Mặc dù trong phần viết về Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi nhận một số tiến triển, nhưng về bản chất chính trị, tư tưởng, phúc trình năm 2017 vẫn không thay đổi. Hoa Kỳ vẫn bám giữ những quan điểm cổ hủ, lỗi thời từ thời kỳ "Chiến tranh lạnh"-kỳ thị với chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền nói chung và tình hình tôn giáo nói riêng ở Việt Nam.
Những thông tin các vụ việc về tình hình tôn giáo mà Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017 đưa ra hoàn toàn sai sự thật. Chẳng hạn phúc trình viết: “Hiến pháp Việt Nam quy định quyền tự do tín ngưỡng … Thế nhưng luật hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại cho Nhà nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo… Các tín đồ tôn giáo, đặc biệt là thành viên của các tổ chức chưa làm thủ tục đăng ký hoặc chưa được cấp đăng ký, tiếp tục bị các cán bộ an ninh địa phương quấy rối, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại, tịch thu tài sản hoặc gây sức ép buộc bỏ đạo và chấm dứt hoạt động tôn giáo…”. Những thông tin và đánh giá như trên, nếu không phải là sao chép các phúc trình những năm trước thì cũng là sự cóp nhặt những tin tức từ mạng xã hội với mưu đồ chống phá Việt Nam. Vậy quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam như thế nào?
Các nhà thờ là địa điểm thu hút nhiều người dân đến tham quan. Ảnh: cand
Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam luôn tương thích với luật quốc tế về quyền con người
Quan điểm tư tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập (năm 1930) cho đến nay về tín ngưỡng, tôn giáo là nhất quán. Sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng. Các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980, đến Hiến pháp 1992 (được sửa đổi vào năm 2001), 2013 đều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Điều 24 (Hiến pháp 2013) quy định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Thể chế hóa Hiến pháp 2013, năm 2016, Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo. So với các quy định của pháp luật trước đây, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có nhiều điểm mới, bảo đảm tốt hơn quyền của công dân và của mọi người trên lĩnh vực tôn giáo. Chẳng hạn: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng thành “quyền của mọi người” chứ không riêng của công dân Việt Nam. Nói một cách cụ thể, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam bảo hộ. Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 còn bảo đảm quyền tín ngưỡng, tôn giáo đối với cả những người đã bị tước đi một phần quyền công dân-“Người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.
Cũng như pháp luật về quyền con người, người hưởng thụ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở tất cả quốc gia, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 quy định người hưởng thụ quyền có nghĩa vụ nhất định. Điều 5 (Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016) quy định: “Các hành vi bị nghiêm cấm: (1). Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; (2). Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; (3). Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; (4). Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. (5). Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”. Những quy định này hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966 quy định: “(1). Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. … Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện pháp luật Việt Nam về tôn giáo “với những điều khoản mơ hồ lại cho Nhà nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc”... như Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017 của Hoa Kỳ viết.
Kiểm soát tôn giáo là thuộc “Quyền dân tộc tự quyết”
Việc nhà nước có hay không kiểm soát các tổ chức tôn giáo là thuộc “Quyền dân tộc tự quyết”. Tuy nhiên, nếu một quốc gia nào đó (được cho là) không kiểm soát tín ngưỡng, tôn giáo thì xã hội thường phải trả giá đắt. Chẳng hạn, cảnh sát Hoa Kỳ (8-4-2008) đã giải cứu hơn 400 trẻ em thuộc giáo phái đa thê ở bang Texas, Mỹ. Giáo phái này do Warren Jeffs cầm đầu. Y có đến 70 vợ. Trong đời sống của các gia đình giáo phái đa thê trẻ em là những nạn nhân đầu tiên. Trong nhiều gia đình giáo phái đa thê, có không ít trẻ em trai, trẻ em gái bị lạm dụng tình dục, có không ít bé gái đã trở thành “bà mẹ” ở tuổi "teen” và không biết cha của chúng là ai... Hay ở Nhật Bản, tháng 3-1995, giáo phái Aum đã xả chất độc thần kinh sarin tấn công đường tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo, gây ra thảm kịch lớn. Phải chăng, đây là “quyền tự do tôn giáo” phải bảo vệ, phải bảo đảm mà Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017 Hoa Kỳ vừa công bố? Việc Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đăng ký mới có quyền hoạt động và mới được Nhà nước bảo hộ (mà phúc trình phản đối) đơn giản chỉ nhằm bảo vệ quyền của các tôn giáo và bảo vệ trật tự an toàn xã hội là đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với “Quyền dân tộc tự quyết”.
Ngay sau khi phúc trình thường niên nói trên công bố, nhiều quốc gia bày tỏ thái độ bất bình về việc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Không ít quốc gia cho rằng: Thay vì tán phát “những tài liệu vô căn cứ”, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, Hoa Kỳ hãy “lo chuyện nội bộ của mình đi”. Chẳng hạn như tình trạng kỳ thị với người da màu, hay những vụ thảm sát mà dường như chẳng có tháng nào không xảy ra ở Hoa Kỳ, thậm chí thảm sát còn diễn ra ngay ở trường học, trong nhà hát...
Đừng "té nước theo mưa"
Lợi dụng Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017 của Hoa Kỳ, nhiều trang mạng xấu đã tán phát thông tin thất thiệt, ác ý cho rằng: Cộng sản là những kẻ “vô thần” nên không có gì khó hiểu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hạn chế, gây khó dễ nhằm xóa bỏ tôn giáo. Sự thật như thế nào?
Văn kiện Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người. Thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo mà còn bảo đảm đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân một cách thỏa đáng.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 25 triệu người có đạo, chiếm 27% dân số; có gần 83.000 chức sắc; hơn 27.000 cơ sở thờ tự. Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam còn khuyến khích các tôn giáo đóng góp vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, nhất là trên lĩnh vực giáo dục và an sinh xã hội. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các tổ chức tôn giáo đã thành lập được 269 trường mầm non với 6.620 phòng học, tương đương với 1,9% tổng số cơ sở giáo dục cả nước. Về bảo trợ xã hội, ở Việt Nam hiện có gần 800 cơ sở do các tôn giáo tổ chức… Các tổ chức này đang nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS…
Việc một số cá nhân, nhóm tôn giáo bị các cơ quan chức năng xử lý hình sự, trấn áp là điều cần thiết và đúng luật, vì họ đã vi phạm pháp luật chứ không phải vì lý do tôn giáo. Sự trừng phạt này là nhằm bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác, vì lợi ích chung của xã hội.
Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền, tôn giáo thế giới do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biên soạn ra đời từ thời kỳ Chiến tranh lạnh (1945-1991). Còn nhớ Tổng thống J.Carter (nhiệm kỳ 1977-1981) là người khởi xướng việc biên soạn và công bố “phúc trình”. Theo ông, đây là việc làm cần thiết để bảo vệ các “giá trị Mỹ”, ông đã kiến nghị nghị viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật về việc hằng năm Hoa Kỳ công bố hai phúc trình trên. Kiến nghị của ông đã được nghị viện thông qua và giao cho Bộ Ngoại giao biên soạn. Còn nhớ trong thời gian này, thế giới chia thành hai hệ thống xã hội: Xã hội XHCN và tư bản chủ nghĩa. Hai hệ thống xã hội không chỉ khác biệt về hệ tư tưởng mà còn đối đầu với nhau về chính trị. Trong thời kỳ "Chiến tranh lạnh", Hoa Kỳ đã đồng thời dùng chiến tranh xâm lược nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam (thời kỳ 1954-1975) và thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng phương pháp “thẩm thấu giá trị Mỹ” vào các chế độ, nhà nước xã hội XHCN, nói cách khác là chiến lược can thiệp, lật đổ, chuyển hóa các nước này sang mô hình chính trị đa nguyên.
Tình hình ngày nay đã khác, các quốc gia với hệ tư tưởng, thể chế chính trị xã hội khác nhau, không còn đối lập, đối đầu nhau nữa. Hoa Kỳ và Việt Nam ngày nay trở thành đối tác toàn diện. Văn kiện Đối tác toàn diện được nguyên thủ hai quốc gia ký kết năm 2013 ghi nhận nguyên tắc các bên tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và thể chế chính trị của nhau... Vì thế, Hoa Kỳ không nên dùng "phúc trình" để can thiệp vào công việc của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có "kênh" đối thoại về nhân quyền… những khác biệt, khoảng cách nào đó do quan niệm về giá trị khác nhau thì hai bên có thể học hỏi lẫn nhau, rút ngắn khoảng cách thông qua đối thoại. Đây là phương thức tốt nhất, văn minh nhất, thay vì áp đặt quan điểm của mình cho một quốc gia, dân tộc khác.
Thiết nghĩ những người soạn thảo và thông qua Phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2017 hãy từ bỏ tư duy chính trị cổ hủ, lạc hậu của thời kỳ Chiến tranh lạnh, không nên dùng cái gọi là “phúc trình thường niên” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, điều này đi ngược lại lợi ích và làm tổn thương đến quan hệ giữa hai nước./.
VỌNG ĐỨC/QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét