Một ngày cuối tháng 7/2015, cố Đại tá Tô Quyền (1929 - 1996), được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, cũng như bao người con ưu tú, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tô Quyền đã có mặt ở chiến trường miền Nam (tại đây ông lấy bí danh Tô Lâm - tên con trai mình). Rồi ông về miền đất Tây Ninh - căn cứ Trung ương Cục miền Nam, vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ, ngụy. Những năm tháng ấy, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng ông và đồng đội, đồng chí vẫn bám trụ kiên cường, cùng nhân dân Tây Ninh đập tan bao nhiêu cuộc hành quân, càn quét của địch, triệt phá những ổ biệt kích, gián điệp, Việt gian, góp phần cùng nhân dân miền Nam và cả dân tộc "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021
NGƯỜI CHA ANH HÙNG CỦA ĐẠI TƯỚNG TÔ LÂM
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông lại tiếp tục cùng đồng chí, đồng đội, nhân dân truy quét tàn quân ngụy và các cơ sở địch cài cắm lại, củng cố và xây dựng lực lượng Công an ở một vùng mới giải phóng. Đến năm 1977, ông được trở về quê hương miền Bắc, gặp lại gia đình và những người đồng chí, bè bạn sau bao năm xa cách. Nhưng nhiệm vụ mới đang chờ, Đảng và Nhà nước giao cho ông những trọng trách mới. Ông lại tiếp tục làm việc bền bỉ, hăng say…
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào: Vùng địch hậu, chiến trường miền Nam hay trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước; dù ở bất cứ cương vị công tác nào: Phụ trách Đội Thiếu nhi cứu quốc, Trưởng Công an huyện Tiên Du, Phó Ty Công an tỉnh Hà Bắc, Phó Ban An ninh Tây Ninh, Giám đốc Ty Công an Hải Hưng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục V26 - Bộ Công an…, ông Tô Quyền luôn vượt lên, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Ông luôn gắn bó và liên hệ mật thiết với quê hương. Điều đặc biệt cảm phục ở ông là tấm lòng nhân hậu, vị tha, nhân ái. Ông yêu thương hết mực những người thân trong gia đình, yêu thương đồng đội, đồng chí và nhân dân.
Ở vùng địch hậu, ông đã đi bộ qua bao nhiêu trạm gác, vòng vây của kẻ địch để về dự đám cưới của người đồng chí đồng đội là ông Nguyễn Văn Cẩn và bà Nguyễn Thị Đoan với một nồi cơm rất nhỏ mà mọi người ăn không hết, nên gọi đùa là "niêu cơm Thạch Sanh". Ở chiến trường Tây Ninh, sau những cuộc đấu trí, đấu sức cam go, ác liệt với kẻ thù, sau những trận bom đạn cày xới, ông lại chan hòa, quan tâm tới mọi người và da diết nhớ về quê hương, gia đình. Đặc biệt là cô con gái út, khi ông khoác ba lô lên đường đi B còn nằm trong bụng mẹ…
Cảm thông sâu sắc và sẻ chia với những hy sinh của ông, đồng chí, đồng đội và nhân dân Tây Ninh thường gọi ông với cái tên trìu mến: Anh Tư, chú Tư - gắn với tên người con trai cả của ông. Và đến một ngày, ngày 18/11/1996, ông đã ra đi… để lại bao thương tiếc khôn nguôi trong lòng người thân, gia đình, đồng chí và bè bạn. Được tin ông mất, cán bộ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, cô Hai Lãnh, cô Năm Tâm và những người đồng chí, đồng đội đã vào sinh ra tử với ông trong những ngày kháng chiến ác liệt, đã từ miền Nam ra Bắc, đứng lặng hồi lâu trước bàn thờ ông, những giọt nước mắt lăn dài trên má… Trước khi được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã được nhân dân phong tặng danh hiệu "Anh hùng tình cảm".
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho những người con ưu tú của quê hương Nghĩa Trụ đã được tổ chức long trọng tại hội trường UBND xã ngày 19/8/2015. Buổi lễ báo công, mừng công ấy diễn ra trong không khí trang trọng mà ấm áp tình quê hương, giúp ta hiểu sâu sắc thêm về Nghĩa Trụ - một xã anh hùng - nơi có truyền thống hiếu học với nhiều khoa bảng tiến sĩ, những nhà cách mạng tiền bối như: Tô Hiệu, Tô Chấn, Lê Văn Lương…, những nhà văn hóa như: Nguyễn Công Hoan, Tô Ngọc Vân… Nơi ấy con người hiền hòa, thủy chung mà dũng cảm, kiên cường và năng động sáng tạo…
Nguyễn Thị Trang (Báo CAND)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét