Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là sự kiện có tính bước ngoặt trong con đường cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối của phong trào yêu nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên có Đảng lãnh đạo, có lý luận khoa học, chân chính soi đường. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của phong trào vô sản thế giới. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự chín muồi về thời cơ, nhu cầu khách quan tất yếu của cách mạng Việt Nam, đó cũng là kết quả của sự vận dụng sáng tạo quy luật, lý luận về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Sau bao năm bôn ba, học hỏi và hoạt động trong phong trào công nhân khắp thế giới, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra rằng, nhân dân Việt Nam đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh anh dũng chống đế quốc Pháp, nhưng đều bị thất bại, vì chưa có lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, chưa có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, không hiểu tình hình thế giới, không biết so sánh lực lượng ta và lực lượng địch, không có "mưu chước" không hiểu "sách lược", không biết nắm thời cơ, "chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm". Vì vậy, những người cách mạng phải giảng giải cho nhân dân hiểu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tình hình và kinh nghiệm cách mạng thế giới.
Nắm vững tính chất và đặc điểm xã hội Việt Nam, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thấm nhuần học thuyết của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga vào điều kiện cụ thể của nước ta. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản; chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới thoát khỏi ách nô lệ. Nhiệm vụ trước mắt của Cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến tay sai. Người nhấn mạnh: công nhân và nông dân là lực lượng chủ yếu của cách mạng vì công nông bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất và họ là lực lượng đông nhất. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, theo đường lối của Quốc tế cộng sản, quan hệ mật thiết với cách mạng Pháp và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa khác.
Muốn được như vậy thì trước hết mọi người phải hiểu rõ vì sao phải làm cách mạng. Để làm cơ sở cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, tháng 6 nǎm 1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng. Tôn chỉ và mục đích của Hội được thể hiện trong cuốn “Đường cách mệnh”.
Một sáng tạo rất lớn của Nguyễn Ái Quốc là Người đã vận dụng sáng tạo công thức của V.I. Lê-nin về sự ra đời của một đảng vô sản vào một nước nông nghiệp như nước ta. Người không chỉ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân mà đồng thời truyền bá vào phong trào yêu nước Việt Nam - một yếu tố phổ quát, trường tồn và có sức mạnh to lớn trong lịch sử phát triển của dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp một cách sinh động yếu tố dân tộc và giai cấp, tạo ra cơ sở xã hội - chính trị rộng lớn chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người xác định: Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong cách mạng của dân tộc. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết năm 1848, Mác - Ănghen đã khẳng định rằng, trong cuộc đấu tranh giành lấy chính quyền thì giai cấp vô sản "phải tự vươn lên thành giai cấp, phải tự mình trở thành dân tộc". Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hóa quan điểm của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn sinh động của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, không phải chỉ có giai cấp công nhân mà cả nhân dân lao động và toàn dân tộc đều tham gia, và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy: Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Cả dân tộc thừa nhận Đảng là của mình, cả dân tộc tin tưởng ở Đảng, quyết tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, tích cực bảo vệ và tham gia xây dựng Đảng. Điều này thực sự là niềm tự hào của Đảng ta, không phải đảng nào cũng có được.
Trong quá trình chuẩn bị cho Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã chú ý chỉ đạo tiến hành một cách có hệ thống, cơ bản, toàn diện và thiết thực: từ tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức đến phương thức lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng.
Về tư tưởng:Ngay trong quá trình truyền bá lý luận, xây dựng nguyên tắc hoạt động của Đảng, Người luôn khẳng định: Đảng muốn lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi thì Đảng phải vững; Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu và làm theo chủ nghĩa ấy; Đảng Cộng sản Việt Nam muốn vững mạnh, trong sạch thì Đảng phải được xây dựng trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Về chính trị:
Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của Đảng. Người khẳng định, muốn xây dựng Đảng về chính trị đúng đắn, trước hết phải đứng vững trên một nền tảng tư tưởng vững chắc.
Về tổ chức:
Nguyễn Ái Quốc chủ trương phải thường xuyên kiện toàn bộ máy của Đảng trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.
Về đạo đức:
Nguyễn Ái Quốc cho rằng, đạo đức cách mạng là cái "gốc", cái nền của người cán bộ, đảng viên.
Về phương thức lãnh đạo và phong cách công tác:
Nguyễn Ái Quốc khẳng định: phương thức lãnh đạo và phong cách công tác là lĩnh vực phương pháp cách mạng và phong cách hoạt động của Đảng, của cán bộ, đảng viên, có quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đến sự thành công hay không thành công của cách mạng, đến sức mạnh và sự tồn vong của Đảng.
Ngày nay sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những yêu cầu mới về vai trò, phẩm chất, năng lực lãnh đạo của Đảng. Công tác xây dựng Đảng đang đặt ra một cách cấp thiết đối với tất cả các ngành, các cấp nhằm gìn giữ và tiếp tục xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh như ý nguyện của chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngang tầm nhiệm vụ là một công việc khó khăn, lâu dài và không kém phần gian khổ, tuy nhiên, với truyền thống gần một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vững bước đi lên, mãi xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét