Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Giải phóng con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Giải phóng con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh (Ảnh minh hoạ)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Với hoài bão thiêng liêng cùng sự đấu tranh không ngừng nghỉ, hy sinh quên mình để hiện thực hóa lý tưởng đó, Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng cao cả, trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ vì sự nghiệp giải phóng con người.

1. 
Giải phóng con người trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Hồ Chí Minh cho rằng, để con người được giải phóng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì điều tiên quyết, đất nước phải được độc lập, con người phải được tự do. Khi Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, thống trị, khi nhân dân bị áp bức, bóc lột nặng nề, thì nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng là phải giành cho được độc lập. Năm 1930, trong Chính cương vắn tắt của Đảng, Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu hàng đầu của cách mạng là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập. Năm 1941, trong Kính cáo đồng bào, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” và xác định “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Vì vậy, con đường duy nhất đối với các dân tộc thuộc địa là phải đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, tự do dù phải hy sinh đến đâu.

Cuối tháng 7-1945, Hồ Chí Minh nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Người đã cùng với toàn Đảng, toàn dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, chớp thời cơ giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân. Khát vọng của Hồ Chí Minh lúc này là xây dựng đất nước hùng cường. Người nói: “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”[2], làm sao cho dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quanh để sánh vai với các cường quốc năm châu. Thực chất xây dựng lại đất nước, làm cho đất nước giàu mạnh cũng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Bởi “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[3].
Ngay trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết nhằm đáp ứng những đòi hỏi trước mặt của nhân dân, như chống nạn đói; chống nạn dốt và các tệ nạn xã hội khác; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do; lương giáo đoàn kết; tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu… Đó là những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mang tính cấp thiết nhất mà chính quyền cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết.
Như vậy, cách mạng giải phóng dân tộc là điều kiện đầu tiên và quyết định sự nghiệp giải phóng con người; đưa con người từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ, giải phóng con người khỏi áp bức dân tộc. Bước tiếp theo có phần khó khăn, phức tạp và lâu dài hơn là xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, giải phóng con người khỏi áp bức giai cấp, khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người về mặt chính trị càng được tiến hành triệt để bao nhiêu thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải phóng con người về mặt kinh tế càng thuận lợi bấy nhiêu.

2. Xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa để giải phóng triệt để con người
Hồ Chí Minh cho rằng: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”[4], chủ nghĩa xã hội là “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”[5]. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc chiến đấu “khổng lồ”, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[6]. Chỉ khi nào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thì lúc đó sự nghiệp giải phóng con người mới được coi đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Chủ nghĩa xã hội làm cho mọi người thoát nạn bần cùng, có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Khi trả lời câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là cái gì?. Hồ Chí Minh viết: “Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”[7], “Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no”[8], “mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”[9]. “Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[10]. Chỉ trong xã hội xã hội chủ nghĩa, người dân mới được bảo đảm việc làm, được “sung sướng, tự do”, được hưởng thụ các giá trị vật chất do chính họ làm ra.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra những quan điểm vừa khoa học vừa thiết thực. Đó là, 
nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, xét về bản chất, nó phải được tạo lập trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng về những tư liệu sản xuất chủ yếu. Chỉ khi làm chủ tư liệu sản xuất, con người mới có quyền được lao động, được phân phối công bằng các của cải vật chất do họ làm ra, được tham gia vào các công việc xã hội, được phát triển và vận dụng các năng lực của mình với tư cách là chủ thể hoạt động thực tiễn. Đối với các nước lạc hậu, chưa trải qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quy luật tất yếu và phổ biến, nhằm xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Không có một nền công nghiệp hiện đại thì không thể có chủ nghĩa xã hội, càng không thể nói đến giải phóng con người (dù ở mức độ thấp là giải phóng cơ bắp). Người khẳng định: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Mãy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường”[11]. Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt và tầm nhìn sâu rộng, Hồ Chí Minh cho rằng: Miền Bắc Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, nhân dân chưa giải quyết được vấn đề lương thực, nhiều vùng chưa thoát khỏi nạn đói, vì vậy, trong thời kỳ đầu của công nghiệp hóa, phải bắt đầu từ nông thôn và lấy nông nghiệp làm khâu đột phá.
Theo Hồ Chí Minh, muốn phát triển kinh tế, sau khi có chủ trương, đường lối đúng thì lãnh đạo, tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội có vai trò quyết định trực tiếp. Đây là lĩnh vực được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh, coi đó là “chìa khóa” để phát triển kinh tế quốc dân. Người yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[12]Hồ Chí Minh luôn quan tâm và có nhiều ý kiến sâu sắc về hầu hết các lĩnh vực của văn hóa, như văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giáo dục, văn hóa lao động, văn hóa nghệ thuật, văn hóa pháp luật, văn hóa lối sống… Điều đặc biệt là xuất phát từ sự am hiểu sâu sắc, toàn diện bản chất xã hội và đặc trưng của văn hóa nói chung, Người đã chỉ ra rất rõ ràng, sinh động, đầy sức thuyết phục cái đặc thù và sức mạnh riêng của mỗi lĩnh vực, mỗi loại hình hoạt động văn hóa trong việc thúc đẩy sự phát triển, sự tiến bộ của xã hội cũng như nâng cao đời sống tinh thần của con người. Người nói: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[13].
Như vậy, tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của của xã hội mới xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh quan tâm trước hết là một xã hội có nền kinh tế và văn hóa phát triển cao làm cho đời sống vật chất và tinh thần của con người được bảo đảm. Người cũng nhận thấy sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội còn ở chế độ dân chủ, ở sự công bằng bình đẳng làm cho con người có điều kiện phát huy sáng kiến và phát triển mọi khả năng sẵn có. Người cho rằng: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân, đưa cách mạng tiến lên”[14]. Vì thế, “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân”[15], “thực hành dân chủ để cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do”[16], “biết dùng quyền dân chủ của mình dám nói, dám làm”[17]. Còn công bằng xã hội trong chủ nghĩa xã hội theo quan điểm Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở việc phân phối theo nguyên tắc lao động làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng mà còn thể hiện ở chỗ “những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được nhà nước giúp đỡ chăm nom”, “Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm”[18]
Hồ Chí Minh và Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành xây dựng xã hội mới trên các mặt: chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm một mục đích cao cả là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là điều kiện quan trọng để củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, đồng thời cũng là môi trường xã hội lành mạnh, là phương tiện công cụ tốt nhất để nhân dân được hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần, “được phát triển hết khả năng của mình”, được “phát triển toàn diện”. Người nhấn mạnh: Khi chủ nghĩa xã hội phát triển đến giai đoạn cao là chủ nghĩa cộng sản, một chế độ xã hội “không có chế độ tư hữu, không có giai cấp áp bức bóc lột. Là của cải đều là của chung, sức sản xuất rất cao, nhân dân lao động hoàn toàn giải phóng và sống rất tự do, sung sướng”[19].
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề giải phóng con người được giải quyết trên quan điểm duy vật biện chứng, đặt trong mối quan hệ với cộng đồng; giải phóng con người trên cơ sở giải phóng xã hội và xây dựng xã hội mới và bằng tài năng của mình, Người đã lãnh đạo sự nghiệp giải phóng đó giành được những thắng lợi quan trọng.

Ths. Nguyễn Thị Lương Uyên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét