<Tâm Ngôn>
Từ lâu nay, “nhân quyền” vẫn là công cụ để Mỹ can dự vào vấn đề nội bộ của quốc gia khác, thậm chí là tấn công quân sự vào quốc gia có chủ quyền, chỉ có điều quan điểm và hành động “nhân quyền” của các thời Tổng thống Mỹ có sự khác nhau. Vậy nên, cũng không lấy gì làm lạ khi Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Biden tuyên bố “nhân quyền được đặt là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Giới “dân chủ” ở Việt Nam khi biết được thông tin này đã vội vàng “đắc ý” với ảo tưởng rằng Chính phủ Mỹ sẽ can dự vào “tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam” và hậu thuẫn cho các hoạt động chống phá của chúng dưới chiêu bài này. Sự hoang tưởng rằng có “đỡ đầu” dễ khiến nhiều kẻ phải trả giá, vướng vào vòng lao lý với hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá nhà nước Việt Nam.
Thực tế mà nói thì Việt Nam cũng không lạ lẫm gì với các áp đặt về “dân chủ, nhân quyền” trong chính sách đối ngoại của Mỹ với cả Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mỹ tự cho mình quyền phán xét và áp đặt “giá trị” nhân quyền của Mỹ lên quốc gia khác. Vậy nên, dù dưới thời kỳ Tổng thống nào ở Mỹ, Việt Nam luôn giữ vững quan điểm ngoại giao, hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, sự khác biệt về thể chế chính trị cũng như tôn trọng công việc nội bộ của mỗi bên.
Trong lịch sử, Việt Nam đã có quá trình lâu dài để đấu tranh giành độc lập, hoà bình, để các quyền con người của người dân Việt Nam được tôn trọng nên hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ và tôn trọng các quyền con người. Nên khi bị áp đặt về vấn đề “nhân quyền”, Việt Nam có đầy đủ lập trường, lý lẽ và thực tiễn sinh động những thành tựu phát triển ở Việt Nam, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền con người để khẳng định và bảo vệ quan điểm, chính sách nhất quán đó. Việt Nam không chấp nhận sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để can thiệp vào việc thực thi pháp luật, xử lý các đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét