Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

NHÂN CÁCH CỦA MỘT VỊ TƯỚNG ANH HÙNG

 Thiếu tướng Phạm Phi Hùng (tên gọi thân mật Tám Chè), sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha và anh của ông đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1948, khi mới 15 tuổi, ông đã tình nguyện đi làm cách mạng.

Đời binh nghiệp, ông đã chỉ huy đánh hàng trăm trận. Dù ở cương vị Tỉnh đội trưởng, khi tham gia giúp nước bạn Campuchia hay trở về với đời thường ông luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người bởi cách sống giản dị, nghĩa tình và nhân hậu của mình.
Người của những trận đánh lớn
Ông Hùng kể, sau khi không thực hiện hiệp định Geneve, địch ra sức chống phá phong trào Cách mạng miền Nam. Tháng 8/1957, Tỉnh ủy Trà Vinh ra nghị quyết thành lập liên minh giáo phái chống Mỹ - Diệm mang tên Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt. Từ Trà Vinh, ông được điều đến Vĩnh Long tham gia lực lượng này. Thiếu tướng Phạm Phi Hùng là một điển hình cho phẩm chất của người bộ đội cụ Hồ: “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Cái tên “Tám Chè” của ông cũng ra đời từ sự gắn bó mật thiết chân tình này.
Vào những năm 1960, trên địa bàn xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, địch đã cho xây dựng khu trù mật Cái Sơn nhằm thực hiện âm mưu tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng, hòng dễ bề tiêu diệt lực lượng của ta. Nhận nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt mà trực tiếp là Đại đội 256 do ông Phạm Phi Hùng làm Đại đội trưởng cùng các cán bộ ở cơ sở đã lên kế hoạch tiêu diệt Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba khi hắn đi thị sát khu trù mật Cái Sơn. Với tinh thần quả cảm, táo bạo, sự quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà ông Phạm Phi Hùng và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Ông nhớ lại: Sau nhiều đêm nghiên cứu, các ông đã nghĩ ra “chiến thuật đội mồ”. Bằng cách đào hầm sâu trong lòng đất, áp sát địch, sau 2 ngày đêm, các ông đã đào được 120m hầm từ cống Cây Sao đến cầu Rạch Rừng mà địch không hề hay biết.
Ông cùng với 9 đồng đội nằm chờ sẵn dưới hầm từ đêm hôm trước, đến 15 giờ ngày 16/6/1960, tên Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba cùng đoàn tùy tùng tới Khu trù mật Cái Sơn. Các ông đợi đến 16 giờ thì hắn trở về Vĩnh Long. Khi tới cống Cây Sao, chỉ còn cách chỗ quân ta nằm 60m, ngay lập tức, các ông “đội mồ” xông lên. Quân địch hoảng sợ chạy tán loạn, các ông đã bắn chết tên Tỉnh trưởng ác ôn và bắt sống 3 tên sĩ quan. Trận đánh tiêu diệt Tỉnh trưởng Vĩnh Long đã làm chấn động chính quyền Sài Gòn, góp phần làm phá sản chiến lược “Lập ấp chiến lược” của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Cũng nên nói thêm về sự kiện này, vào năm 2008, có nhà xuất bản phát hành cuốn sách mang tên Quận chúa biệt động, trong đó có tình tiết một nhân vật là biệt động thành nhận nhiệm vụ của tổ chức dùng mỹ nhân kế ám sát tên Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba tại Dinh tỉnh trưởng Vĩnh Long. Tuy nhiên, sự thật đã được làm sáng tỏ vì còn ông Tám Chè là một người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử. Nhà xuất bản sau đó đã phải thu hồi cuốn sách này. Chúng tôi nhắc lại câu chuyện này với ông, ông chỉ cười đôn hậu: Có khi viết truyện người ta hư cấu vì tưởng những người trong cuộc đã chết hết rồi cũng nên.
Bình dị giữa đời thường
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 857 của ông nhận nhiệm vụ tấn công sân bay Vĩnh Long để tiến vào thị xã. Lực lượng địch lúc này có đến 1.500 tên với 66 máy bay, trong khi lực lượng của ta ít hơn rất nhiều... Với vai trò là Chính trị viên Tiểu đoàn, ông quyết định chọn ra 48 đồng chí tiêu biểu, dũng cảm nhất dùng chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”; nghĩa là luồn đánh từ trong ra ngoài. Chiến thuật này cần có một người mũi trưởng mưu trí, dũng cảm chấp nhận hy sinh. Khi phổ biến chiến thuật, tất cả chiến sĩ đều giơ tay xung phong làm mũi trưởng. Thật khó lựa chọn nhưng cuối cùng ông đã chọn đồng chí Trần Thanh Liêm. Ông bồi hồi nhớ lại, lúc đó đồng chí Liêm chỉ nhắn lại một lời: “Sau này chiến thắng, anh ghé thăm động viên ba mẹ em dùm...”.
Trận chiến tấn công vào sân bay Vĩnh Long, quân ta bắn phá thiệt hại 63 máy bay, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Chiến công tiêu diệt sân bay đã góp phần quyết định cho quân dân Vĩnh Long chiếm giữ thị xã suốt 6 ngày đêm, chỉ đứng sau thành phố Huế về thời gian chiếm giữ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên phạm vi toàn miền Nam, mùa xuân 1968. Đối với ông, đó là một chiến công rất vẻ vang nhưng cũng đầy thương tiếc vì đồng chí Liêm cùng với 34 đồng đội đã anh dũng hy sinh, địch vùi mất xác. Ngoài nỗi đau mất đồng đội, ông mang thêm nỗi đau mất con khi được tin người con trai hy sinh tại Trà Vinh.
Sân bay Vĩnh Long cũng là nơi đồng chí Phạm Phi Hùng vào tiếp quản ngày 1/5/1975. Bằng bản lĩnh và tư thế của những người chiến thắng, nhưng ông vẫn dành thái độ tôn trọng đúng mực cho đối phương. Ông đã dùng chính sách “hòa giải hòa hợp dân tộc” để thuyết phục đại tá Thăng - chỉ huy sân bay lúc bấy giờ với cả hàng ngàn quân trong tay phải tuyên bố đầu hàng, kêu gọi binh sĩ buông súng về với lực lượng cách mạng. Quân giải phóng tiếp quản thị xã Vĩnh Long nhưng không hề đổ thêm máu.
Năm 1978, ông được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Long. Cũng trong thời gian này, ông nhận nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia. Năm 1990, ông được phong quân hàm Thiếu tướng và tiếp tục công tác ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cho đến ngày về hưu vào năm 1997.
Nặng tình với quê hương, với vùng căn cứ
Dù bận nhiều việc nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để đi thăm lại những gia đình đã một thời nuôi chứa, chở che cho ông và đồng chí của mình. Địa bàn huyện Bình Tân, trước kia thuộc huyện Bình Minh (Vĩnh Long) là nơi ông và tiểu đoàn 857 đứng chân hoạt động nhiều năm trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Vùng đất này đã để lại trong lòng ông những kỷ niệm khó phai về ân tình sâu đậm của nhân dân.
Thiếu tướng Phạm Phi Hùng về thăm lại ông Huỳnh Minh Nhựt (Hai Nhựt), ở xã Thành Lợi. Gia đình ông Hai Nhựt là một trong số đồng bào theo đạo Hòa Hảo đã hết lòng giúp đỡ cán bộ, bộ đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ông Hai Nhựt trước kia là Trung đội trưởng Trung đội vũ trang Hòa Hảo. Ông từng bị Mỹ Diệm bắt cầm tù và bị tra tấn. Lúc ấy, nhờ sự vận động và tuyên truyền của cán bộ, ông nhận ra chính Mỹ - Diệm là kẻ thù của cả đồng bào lương - giáo. Từ đó, dù gia đình nghèo khó, ông vẫn nuôi chứa cán bộ và tận tuỵ phục vụ công tác cách mạng.
Trong cuộc đời ai cũng có một làng quê, nơi mình sinh ra, nơi gắn bó những ngày tuổi thơ, nơi khơi nguồn cho những ước mơ khao khát của cuộc đời. Làng quê của Thiếu tướng Phạm Phi Hùng là xã Thông Hoà, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Tuy tuổi đã cao, sức khoẻ đã giảm nhiều qua 40 năm chinh chiến với 9 lần bị thương tích trong chiến tranh, hiện ông là thương binh loại 2/4, trong phổi ông vẫn còn 2 mảnh đạn, nhưng ông vẫn thường trở về nơi này thăm viếng mọi người.
Lớn lên trong gia đình nghèo khó, ông lại sớm chịu cảnh cút côi. Mẹ ông mất sớm, cha cũng bỏ các con do hậu quả của những năm tháng bị giam cầm vì tham gia hoạt động cách mạng. Ở làng quê ông, cũng như ở nhiều nơi khác, lúc bấy giờ ruộng đất nằm trong tay số ít địa chủ, bà con nông dân người Kinh cũng như Kh’mer sống rất cực khổ. Các anh chị của ông đều đi làm thuê làm mướn, còn ông cũng phải chăn trâu cày ruộng suốt ngày. Từ đó, ông cùng người em họ quyết tâm theo bộ đội để đánh đuổi địa chủ phong kiến, thực dân Pháp xâm lược nhằm xoá bỏ bất công.
Đối với bà con thân thích ở làng quê, ông chính là niềm tự hào, là điểm tựa tinh thần để họ vươn lên vượt qua nghèo khó. Ông luôn động viên nhắc nhở các thế hệ con cháu những lớp người đang kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, phấn đấu xây dựng quê nhà ngày càng giàu đẹp, để bà con nông dân có cuộc sống ấm no.
Quê ông có đông người đồng bào dân tộc Kh’mer, họ sống chan hoà thân thiết với người Kinh. Họ rất quí mến và ngưỡng mộ ông. Gặp lại họ, ông thân mật chuyện trò với họ bằng chính vốn liếng tiếng Khmer phong phú có được nhờ cùng ăn, cùng ở với đồng bào trong kháng chiến và những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia.
Chính cách sống thân tình, hết lòng tận tụy với nhân dân nên ông luôn giành được thiện cảm, thương mến của mọi người. Phẩm chất bộ đội cụ Hồ được tôi luyện theo những bước đường hành quân của những người lính như ông đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong chiến đấu và xây dựng đất nước.
Nghĩa tình với những người đã khuất
Trải qua hai cuộc kháng chiến, hàng ngàn cán bộ - chiến sĩ đã hy sinh khi đang ở độ tuổi thanh xuân. Giữ lời hứa với đồng đội, sau này ông đã thường xuyên tới lui chăm sóc cha mẹ đồng chí Liêm cho đến khi hai cụ qua đời.
Đối với Thiếu tướng Phạm Phi Hùng và những đồng đội đã đi qua chiến tranh, sự hy sinh của 35 chiến sĩ Đại đội đặc công tỉnh và Đại đội 23, Tiểu đoàn 857 trong trận tấn công tiêu diệt sân bay Vĩnh Long xuân Mậu Thân 1968 là một ký ức không thể nào phai. Với giọng trầm buồn, ông kể: “Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ, nhưng tôi vẫn canh cánh nỗi lòng việc tìm lại di hài của các đồng đội trong kháng chiến. Qua nhiều lần khai quật không thành công, nhưng cuối cùng điều kỳ diệu đã đến, giúp tôi tìm lại di hài của đồng chí Liêm cùng các đồng đội đã hy sinh tại sân bay Vĩnh Long và đưa về an áng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh vào năm 2009. Thực hiện được tâm niệm này thì gia đình các chiến sĩ tử trận mới vơi bớt nỗi đau và bản thân tôi cũng được an ủi phần nào...”.
Ở Thiếu tướng Phạm Phi Hùng, chẳng riêng gì lực lượng vũ trang, mà những người từng quen biết hoặc có thời gian công tác chung đều xem ông là một cán bộ mẫu mực trong công việc lẫn trong cuộc sống. Đối với cán bộ, chiến sĩ, ông luôn gần gũi, hoà đồng và tận tình quan tâm, luôn nhận về phần mình những khó khăn thử thách.
Với bản tính cương trực thẳng thắn, ông luôn đấu tranh chống những biểu hiện sai trái, sẵn sàng bảo vệ đồng chí đồng đội khi bị oan sai. Với nhân dân, ông luôn tận tuỵ hết lòng. Với Đảng, ông một mực trung kiên. Những người cùng thời, cũng như thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngày nay đều xem ông là một tấm gương về công tác dân vận, về tinh thần chiến đấu dũng cảm, về sự mưu trí sáng tạo trong tác chiến và một phong cách rất giản dị chân tình.
Bốn mươi năm gắn bó với lực lượng vũ trang, lúc trực tiếp cầm súng chiến đấu, hay khi ở vai trò của người chỉ huy lãnh đạo, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đồng chí Nguyễn Ký Ức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã nói về ông: “Đảng bảo đi là đi, Đảng bảo đánh là đánh và khi đã đánh thì nhất định thắng lợi. Rất nhiều sự kiện, nhiều trận đánh gây tiếng vang và có ý nghĩa quan trọng trong tỉnh có dấu ấn của đồng chí Tám Chè”.
Đúng như vậy, Thiếu tướng Phạm Phi Hùng đã góp phần cùng lực lượng vũ trang và Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công tác giúp nước bạn Campuchia và trong xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang tỉnh nhà thời kỳ hoà bình.
Với sự phấn đấu kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, hết mình cống hiến cho Tổ quốc, Thiếu tướng Phạm Phi Hùng đã được ghi nhận bằng nhiều huân, huy chương cao quí. Năm 2010, ông vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước trao tặng.
Nguồn: Sưu tầm
Có thể là hình ảnh về 1 người, quân phục và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét