Mẹ kể, ngày 02/09/1969, khi loa phát thanh đưa tin lãnh tụ Hồ Chí Minh qua đời, người phát ngôn cũng không ngăn được nghẹn ngào khi nghe thấy tiếng nức nở trên loa. Mẹ bảo thấy người lớn khóc thì trẻ con cũng khóc theo. Cả làng cả xã hầu như ai cũng khóc, không khí thương đau bao trùm cả nước.
Nhà thơ Tố Hữu xúc động tả lại trong bài Bác ơi: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa …” khi Hồ Chủ tịch từ trần, cả nước Việt Nam chúng ta nghẹn ngào tiễn đưa. Và mấy mươi năm qua, “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng” đều “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Năm mươi năm trôi qua, hàng ngày hàng người xếp hàng vào viếng lăng Hồ Chủ tịch vẫn không bớt dài.
Ngày 04/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, toàn dân Việt Nam thương xót trước sự ra đi của vị tướng già. Ngày quốc tang, rước linh cữu của Tướng Giáp về đất mẹ Quảng Bình, đoàn xe đưa tiễn Người xếp dài dằng dặc ra đến sân bay.
Hàng năm, vào ngày giỗ của Tướng Giáp, con đường dẫn vào Vũng Chùa - đảo Yến, Quảng Bình xe lại xếp hàng dài, đường vào làng An Xá, Lệ Thủy tấp nập người mang hương mang hoa. Nơi an nghỉ của Người trở thành một khu danh thắng.
Thế đấy, dân chúng chẳng thờ sai ai bao giờ! Như hàng trăm năm, lễ hội lớn nhất Rạch Giá vẫn là lễ giỗ Anh hùng Nguyễn Trung Trực, lớn nhất Gò Công là lễ giỗ Trương Định, còn lễ giỗ Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, Quang Trung là lễ lớn của người dân cả nước chúng ta.
Mình rất buồn, và nhiều khi tức phát khóc lên khi nghe đám xét lại lịch sử bắt đầu bịa đặt về Tướng Giáp. Chả hiểu vì sao thế nữa, nhưng ức các bạn ạ. Cứ mỗi dịp đến 30/04 hay 07/05, những tin đồn nhảm về đại tướng lại được chúng tung ra lan truyền trên mạng xã hội như một mầm bệnh. Chúng nó cố tình bịa đặt về cái gọi là xung đột sâu sắc giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và TBT Lê Duẩn để khơi lên sự chia rẽ. Chúng nó nói rằng Tướng Giáp đã dùng chiến thuật “nướng quân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, rằng: Nhất tướng công thành vạn cốt khô!
Một đám vô ơn, tráo trở và đê hèn. Nhưng không hiểu sao chúng vẫn dắt mũi được nhiều người, những bạn trẻ vẫn thích những thứ gì giật gân và bí ẩn.
Nên nhớ, dân chẳng thờ sai ai bao giờ!
Sau trận Điện Biên Phủ, tướng De Castries - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi về Pháp đã phải điều trần trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp đã thổn thức trong bất lực: “Người ta có thể đánh bại một đội quân, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Và người khơi gợi, truyền cảm hứng tinh thần cho dân tộc ấy trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến ngay như Bách khoa toàn thư của Pháp cũng phải viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp. Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực lớn của cuộc chiến tranh.”
Hay như Bách khoa Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản 1993, có viết về Tướng Giáp như sau: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử.”
Vâng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là một thầy giáo dạy lịch sử. Nhưng nên nhớ, người thầy ấy từng thi đỗ ngoại hạng về môn kinh tế - chính trị (năm 1938). Ngay cả Kherian, giáo sư người Pháp và ông Gaetor Pirou – Đổng lý văn phòng của Thủ tướng Paul Doumer đều nhất trí muốn đưa Đại tướng sang Pari học tập.
Ở đâu người ta cũng sẽ thấy “tinh hoa hiển lộ”. Nhưng Tướng Giáp đã nói: “Không”. Lý do thật đơn giản: “Tôi không thể rời bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ”.
Và thế là sau khi ra trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành thầy giáo dạy môn lịch sử tại trường trung học Thăng Long. Có rất nhiều “tên tuổi trong lịch sử Việt Nam” từng là học trò của tướng Giáp, ví như như Lê Đức Thọ, Nguyễn Thành Lê…
Nhiều học trò đến giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh Tướng Giáp “Đứng thẳng trước lớp, ông nhìn thẳng vào đám học trò và dõng dạc nói: Khá nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp, nếu muốn các em có thể tham khảo. Tôi chỉ nói với các em 2 chủ đề: cuộc cách mạng và Napoleon”.
Nguyễn Thành Lê từng nói: “Chúng tôi rất thích ông. Ông đã dạy rất hay cho chúng tôi nghe về cách mạng Pháp. Ông không nói với chúng tôi quan điểm của ông nhưng ông dẫn lời của Danton bằng giọng sang sảng và say sưa”.
Như đã nói, bản thân là mặt trời thì đâu đâu cũng sẽ rực rỡ, làm thầy giáo thì sẽ tỏa sáng trên bục giảng, làm vị tướng soái thì “ở trong trướng quyết thắng ngàn dặm”. Võ Nguyên Giáp chính là con người như thế. Giáo viên dạy sử ấy đã lãnh đạo quân đội, từ vẻn vẹn 34 chiến sĩ với trang bị vũ khí thô sơ trở thành một quân đội chính quy ngày càng hiện đại với những binh đoàn hùng mạnh ngày nay.
Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đưa Võ Nguyên Giáp đến với nghiệp “võ”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp, Daniel Roussel vào năm 1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại những ngày đầu đến với nghiệp nhà binh: “Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940. Chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm. Tôi đã nói nguyên văn như vậy (...) Sau này trở về Việt Nam, ở Pác Bó, khi chúng tôi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, một đồng chí đã nói: “Khởi nghĩa vũ trang ư? Nhưng chúng ta làm gì có vũ khí?”. Hồ Chủ tịch trả lời cần ưu tiên vấn đề con người: “Con người trước đã, vũ khí tính sau. Nếu quần chúng ủng hộ, chúng ta sẽ có tất cả”.
Hồ Chủ tịch từng nói với tướng Giáp, rằng: “Vì nước ta nhỏ, yếu, nhân dân ta sẽ ít thôi, không nhiều như Trung Quốc cho nên làm thế nào để thắng địch nhiều mà tổn thất ít nhất.”
Tướng Giáp luôn nhớ như in lời căn dặn này. Ngày 14/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” và dự định ngày nổ súng là 20/01. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng những đợt tiến công ồ ạt. Song một đơn vị đại bác vào trận địa chậm và kế hoạch bị lộ nên lịch tấn công dời đến ngày 26/01.
Trong hồi ức “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng thổ lộ: “Ngày hôm đó (tức ngày 24/01/1954) tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.” Đó là quyết định thay đổi phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
“Nếu quần chúng ủng hộ, chúng ta sẽ có tất cả!” Pháo đài bất khả xâm phạm của Pháp, được viện trợ rất lớn từ Mỹ đã bị quật ngã. Và thế là, chúng ta đã từng có một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp và Việt Nam rạng danh khắp năm châu bốn biển.
Đám lật sử, chúng từng xuyên tạc và bịa đặt về câu chuyện “đánh nhanh, giải quyết nhanh” của Tướng Giáp để nói rằng ông “nướng quân” để làm nên chiến thắng lịch sử. Chúng mày, hãy câm mõm lại. Ở Việt Nam thì Võ Nguyên Giáp luôn là tượng đài bất tử, là vị đại tướng “quốc sử lưu danh, lòng dân tạc tượng”.
Đại tướng từng nói: “Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó”, và nhân dân là người nghiệm chứng điều đó rõ ràng nhất.
Nên nhớ, dân chẳng thờ sai ai bao giờ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét