Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

HÀ NỘI CẦN XỬ LÝ NGHIÊM VỚI NHỮNG CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VI PHẠM QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

 <Anton Bình An>

Hà Nội đã trải qua 2 tuần sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 sang thực hiện các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ và cho đến nay tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thủ đô vẫn đang được kiểm soát khi các ca phát hiện ở ngoài cộng đồng cũng đã được nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, truy vết một cách triệt để. Vậy nhưng những thành quả của việc thành phố thực hiện giãn cách xã hội 2 tháng để thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đang có những mối đe dọa khi một bộ phận người dân thủ đô vẫn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là việc tụ tập đông người vẫn xảy ra ở nhiều địa điểm trên địa bàn thủ đô. Và điều đáng lo ngại hơn khi những ngày qua liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, từ ngày 30/9/2021 đến 18 giờ ngày 03/10/2021, tại Hà Nội đã ghi nhận tổng số 26 ca mắc COVID-19 (trong đó có 14/26 bệnh nhân là người sinh sống tại Hà Nội; 12/26 bệnh nhân là người từ tỉnh khác đến điều trị hoặc chăm sóc người bệnh).
Trước vụ việc để lây lan dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Việt Đức, ngày 03/10/2021, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long đã ký ban hành Quyết định số 5171/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Bệnh viện Việt Đức (địa chỉ số 40 phố Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 204/BYT-GPHĐ do Bộ Y tế cấp ngày 05/7/2017 và người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là Giám đốc Bệnh viện Trần Bình Giang).Theo quyết định, trong thời hạn 10 ngày, Bệnh viện Việt Đức phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này với mức phạt 14 triệu đồng.
Được biết, lý do xử lý vi phạm do Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, được quy định tại Khoản 3, Điều 10 Nghị định số 117/ 2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ. Rõ ràng đây là điều không hề mong muốn nhưng việc chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 dù ở bất cứ cá nhân, tổ chức nào, dù trong thời gian ra sao thì hậu quả phải nhận lại là vô cùng nguy hại, đặc biệt là liên quan đến bệnh viện - một trong những nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 hiện nay, đặc biệt là những bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức. Do đó, việc đưa ra quyết định để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Bệnh viện Việt Đức khi đến thời điểm này đã có 26 ca dương tính trong vòng hơn 3 ngày qua là điều hoàn toàn hợp lý và là bài học cho những cá nhân, tổ chức trong tiến hành các biện pháp, công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với đó, để giữ được thành quả trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, trước thực tiễn nhiều cá nhân, tổ chức bắt đầu xuất hiện tâm lý, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi vi phạm quy tắc 5K hay thậm chí một số còn chủ quan cho rằng người dân thủ đô đã tiêm đủ vaccine nên không thực hiện theo các quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trước sự nguy hiểm của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, ảnh hưởng đến tính mạng của những người nghi mắc thì việc chủ quan, lơ là sẽ là mối đe dọa vô cùng nguy hiểm đến thành quả của cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên địa bàn thủ đô, đó là chưa kể đến nhiều người dân thủ đô mới được tiêm vaccine nên cũng chưa đủ thời gian tạo miễn dịch và thậm chí còn chưa kể đến hiện nay những người dưới 18 tuổi cũng chưa được tiêm vaccine.
Hiện nay, thủ đô Hà Nội đã tiêm vaccine được khoảng 95% người dân trên 18 tuổi và thời gian tới thủ đô cần tiếp tục nhanh chóng rà soát để tiêm bổ sung cho những người chưa được tiêm mũi 1, đồng thời tiêm mũi 2 đối với những người đã đến thời hạn tiêm ngay sau khi được cấp, phân bổ đủ vaccine. Bởi lẽ, khi xác định chuyển từ chiến lược “Zero COVID-19” sang “Sống chung an toàn với COVID-19” thì điều quan trọng nhất bên cạnh ý thức của người dân thì việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là vũ khí quan trọng nhất để giúp chúng ta sống an toàn với dịch COVID-19 khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Do đó, nếu cá nhân, tổ chức nào có những hành vi cản trở, thậm chí xuyên tạc về ý nghĩa của chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng cần được xử lý nghiêm minh, đặc biệt là trước thực tiễn những ngày qua một số cá nhân lợi dụng không gian mạng để đăng tải các thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cả hệ thống chính trị cơ sở từ thành phố cho đến các xã, phường, thị trấn, các tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm và cả hàng triệu người dân thủ đô đã phải nỗ lực cố gắng trong cuộc chiến với dịch COVID-19 trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi đợt dịch bùng phát thứ 4 với 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì hơn lúc nào hết, mỗi người dân thủ đô cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới để bảo vệ những thành quả đã đạt được và để cuộc sống người dân thủ đô sẽ sớm được trở lại được bình thường!
Có thể là hình ảnh về ngoài trời và văn bản cho biết 'PHẠT BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC 14 TRIỆU ĐỔNG vì ĐỂ LÂY LAN DỊCH BỆNH'

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét