Đại sứ Phạm Ngạc, (Nguyên Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế và Đại sứ 5 nước Bắc Âu) vẫn nhớ, khi đó, với sự bắt tay của Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đã bị đối xử bất công tại Liên Hợp Quốc. Mỹ - Trung Quốc cùng vận động các nước thông qua nghị quyết chống Việt Nam trong suốt 10 năm để phản đối việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, dù là để tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot. Nhưng cùng thời điểm đó, thì ở Châu Phi, Tanzania cũng đưa quân vào Uganda để lật đổ chế độ độc tài Amin Ada, Ấn Độ đưa quân vào Đông Pakistan và nước Bangladesh ra đời. Cả hai trường hợp này đều được Liên Hợp quốc hoan nghênh. Với ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, nhiều nước vốn có cảm tình với Việt Nam như các nước Châu Phi cũng bị lôi kéo lên án Việt Nam. Còn ở Đông Nam Á, một số nước tỏ thái độ chống Việt Nam gay gắt.
Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021
CUỘC ĐẤU TRÍ VỀ VẤN ĐỀ CAMPUCHIA CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VIỆT NAM TẠI LIÊN HỢP QUỐC
Đó là lý do vì sao mà những năm 1980, mỗi cuộc họp hàng năm tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thực sự là một cuộc chiến, một cuộc đấu trí của các thành viên phái đoàn Việt Nam khi "vấn đề về Campuchia" được đưa ra bàn ở Đại hội đồng. Có lần, đoàn Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết vu cáo Việt Nam sử dụng vũ khí hóa học ở Campuchia. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch lập tức yêu cầu đưa vào dự thảo 1 văn bản như sau: "Nước sử dụng vũ khí hóa học phải bồi thường cho nạn nhân". Dự thảo này của Việt Nam được đoàn Thụy Điển ủng hộ đầu tiên, rồi kéo theo các đoàn khác cũng ủng hộ. Cuối cùng, Mỹ phải cử người sang gặp đại diện Việt Nam để hai bên cùng rút dự thảo.
Bà Phan Thị Phúc – phu nhân của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch – người thường xuyên theo ông trong những chuyến công du nước ngoài cũng từng thừa nhận, đã không ít lần trong những chuyến công du, bà chứng kiến lãnh đạo các nước khác chỉ trích chồng mình không một chút kiêng nể, rằng "Việt Nam xâm lược Campuchia". Thậm chí có những lần họ còn không đón tiếp. Nhưng bất kể lập trường quốc gia có thế nào đối với Việt Nam, ở phương diện cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch vẫn dành được nhiều thiện cảm của các nhà ngoại giao quốc tế. Dù thời đó, quan hệ Thái Lan - Việt Nam rất căng thẳng, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan yêu quý Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến mức đã đề nghị ông kết nghĩa anh em.
Có lần, giữa giờ giải lao của các phiên họp, nữ đại sứ Seychelles – người được mệnh danh là hoa khôi của Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời nhận xét như sau về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: "Ông Thạch đang thể hiện mình là nhà ngoại giao xuất sắc nhất Liên Hợp Quốc thời điểm này". Ở New York, Nguyễn Cơ Thạch đã tranh thủ tất cả các cơ hội, kể cả chính thức và không chính thức để thay đổi nhận thức sai lầm của quốc tế về Việt Nam.
Nữ ký giả của tờ Washington Post là người dành nhiều thiện cảm cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bà thường quan sát rất kỹ ông ở Liên Hợp Quốc. Trong con mắt của bà, Nguyễn Cơ Thạch là người "Thông minh và khí phách như Chu Ân Lai, mộc mạc như Mahatma Gandhi. Bậc thầy về những cử chỉ bao quát lẫn sự khôn ngoan, tinh tế trong từng tiểu tiết."
Một quan chức ngoại giao cấp cao - người có trách nhiệm lớn trong việc quyết định những chính sách ảnh hưởng tới bán đảo Đông Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải thốt lên với tờ Washington Post: "Ông ấy (Nguyễn Cơ Thạch) có tất cả những phẩm chất khiến các nhà ngoại giao cùng thời ngưỡng mộ: Thông minh, tế nhị, dí dỏm và vô cùng khéo léo"
Ngô Niêm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét