Các thế lực phản động, cơ hội, chống đối chính trị… luôn triệt để lợi dụng đặc điểm tâm lý nhạy cảm, ham tiếp cận cái mới, thích tự do, tự khẳng định mình… của thanh niên, trong khi vốn sống và nhận thức chính trị-xã hội của họ còn hạn chế, để dụ dỗ, lôi kéo, tiêm nhiễm bằng cả vật chất và văn hóa, lối sống thực dụng, ngoại lai. Đồng thời, họ cũng lợi dụng những sơ hở, buông lỏng trong công tác quản lý, hoặc một bộ phận thanh niên đua đòi theo trào lưu, lối sống thực dụng, đòi xét lại quá khứ…, để lôi kéo, kích động, tập hợp thanh niên tham gia, hòng gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền.
Tiến trình lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, hơn 86 năm qua, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và hơn 85 năm, từ khi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được thành lập (26-3-1931) đến nay, thanh niên Việt Nam luôn kiên định phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Thanh niên có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước; luôn trọn niềm tin với Đảng, trân trọng, bảo vệ và tiếp nối xứng đáng truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, của thế hệ cha anh; nêu cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; có ý thức, trách nhiệm, nhiệt huyết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

 
Ảnh minh họa/chinhphu.vn 
Từ năm 1925, tổ chức cách mạng Việt Nam đầu tiên có xu hướng cộng sản ra đời với tên gọi: Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, với 9 hội viên, cũng là những thanh niên Việt Nam đầu tiên, góp phần đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng ta vào năm 1930. Trong các phong trào cách mạng trước năm 1945, nhiều thanh niên Việt Nam được giác ngộ cách mạng đã tự nguyện gia nhập, hoặc làm cán bộ chỉ huy lực lượng Thanh niên phản đế, các đội tự vệ, du kích, Mặt trận Việt Minh… để tham gia đấu tranh giành chính quyền.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, hàng triệu thanh niên là lực lượng chủ yếu tham gia bộ đội, dân quân, du kích chiến đấu, cùng với hàng vạn thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, xung kích xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch, vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng cho các chiến dịch… Đất nước thống nhất, thanh niên tiếp tục là lực lượng đông đảo, xung kích tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh; sáng tạo, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần to lớn phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thực tiễn trên là kết quả của mối quan hệ tương tác, biện chứng giữa Đảng với thanh niên và thanh niên với Đảng, vừa khẳng định sự khác biệt về bản chất giữa thanh niên Việt Nam với thanh niên tư sản; đồng thời thể hiện rõ sự tôi luyện, trưởng thành không ngừng về bản lĩnh và trí tuệ của lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần do các thanh niên”. Với vai trò lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Trong mỗi nhiệm vụ chiến lược của đất nước, nhất là trước những biến động, đòi hỏi từ tình hình an ninh chính trị trong nước và thế giới, Đảng ta luôn vững vàng, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, sáng suốt đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, huy động tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng hướng vào mục tiêu cao cả; đồng thời Đảng luôn là chỗ dựa chính trị tinh thần vững chắc, hướng dẫn, động viên thanh niên phát huy mạnh mẽ tài năng, sức lực cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.
Được sự quan tâm chăm lo, dìu dắt của Đảng, Nhà nước, được tổ chức Đoàn các cấp tuyên truyền, vận động, tập hợp tham gia các đợt sinh hoạt chính trị, các phong trào hành động…, phần lớn thanh niên Việt Nam luôn đề cao nhận thức và trách nhiệm, tự nguyện phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tích cực tham gia xây dựng Đảng; thể hiện quan điểm, thái độ đúng đắn trước các sự kiện chính trị trong nước và diễn biến tình hình khu vực, thế giới. Nhiều đoàn viên, thanh niên chủ động, thẳng thắn đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch, phê phán mọi biểu hiện nhận thức, hạn chế lệch lạc và hành vi tiêu cực, góp phần đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, theo đánh giá tại các văn kiện của Đảng và của Đoàn thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đoàn chưa tác động sâu sắc đến đông đảo đoàn viên, thanh niên; công tác tuyên truyền, định hướng lý tưởng, giáo dục đạo đức lối sống chưa thường xuyên. Công tác nắm, định hướng tư tưởng thanh niên, có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc giáo dục, ngăn ngừa và đấu tranh với những tác động, lôi kéo thanh niên của các thế lực thù địch, sự truyền bá lối sống ngoại lai không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc còn những bất cập, yếu kém. Một bộ phận thanh niên có biểu hiện mờ nhạt về lý tưởng, dễ dao động về lập trường chính trị, lệch lạc về giá trị đạo đức, sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm... Những bất cập, hạn chế trên đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên; rộng hơn có thể ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng, nhất là làm cho một bộ phận thanh niên không còn thiết tha đến với tổ chức đoàn, thậm chí đứng ngoài các phong trào của tuổi trẻ.
Thực tế tại Liên Xô (trước đây), vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, do những biến động về chính trị, Đảng Cộng sản đã dần đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản, cùng sự chống phá của các thế lực ở trong và ngoài nước, nên thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Côm-xô-môn đã không còn là tổ chức chính trị-đội hậu bị của Đảng Cộng sản Liên Xô; dần phát triển thành hiệp hội của các doanh nghiệp và sớm bị suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng chính trị, tiếp đó chính thức “biến mất” khỏi vũ đài chính trị của đất nước. Đội thiếu niên và nhi đồng cũng cùng chung số phận; thanh thiếu niên bị mất phương hướng, “phi chính trị hóa” theo đúng kịch bản và âm mưu của các thế lực thù địch.
Trước, trong và sau Đại hội XII của Đảng, cũng như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, sự cố ô nhiễm môi trường ở địa bàn ven biển miền Trung…, do nhận thức có mặt còn hạn chế, lại bị các thế lực thù địch, phản động và đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, kích động, nên một số ít thanh niên đã tham gia vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự…
Trong xu thế toàn cầu hóa, cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, tuyệt đại bộ phận thanh niên Việt Nam đều nhận thức rõ tình hình và những mưu đồ thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Chúng đã và đang ra sức lôi kéo, tập hợp thanh niên cho những mưu đồ đen tối. Có thời điểm, một bộ phận quần chúng nhân dân không khỏi băn khoăn, lo lắng về “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” của thanh niên trước những sóng gió, biến động chính trị trên thế giới và khu vực, nhất là trước âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt, thâm hiểm của các thế lực thù địch, nhằm lôi kéo, xúi giục thanh niên chống đối chính trị, nhất là ở địa bàn nhạy cảm, phức tạp.
Tình hình đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và tổ chức Đoàn các cấp, nhất là ở cơ sở cần quan tâm đổi mới, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác thanh niên, trọng tâm là: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ” - như văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền cần tiếp tục chăm lo, quan tâm hơn nữa thanh niên và công tác thanh niên thông qua việc thực hiện tốt các chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về thanh niên.
Cùng với đó, cần thường xuyên coi trọng giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng để thanh niên biết nhận diện, đề phòng và tránh xa những cám dỗ vật chất, văn hóa tầm thường, văn hóa ngoại lai xấu độc, biết tự bảo vệ mình, bảo vệ tổ chức Đoàn, không mắc vào bẫy “phi chính trị hóa” của các thế lực thù địch. Đặc biệt, cần thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, xúi giục thanh niên chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, góp phần cùng toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, tự tin hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trần Văn Kim/QĐND