nhiệm tiên phong trong phòng, chống thông tin xấu độc. Để nâng hàm lượng lý luận và thực tiễn cao, có tính hấp dẫn, thiết thực, báo chí ngày nay nên kết hợp với nhà khoa học (giới nghiên cứu, chuyên gia) với “người”đại diện của nhân dân (chẳng hạn như đại biểu Quốc hội, các tổ chức đoàn thể…). Có thể tạm gọi là “liên kết hai nhà một người” (nhà báo, nhà khoa học và người đại diện của người dân).

Theo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét