Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

CÂU CHUYỆN VỀ 7 BỘ HÀI CỐT CHIẾN SĨ TA HY SINH TRONG CĂN HẦM GIỮA THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

 Sau cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm oanh liệt, đầy bão lửa... đã có hàng vạn chiến sĩ ưu tú nhất của chúng ta hy sinh.

Mưa bom bão đạn của kẻ thù trút xuống, tưởng như không một viên gạch nào của Thành cổ còn nguyên vẹn. Gần một vạn thi thể của các liệt sĩ cũng trộn lẫn vào trong đó...
Nhưng gần đây, rất tình cờ, người ta đã tìm được 7 bộ hài cốt liệt sĩ còn nguyên vẹn. Kỳ lạ hơn, một bộ hài cốt còn xác định được họ và tên của liệt sĩ.
Và câu chuyện hy sinh của anh cùng đồng đội đã dần được hé mở, vang lên như một khúc ca bi tráng nhất của chiến tranh, nhờ hai lá thư của một người vợ liệt sĩ...
Bảy người lính và bảy ngày đêm dưới căn hầm sập tối tăm.
Đó là những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để có cớ “mặc cả” với ta trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris và lập lại phòng tuyến ngăn cản lực lượng miền Bắc vượt sông Bến Hải giải phóng miền Nam..., Mỹ - Nguỵ đã dốc toàn lực và tất cả các loại vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ, cố sống cố chết tái chiếm Thành cổ Quảng Trị. Một trong những loại vũ khí ấy là bom hạng nặng, được điều khiển bằng lade...
Khoảng giữa tháng 8-1972, bộ đội ta thông báo cho nhau một tin buồn: Trong Thành cổ có một căn hầm bê tông cốt thép rất kiên cố, sâu và dài, do địch xây dựng từ lâu. Trước đây, tên tỉnh trưởng Quảng Trị từng trú ẩn, sau hầm này dành cho bọn cố vấn Mỹ. Khi quân ta chiếm được Thành cổ, căn hầm được bộ đội sử dụng làm sở chỉ huy tiểu đoàn. Nhưng một quả bom lade của địch vừa đánh trúng căn hầm ấy, làm sập và bịt mất cửa hầm. Có 7 chiến sĩ ta còn đang bị kẹt dưới đó.
Họ gồm: một cán bộ Chính trị viên phó tiểu đoàn, một cán bộ Tham mưu tiểu đoàn, ba chiến sĩ công binh, hai liên lạc... Khi hầm đã sập, dù trên mặt đất nói to, bên dưới vẫn nghe thấy, nhưng vì lớp bê tông bịt nắp hầm quá dày và kiên cố, nên không có cách nào cứu hộ được. Anh em chỉ biết gọi tên nhau, nhưng bất lực ứa nước mắt, đành chấp nhận hy sinh...
Điều kỳ lạ là bảy người chiến sĩ của chúng ta vẫn sống tới bảy ngày và bảy đêm sau, dù ở dưới hầm sâu tối tăm, thiếu dưỡng khí, không thức ăn, không nước uống. Họ vẫn điện ra ngoài bằng máy vô tuyến. Trong bức điện cuối cùng, họ thông báo: Địch đang tiến vào trận địa... Chúng tôi nghe rất rõ bước chân của chúng... Nghe được bọn chúng nói chuyện... Chúng đang đi trên nóc hầm của chúng tôi... Yêu cầu các đồng chí hãy dùng pháo bắn cấp tập và... hãy bắn thẳng lên hầm của chúng tôi... Xin gửi lời chào chiến thắng và vĩnh biệt...!
Người ta cho rằng cả bảy người lính ấy đã hy sinh cùng lúc, sau loạt pháo dữ dội của quân ta tiêu diệt hết cả tốp lính địch. Nhưng cũng có người bảo dưới căm hầm sau bằng bê tông kiên cố ấy bảy chiến sĩ ta đã sống thêm nhiều ngày đêm nữa. Sở dĩ họ không điện ra ngoài nữa, vì máy vô tuyến bị hỏng, hoặc hết nguồn điện. Cái chết đã đến với họ rất từ từ vì đói và khát... Và trong bóng đêm dày đặc ấy, bảy người lính đã nói với nhau rất nhiều về gia đình, về tình yêu, hạnh phúc cuộc sống và cả ước mơ, nghề nghiệp, sau khi chiến tranh kết thúc... Rồi lần lượt từng người mới lịm đi, mỗi người trong một tư thế...
Hai mươi bảy năm sau cuộc chiến, khoảng giữa năm 1999, trong khi thi công đào cống thoát nước công trình trùng tu di tích Thành cổ Quảng Trị bằng phương tiện cơ giới hiện đại, một số công nhân đã phát hiện ra một hầm ngầm rất kiên cố, với nắp bê tông cốt thép dày tới hơn 30cm, bị sập từ lâu. Khi các tấm bê tông được khoan cắt và cẩu lên, người ta phát hiện có tới bảy bộ hài cốt còn nguyên vẹn, nằm rải rác bên dưới...
Đặc biệt, ở bộ hài cốt có tư thế nằm tựa vào thành hầm, người ta tìm thấy một chiếc sắc cốt quân đội do Liên Xô (cũ) sản xuất, trong đó có những di vật và tài liệu vô cùng quý giá: Sổ công tác, vài bức ảnh và đặc biệt là hai lá thư nhà, ký tên người viết là Biển Khơi, được xác định là vợ của liệt sĩ...
Nhờ những di vật đó, người ta xác định được chủ nhân của chiếc sắc cốt ấy chính là liệt sĩ Lê Binh Chủng, nguyên Chính trị viên phó tiểu đoàn. Anh quê ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. (Đấy cũng là người duy nhất trong gần một vạn liệt sĩ đã hy sinh trong Thành cổ Quảng trị, người thân tìm được hài cốt và ngôi mộ có đầy đủ họ tên).
Chính quyền và bà con nhân dân Quảng Trị đã tổ chức lễ mai táng trang trọng cho bảy liệt sĩ.
Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét