Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Kỷ luật nghiêm minh-sức mạnh của Đảng

Kỷ luật lỏng lẻo là nguy hại cho Đảng

Đảng ta là đảng cầm quyền. Sức mạnh của Đảng được thể hiện ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm minh của mỗi cán bộ, đảng viên. Kỷ luật của Đảng mà lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng “chui” vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Nói một cách khác, kỷ luật Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên tuyệt đối phục tùng và chấp hành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thật sự chí công vô tư, dĩ công vi thượng...

Việc kịp thời phát hiện và xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng ta trong thời gian qua thể hiện rõ tính đấu tranh tự phê bình và phê bình của Đảng; nhất là trong thời điểm hiện nay thì việc thi hành kỷ luật trong Đảng là công việc quan trọng và cần thiết nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng; là cơ sở để giáo dục tổ chức đảng và đảng viên; là điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước.

Trên thực tế, nếu phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật mà chúng ta không dám đấu tranh, im lặng, né tránh thì quả là nguy hại... Dựa vào đó mà đảng viên vi phạm “đục nước béo cò”, coi thường sự lãnh đạo của Đảng, coi khinh dư luận xã hội; tỏ thái độ độc đoán, chuyên quyền... Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, làm cho nội bộ tổ chức Đảng mất đoàn kết kéo dài, có nơi nghiêm trọng...

Xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật chính là Đảng ta xử lý công việc, qua đó làm cho công việc của tập thể cấp ủy, cá nhân đảng viên ngày một tốt lên. Thời gian qua, việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước xem xét rất thận trọng; điều tra, nghiên cứu khách quan, kỹ lưỡng. Trong quá trình xem xét kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm, các tổ chức Đảng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, của cán bộ, đảng viên; đặc biệt cơ quan kiểm tra Đảng, các cơ quan tư pháp của Nhà nước mang hết tinh thần trách nhiệm, làm việc công tâm, khách quan, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không bao che, dung túng; không sợ liên lụy hoặc chịu áp lực của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào... Tuy nhiên, bên cạnh việc giữ vững kỷ cương, kỷ luật tự giác nghiêm minh, từng tổ chức Đảng cũng cần khơi dậy, động viên tinh thần cầu thị của cán bộ, đảng viên, giúp họ quyết tâm sửa chữa khuyết điểm...

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng



Duy trì kỷ luật Đảng là một nguyên tắc phát triển

Duy trì, thực hiện kỷ luật trong Đảng là một nguyên tắc phát triển, một điều kiện tạo nên sức mạnh của Đảng ta. Yêu cầu khách quan cũng như niềm mong muốn của nhân dân là Đảng phải duy trì nghiêm kỷ luật Đảng. Đảng ta đã, đang đáp ứng yêu cầu và sự mong muốn ấy một cách thiết thực.

Tinh thần ấy, hiện nay đặt ra vấn đề tạo sự thống nhất về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử đối với duy trì kỷ luật Đảng một cách đúng đắn để không cho các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, chống phá. Duy trì kỷ luật Đảng phải được hiểu như một lẽ thông thường, quy luật tất yếu, không phải là cái gì xa lạ đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bởi vì tính công khai quan điểm của Đảng đối với những người vi phạm kỷ luật một cách rõ ràng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng…”. Từ trước đến nay, các thế lực thù địch thường lợi dụng quá trình duy trì kỷ luật Đảng, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm bằng những hình thức kỷ luật cụ thể để xuyên tạc, tô vẽ, đánh lạc hướng nhận thức theo hướng này hay hướng khác làm rối loạn lòng dân. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn ấy, cần cảnh giác và chủ động đấu tranh, phê phán một cách có hiệu quả để không mắc  mưu của chúng.

Mục đích trong sáng của duy trì nghiêm kỷ luật Đảng là ngăn chặn cán bộ, đảng viên vi phạm, mà không phải là sự “thanh trừng” trong nội bộ. Tư tưởng chỉ đạo, kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng, với biện pháp cơ bản “tự phê bình và phê bình” thể hiện rõ tinh thần trong sáng ấy. Nhưng đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm thì không thể dung túng, bao che hay bỏ qua các hình thức kỷ luật. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà  nước”. Đây là biểu hiện của tuân thủ nguyên tắc, đồng thời cũng là quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng hiện nay. Với nhận thức và lập trường chính trị ấy sẽ tạo nên sức mạnh, động lực to lớn cho quá trình xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; góp phần tích cực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển toàn diện.

TS Nguyễn Văn Thanh, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng


Tăng cường quản lý, giám sát đảng viên

Suốt thời gian qua, nhất là từ thời điểm trước Đại hội XII của Đảng cho đến nay, dư luận xã hội nói chung, ở địa phương chúng tôi nói riêng hết sức quan tâm đến những chủ trương, biện pháp trong quản lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên của Đảng. Thông qua một số vụ việc, vụ án cụ thể được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử công khai, minh bạch thời gian gần đây thực sự góp phần rất quan trọng củng cố niền tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương. Từ một số vụ việc, vụ án cụ thể được đưa ra xét xử, như vụ Vinashin, vụ Phạm Công Danh và đồng bọn và gần nhất là vụ ông Trịnh Xuân Thanh... cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tham ô, cửa quyền trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nhìn nhận một cách khách quan thấy rằng, Đảng đã thể hiện rõ tính nghiêm minh trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật; có hành động, việc làm, lời nói gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây tổn hại đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân đều bị xử lý kỷ luật, không phân biệt cán bộ ở Trung ương hay cơ sở; cán bộ đương chức hay đã nghỉ chế độ...

Tuy nhiên, điều mà dư luận cũng rất quan tâm chính là vai trò quản lý, giám sát của các tổ chức Đảng, nhất là ở cơ sở. Thông qua một số vụ việc, vụ án xảy ra thời gian qua cho thấy, chất lượng, hiệu quả việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên của cấp ủy, tổ chức Đảng ở cơ sở chưa cao và thiếu chặt chẽ. Vì vậy, không ít vụ việc kéo dài, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến cán bộ, đảng viên mà chi bộ, đảng bộ cơ sở không phát hiện được để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chính do buông lỏng quản lý, thiếu các biện pháp ngăn chặn kịp thời của một số chi bộ, đảng bộ ở cơ sở nên không chỉ gây thiệt hại tiền của Nhà nước, nhân dân, mà còn làm mất cán bộ. Đặc biệt, điều nguy hại hơn chính là làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Xã hội càng phát triển, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng càng đặt ra những vấn đề mới, theo đó mỗi tổ chức Đảng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên thuộc quyền. Cần xác định, tăng cường quản lý, giám sát đảng viên không chỉ là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mà còn là giải pháp quan trọng tạo dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, thể hiện tinh thần đồng chí, đồng đội của những người cộng sản chân chính...

Nguyễn Trọng Lượng, xã Công Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa


Kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm để Đảng ngày càng mạnh hơn

Đó chính là chủ đề sinh hoạt tháng 8-2016 của chi bộ chúng tôi. Buổi sinh hoạt của chi bộ chúng tôi tập trung phân tích, làm rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng trong xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật thời gian gần đây. Những vụ việc, vụ án được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử thời gian qua thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc loại bỏ những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi đội ngũ của mình; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, lành mạnh để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 100% đảng viên ở chi bộ chúng tôi đều cho rằng: Việc Đảng kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật không làm cho Đảng yếu đi, mà làm cho Đảng ngày càng trong sạch; ngày càng củng cố được niềm tin của nhân dân; tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Phân tích, nhìn nhận một cách khách quan, cho thấy, trước mỗi vụ án, vụ việc, Đảng, Nhà nước đều tiến hành từng bước một cách thận trọng, bài bản, đúng quy trình, quy định theo phương châm “thượng tôn pháp luật”. Trong từng vụ việc, vụ án, Đảng không dùng quyền lãnh đạo của mình để áp đặt, không can thiệp vào công việc của Nhà nước và không chịu bất kỳ áp lực nào. Bởi vậy, mọi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào nếu vi phạm đều bị xem xét, xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và quy định của pháp luật. Công tác điều tra, xét hỏi, truy tố diễn ra công khai, đúng trình tự; xét xử đúng người, đúng tội, đúng tính chất vụ việc và đúng với thẩm quyền, chức năng của từng cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lấy làm tiếc, bởi nếu mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng phát huy tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình trong đánh giá, xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, hẳn sẽ không thể xảy ra vụ việc như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh. Để đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của từng cán bộ, đảng viên, không ai làm tốt hơn và cũng chẳng ai có thể thay thế được cấp ủy, chi bộ nơi người đó sinh hoạt, làm việc hằng ngày. Bởi vậy, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của từng cán bộ, đảng viên không những là trách nhiệm chính trị của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, mà đó còn thể hiện sự báo đáp lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Nguyễn Tới, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Nguồn: QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét