Bạch Đằng Giang cách đây hơn 1000 năm đã ghi dấu chiến công của cha ông ta với mưu lược, sách lược sắc bén. Không ai ngờ được rằng với sức người có hạn cùng phương tiện thô sơ lại dựng lên được một trận địa huyền thoại như thế.
Ngày hôm nay, ngay sau khi đại dịch viêm phổi toàn cầu đã tạm thời bị khống chế, chúng ta lại bắt tay ngay vào khôi phục kinh tế tại vùng đất cảng Hải Phòng - cửa ngõ chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Sáng 3/5, phát biểu tại lễ khởi công xây dựng đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, huyện Thủy Nguyên, Thủ tướng nhấn mạnh, với lòng yêu nước nồng nàn, trí tuệ và sức mạnh đoàn kết vì một đất nước Việt Nam phát triển hùng mạnh, thịnh vượng, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục chiến thắng trên tất cả.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có một dòng sông đã đi vào huyền thoại, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến khi nói về các giai đoạn lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta:
"Mênh mông một dải Bạch Đằng.
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh".
Đó chính là dòng sông của huyền thoại - sông Bạch Đằng hay còn gọi là sông Rừng chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng); dòng sông là chứng tích lịch sử hùng hồn về các thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, dân tộc Việt Nam chúng ta đã 3 lần chiến thắng oanh liệt giặc ngoại xâm, giữ gìn vững bền, toàn vẹn biên cương bờ cõi.
Gần 1.100 năm trước, trên con sông này, Ngô Quyền đã chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Lần thứ hai, vào năm 981, cũng trên dòng sông này, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn cùng quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước nhà. Lần thứ ba, vào mùa Xuân Mậu Tý năm 1288, quân dân Đại cũng trên dòng sông Bạch Đằng lại lập nên một chiến công hiển hách, đập tan đạo quân xâm lược hùng mạnh Nguyên Mông, tiêu diệt 4 vạn quân Nguyên Mông, thu được 400 chiến thuyền và đặc biệt đã bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là hình ảnh tập trung tiêu biểu nhất của sức mạnh chiến tranh nhân dân, là biểu tượng của khí phách anh hùng, ý chí quật cường bất khuất và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Quần thể Di chỉ khảo cổ học cánh đồng Cao Quỳ, cùng những di tích bãi cọc (thời Trần) đã phát hiện ở các khu vực lân cận thuộc các tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương là nguồn tư liệu, “sử liệu” vật chất vô giá, là hiện vật thật, độc đáo, bổ sung cho phần khuyết thiếu của sử liệu thành văn khi nghiên cứu về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc thời Trần nói chung. Đồng thời, phát hiện này cũng mở ra hướng nghiên cứu mới, tổng thể hơn, toàn diện hơn và bao quát hơn về quy mô, không gian và các địa điểm diễn ra các trận chiến của quân và dân nhà Trần năm 1288 trên địa bàn Hải Phòng.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta có thể khẳng định việc phát hiện Di chỉ khảo cổ cánh đồng Cao Quỳ giúp chúng ta có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống “Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca của dân tộc”, gợi nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng, trỗi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống tự hào của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên, của Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch, đặc biệt sự đóng góp quan trọng của các nhà sử học, khảo cổ học, Thủ tướng bày tỏ, “riêng cá nhân tôi, với tư cách đại biểu nhân dân của khu vực huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, chúng tôi luôn luôn lắng nghe, đã có ý kiến chỉ đạo với Thành phố nói riêng, công tác nghiên cứu lịch sử của nước ta nói chung”.
Trong bối cảnh đất nước đang gồng mình chống đại dịch COVID-19, vừa “chống dịch như chống giặc”, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh, một lần nữa cho thấy người dân Việt Nam chúng ta có tinh thần yêu nước nồng nàn; ý chí quyết tâm sắt đá; kết hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính từ những khó khăn, thách thức về dịch bệnh chưa từng có này, ngay chính ở nơi hồn thiêng sông núi, chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống nghìn năm dựng nước, giữ nữ, khẳng định trí tuệ và sức mạnh của dân tộc ta.
Thủ tướng nói:
“Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, người Việt Nam chúng ta với lòng yêu nước nồng nàn, trí tuệ và sức mạnh đoàn kết vì một đất nước Việt Nam phát triển hùng mạnh, thịnh vượng; nhất định chúng ta sẽ tiếp tục chiến thắng trên tất cả các mặt trận, không chỉ trên mặt trận chống dịch bệnh COVID-19, mà còn chiến thắng trên lĩnh vực kinh tế, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn".
Vì vậy, nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, khẳng định vị trí Việt Nam trên trường quốc tế là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết đối với lịch sử dân tộc và trách nhiệm đối với gần 100 triệu dân.
Thủ tướng cho rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ cánh đồng Cao Quỳ đòi hỏi một kế hoạch lâu dài, cần được triển khai thực hiện cẩn trọng theo từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng khu vực di tích, tuyên truyền về giá trị các mặt của di tích tới công chúng và xây dựng các công trình phát huy giá trị di tích. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống to lớn cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng nhấn mạnh: đây không chỉ là một dự án xây dựng cơ bản đơn thuần mà là một công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật; việc xây dựng các công trình là để làm nổi bật di sản; do vậy trong toàn bộ quá trình thi công, đòi hỏi các đơn vị phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo tồn văn hóa, các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên vẹn của di chỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét