Đó là chia sẻ của Đại tá PHÙNG KIM LÂN, Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân với Tạp chí Tuyên giáo xoay quanh nội dung này.
Xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc
* Triển khai các tác phẩm báo chí đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, báo Quân đội nhân dân là một trong những cơ quan báo chí luôn đi đầu trong việc góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Chúng tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào khi được bạn đọc đánh giá, ghi nhận những kết quả của báo Quân đội nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm, sai trái, thù địch. Sự ghi nhận ấy phần nào chứng tỏ chúng tôi đã kế tục xứng đáng truyền thống của các thế hệ báo Quân đội nhân dân.
Từ nhiều năm nay trên trang 8, trang 3 số ra vào các ngày thứ 2, thứ 4 hằng tuần, báo Quân đội nhân dân duy trì thường xuyên, ngày càng có chất lượng chuyên mục: Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và Phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Đặc biệt, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới và trực tiếp phục vụ cho tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, từ tháng 10-2016, báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục: Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên trang 8. Ngoài ra, còn có nhiều bài viết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch được chúng tôi đăng tải ở các trang khác nhau không nằm trong chuyên mục. Tần suất, dung lượng của các tác phẩm về mảng đề tài này cũng không ngừng tăng lên. Ngoài các bài chuyên luận, báo còn sử dụng hình thức bạn đọc hỏi và các cơ quan chức năng trả lời, nhằm nâng cao nhận thức cho bạn đọc về vấn đề này.
Cùng với các ấn phẩm báo in, sau khi hoàn thiện giao diện mới, báo Quân đội nhân dân điện tử đã mở các chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”; Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tổ chức chọn lọc dịch, đăng tải các bài đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên các trang báo Quân đội nhân dân điện tử tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Lào, tiếng Khmer. Nhiều bài trên trang tiếng Trung được báo chí Trung Quốc dịch đăng toàn bộ. Ví dụ như: Những luận điệu “bắn quá khứ để phá tương lai”; “Phủ bụi” vào lịch sử là mắc trọng tội với thế hệ cha ông; Cách mạng Tháng Tám - Đảng dẫn dắt dân tộc biến ước mơ ngàn đời thành hiện thực; Mũi công kích nguy hiểm vào nguyên tắc Đảng lãnh đạo bầu cử... Từ năm 2016, báo đã sản xuất các chương trình video và audio đăng tải trên báo điện tử về nội dung này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội Nhân dân.
Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN
* Hẳn sẽ có nhiều kinh nghiệm quý trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch của báo Quân đội nhân dân, thưa đồng chí?
- Như chúng ta đã biết, việc đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong điều kiện hiện nay ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.
Đề cao tính thuyết phục, tính chiến đấu là một trong những yêu cầu quan trọng. Thể hiện tác phẩm phải làm thế nào để các tầng lớp nhân dân, các đối tượng, kể cả những phần tử phản động, cơ hội chính trị cũng phải thấy có lý, có tình; phải tâm phục, khẩu phục. Để làm được điều đó, những luận điểm, vấn đề nêu ra phải nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, cần phải có các số liệu, sự việc, dẫn chứng để chứng minh... Đây là một đòi hỏi không hề dễ dàng.
Thực tiễn hiện nay đòi hỏi các phóng viên, nhà báo không chỉ là người đi thu thập thông tin và đưa tin đến công chúng một cách đơn thuần mà phải sống cùng sự kiện, vấn đề, lăn lộn với thực tế để khái quát, tổng hợp vào bài viết, cho ra đời những tác phẩm sống được trong lòng bạn đọc. Như vậy, tác phẩm báo chí mới đủ sức tin cậy, có sức thuyết phục
* Vậy theo đồng chí, trong nội dung tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, tính thuyết phục được biểu hiện như thế nào?
- Yêu cầu mà báo Quân đội nhân dân đặt ra đối với các tác phẩm đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch là: tính “bút chiến” cao, tính định hướng rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính. Trong đó, dòng thông tin chủ đạo là tuyên truyền một cách thuyết phục về các thành tựu kinh tế - xã hội; tuyên truyền một cách khách quan, đầy đủ những mặt tích cực, những mặt còn hạn chế trong xã hội, không thổi phồng khuyết điểm, không lấy vụ việc giật gân để câu khách. Đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực phải trên tinh thần xây dựng, lấy “xây” làm chính và lấy “xây” để chống.
Cần nhấn mạnh quan điểm, tư tưởng ấy, bởi lẽ các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu chúng ta. Việc triển khai các tác phẩm báo chí đấu tranh trực diện với luận điệu ấy là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải làm sao để chúng ta ngày càng tốt hơn lên và báo chí đóng vai trò rất lớn trong công việc này. Theo tôi, trọng tâm của vấn đề chính là làm thế nào để xây dựng xã hội thông tin lành mạnh. Quan điểm chung của chúng ta là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, “xây” đi đôi với “chống”, lấy “xây” làm chính. Điều này đòi hỏi thông tin báo chí phải khách quan, trung thực, đặc biệt là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, không để người dân bị “phơi nhiễm” bởi những thông tin tiêu cực, độc hại. Theo tinh thần đó, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần “gạn đục khơi trong”, chủ động tích cực, kịp thời phát hiện và biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các tấm gương người tốt - việc tốt, những mô hình điển hình, tiên tiến, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính sự phát hiện, bảo vệ, cổ vũ, động viên, tạo sức lan tỏa của báo chí đã góp phần làm cho cái tốt, cái tích cực ngày càng nảy nở, phát triển và cái xấu, cái tiêu cực sẽ bị lấn át, thủ tiêu... Nhưng đáng tiếc, không ít cơ quan báo chí, không ít nhà báo còn xem nhẹ công việc giàu ý nghĩa này.
Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, báo Quân đội nhân dân đã rất quan tâm đến phát hiện, biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các tấm gương người tốt - việc tốt, những mô hình điển hình, tiên tiến. Ngoài duy trì thường xuyên chuyên mục: Người tốt - Việt tốt, chúng tôi đã phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát động và duy trì cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đến nay đã được 10 năm. Thông qua cuộc thi, báo Quân đội nhân dân đã giới thiệu hàng nghìn tấm gương, những câu chuyện cảm động về các tập thể, cá nhân tiêu biểu, đặc biệt là người có công với nước, luôn đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân; về những cán bộ, đảng viên hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân, thực sự là “công bộc” của dân. Các bài, vệt bài đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong dư luận, có sức lan tỏa rộng trong xã hội, tiêu biểu như các tác phẩm: “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa”; “Cựu xã đội trưởng và hơn 14.000 lá thư cung cấp thông tin về liệt sĩ”; “Cây sáng kiến - Bí thư chi bộ nói và làm”; “Một cách yêu biển đảo Việt Nam”... Nhờ thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính, nên báo Quân đội nhân dân được đánh giá là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong tuyên truyền về gương người tốt - việc tốt, những mảng màu tươi sáng, góp phần làm cho nó lan tỏa sâu rộng, tạo sức mạnh đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, thu hẹp và xóa dần những mảng tối trong xã hội.
Bên cạnh đó, ngoài việc đấu tranh thường xuyên, cần có sự tập trung hơn vào những vấn đề, sự kiện trọng tâm, trọng điểm. Trước những sự kiện lớn, quan trọng, vấn đề nhạy cảm, cần có phản ứng kịp thời, có tính định hướng dư luận tốt hơn.
Cùng với việc phản bác các quan điểm sai trái, báo Quân đội nhân dân còn đăng tải nhiều bài tuyên truyền về sự khởi sắc trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ v.v.. Tuy không trực diện, nhưng chúng tôi cho rằng, đó cũng là cách tốt để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt do các thế lực thù địch tung ra.
* Trong sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, các thế lực thù địch với âm mưu, thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt, triệt để lợi dụng không gian mạng và các phương tiện thông tin, truyền thông mới. Báo Quân đội nhân dân đã ứng phó với thách thức này như thế nào, thưa đồng chí?
- Hiện nay, báo Quân đội nhân dân không những thực hiện công tác tuyên truyền trên các ấn phẩm in và điện tử, mà còn tổ chức hoạt động của câu lạc bộ Blogger phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Các thành viên câu lạc bộ tập trung vào các nhiệm vụ như: viết bài đăng trên blog, facebook, trang mạng xã hội của các thành viên, phê phán các quan điểm xuyên tạc, bịa đặt về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối, chính sách và thực tiễn đổi mới của đất nước. Các blogger cũng tích cực tham gia bình luận (comment) phản đối, phản bác các bài viết xuyên tạc của các báo điện tử có tính chất phản động, các trang blog, facebook phản động. Tham gia bình luận, phản đối những bài báo lệch lạc, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên mạng điện tử trong nước. Câu lạc bộ còn “bút chiến” với các blog, facebook núp bóng “dân chủ”, “xã hội dân sự”, “tự do tôn giáo”... ở trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, báo cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động, các sự kiện để tuyên truyền về chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh, phản các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, cũng có thể nhận diện, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại những âm mưu và hành động chống phá đó.
Xây dựng đội ngũ cộng tác viên “Bấm nút”
* Chắc hẳn, trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch của báo Quân đội nhân dân, không chỉ có mình đội ngũ phóng viên, biên tập, thưa đồng chí?
- Đúng vậy. Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, bên cạnh lực lượng các phóng viên, biên tập chủ chốt ở tòa soạn, báo Quân đội nhân dân đã xây dựng được một mạng lưới cộng tác viên, thông tin viên là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cây bút viết chính luận tích cực tham gia đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Hằng năm, chúng tôi cũng tổ chức Hội nghị Thông tin viên - Cộng tác viên viết về phòng, chống “Diễn biến hòa bình” để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền về đấu tranh với các quan điểm, thông tin sai trái xuyên tạc về tình hình chính trị, tư tưởng ở nước ta. Chúng tôi thường nói đùa đây là các cộng tác viên “bấm nút”. Ví dụ, khi Mỹ chuẩn bị có báo cáo về nhân quyền với khả năng đưa ra những nhận định thiếu thiện chí, đánh giá thiếu khách quan, không trung thực về tình hình ở Việt Nam, chúng tôi luôn có phương án để những cộng tác viên “bấm nút” sẵn sàng có các bài viết đấu tranh, phản bác lại thông tin sai trái đó.
Nếu mỗi tòa soạn xây dựng được lực lượng cộng tác viên, thông tin viên tích cực, mời được các chuyên gia, các nhà khoa học am hiểu viết bài ở từng lĩnh vực, sẽ mang lại tính thuyết phục rất cao.
* Để lực lượng tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay trên báo chí có hiệu quả, theo đồng chí, nên chú ý những vấn đề gì?
- Trên thực tế, trước một số vấn đề, sự kiện trong nước, thông tin báo chí của chúng ta còn một số sơ hở, hạn chế để kẻ địch lợi dụng, xuyên tạc, chống phá. Việc định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí để phục vụ tuyên truyền, đấu tranh tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa kịp thời và đầy đủ, nên ảnh hưởng đến việc tham gia đấu tranh của các cơ quan báo chí. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác thông tin, định hướng báo chí cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phản ứng kịp thời, khoa học hơn đối với những sự kiện, sự việc, tạo điều kiện để báo chí hoạt động đúng hướng. Bên cạnh đó, các thông tin tài liệu phục vụ cho công tác đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch thường là những thông tin mật, nhạy cảm, phức tạp và ít khi được công khai. Về vấn đề này, bản thân mỗi cơ quan báo chí không thể tự khắc phục được. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các cơ quan chức năng có liên quan quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí khi cần thiết. Cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để phục vụ nhiệm vụ này, đem lại tính thuyết phục và hiệu quả hơn.
Trong đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, phải phân định rõ ràng, rành mạch, thế nào là quan điểm sai trái, thù địch; thế nào là ý kiến trái chiều khác với quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng ta không nên chụp mũ, vơ đũa cả nắm. Không phải bất cứ ai có quan điểm, suy nghĩ khác với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đều coi là đối tượng cần phải phản bác. Nếu làm như thế, vô hình trung, chúng ta lại đẩy họ sang một thái cực khác. Với những người có hành vi sai trái cần phân định rõ đúng, sai; sai đến đâu thì pháp luật xử lý đến đó. Ứng xử của chúng ta phải hết sức tình người, kéo họ lại gần chúng ta; tránh để các thế lực thù địch bên ngoài móc nối, lôi kéo, sử dụng họ. Điều này cũng thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Cùng với việc phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, cần chú ý phát huy vai trò của các loại phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng. Những vấn đề nhạy cảm chưa thể đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên sử dụng đội ngũ báo cáo viên để cung cấp thông tin, định hướng kịp thời đến từng đối tượng cụ thể...
Các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa đến công tác bảo đảm, chế độ chính sách phù hợp với thù lao cho đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đặc biệt, cần quan tâm biểu dương khen thưởng, kịp thời động viên cả về tinh thần và vật chất với những tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền, đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
* Theo đồng chí, điều quan trọng trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay là gì?
- Tôi cho rằng điểm mấu chốt quan trọng trong cuộc đấu tranh này là chúng ta phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các mặt trận, các lực lượng, bằng cả sức mạnh nội lực và ngoại lực. Cần phải xác định cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải là nhiệm vụ của riêng lực lượng, tập thể nào, cá nhân ai. Toàn “Binh chủng báo chí” và các tổ chức chính trị, xã hội, phải đồng tâm, hiệp lực tạo thành làn sóng mạnh mẽ kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không nên chỉ tập trung vào một số cơ quan báo chí, truyền thông chủ yếu của Đảng và Nhà nước.
Trong sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng ưu thế của internet và mạng xã hội, đặc biệt là qua kênh chia sẻ video trực tuyến youtube... để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cùng với việc tích cực thực hiện cho ra đời những tác phẩm có tính chiến đấu cao, định hướng rõ ràng,... những người làm công tác tuyên truyền nói chung, các nhà báo nói riêng phải không ngừng học hỏi về công nghệ mạng, truyền thông mạng để đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ngay trên hệ thống mà chúng sử dụng để chống phá ta.
* Xin cám ơn đồng chí!
Hoàng Thu Hằng (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo in số 4/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét