63% người dân cho rằng phải lót tay để vào khu vực nhà nước. Và sau đó là “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội… tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi”.
Ngoặc kép là nhận định trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và Tổng Bí thư cũng nói thêm rằng: “Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”.
Một cái nhìn thẳng thắn, dũng cảm trước một tình trạng còn không ít phổ biến.
Nhớ năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực từng một lần nói thẳng: “Thưa các đồng chí, bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng (tiền “chạy” công chức) không có chuyện đó đâu”.
Thực tế chứng minh cho “cái giá” của ông Dực. Không thiếu những trường hợp giáo viên miền núi cũng phải chạy. Rồi chạy cả đến một chân cấp dưỡng văn phòng, chạy cả đến một suất công an nghĩa vụ.
Cái giá 100 triệu mà ông Dực nói hồi đó đã bị chê là… lạc hậu, kiểu “hơn chứ làm gì đến”.
Cái tình trạng “chạy” mà vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra nói đã gây phản ứng. Một cuộc thanh tra đã được tổ chức. Và kết quả không phát hiện gì đáng kể.
8 năm sau lời nói thẳng hôm ấy, cái giá 100 triệu đồng chạy công chức không biết có thay đổi không, nhưng phong trào chạy có vẻ vẫn không suy chuyển.
Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam được công bố hôm qua 28.4 đưa ra một con số giật mình: 45% người dân đồng ý và 18% đồng ý một phần nhận định rằng: phải có sự lót tay chạy chọt để có thể vào làm việc trong lĩnh vực nhà nước.
68% là một tỉ lệ cực kỳ lớn. Nó đồng nghĩa với sự phổ biến. Đồng nghĩa với sự thật là việc chạy như một thứ luật ngoài luật.
Cực kỳ liên quan là những con số cảm nhận của người dân về tình trạng tham nhũng. 30% cho rằng phải lót tay y tế để được “quan tâm”- kiểu mũi tiêm không đau; 30% phải lót tay giáo dục để được thầy cô “quan tâm” hơn. 31% khẳng định phải chi thêm tiền để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… và 20% có chung nhận định, khi làm giấy phép xây dựng.
Liên quan, ở việc cán bộ có tư tưởng thu hồi vốn. Liên quan, bởi việc chạy ngay từ đầu một chỗ trong bộ máy sẽ tạo ra thói quen chạy, để rồi, người ta chạy tất cả. Từ chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu và cả chạy tội- như nhận xét của Tổng bí thư.
Chúng ta đã từng xử lý những vụ nâng đỡ không trong sáng, từng xử lý những cán bộ thăng tiến bất thường… Và điều đó, nên được đặt thành một nhiệm vụ, bởi xét cho cùng, đó cũng là một hình thức tham nhũng, còn nguy hiểm hơn tham nhũng tiền bạc.
Anh Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét