“ Nói đi đôi với làm” là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: lời nói phải đi đôi với việc làm, xây đi đôi với chống và đạo đức là phải tu dưỡng suốt đời.
Mặt khác, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “nói đi đôi với làm” có mối tương quan hữu cơ, chặt chẽ trong quan hệ giữa ba yếu tố: Nêu cao tinh thần trách nhiệm - chống chủ nghĩa cá nhân - nói đi đôi với làm. Trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên, công chức nếu suy giảm một trong ba yếu tố đó tất có ảnh hưởng đến hai yếu tố còn lại. Ba yếu tố đó kết thành ba nội dung quan hệ chặt chẽ với nhau trong xây dựng đạo đức Hồ Chí Minh.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Trong xã hội mỗi người đều có một vị trí nhất định và phải có trách nhiệm ứng xử hàng loạt các mối quan hệ như: đối với gia đình, dòng họ, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đối với quê hương, đất nước… và rộng hơn nữa là đối với nhân loại... Trách nhiêm phải ứng xử các mối quan hệ đó, được điều chỉnh bởi dư luận xã hội và những quy định của luật pháp.
Theo Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là: tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đem hết sức mình ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Để làm tròn nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên chẳng những phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luât của Nhà nước, mà còn phải biết thực hiện đường lối quần chúng. Nghĩa là, chẳng những phải kiên trì, chịu khó giải thích, tuyên truyền, động viên, mà còn phải bàn bạc với quần chúng, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, để thuyết phục quần chúng tự giác thực hiện.
Trái với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, tự tư tự lợi, xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bệnh quan liêu là nguy cơ phá hoại Đảng, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh tai hại khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm cao cả. Người đã tâm sự: “Cả đời tôi chỉ theo một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”
Vũ Hồng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét