Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trao quà cho gia đình chính sách tại Tuyên Quang.
Chăm lo cho dân luôn là sự nghiệp cách mạng lớn lao của Đảng ta, trong bất cứ điều kiện nào cũng phải vì dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Người nhấn mạnh: “Một ngày mà… đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Do vậy, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, quan tâm từ việc lớn đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”- Người nêu rõ. Vì vậy, cán bộ, Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được.
Sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa nước ta thoát khỏi nhóm các nước nghèo để bước vào nhóm các nước phát triển trung bình. Cả hệ thống chính trị vào cuộc chăm lo phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân, đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tích cực cải thiện, nâng cao đời sống cho nông dân. Sự phát triển của đất nước trong những năm qua vừa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa góp phần quan trọng vào việc nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh cho đất nước để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đáng chú ý là, sự tiến bộ không ngừng trong việc chăm lo nâng cao đời sống nhân dân không chỉ biểu hiện ở những con số thống kê hằng năm, mà còn biểu hiện ở ý thức chính trị của các cấp, ngành và của chính người dân.
Dịp Tết Nguyên đán đã đến cận kề. Nhiều người dân trên khắp vùng miền của đất nước đang cố gắng thi đua lao động sản xuất, mong chờ có một cái Tết ấm cúng đủ đầy. Tuy nhiên, do những điều kiện hoàn cảnh khác nhau, không ít người còn gặp khó khăn trong cuộc sống, chưa biết sẽ phải lo toan xoay sở thế nào, thì việc chăm lo tết cho nhân dân là việc làm kịp thời, đầy nhân văn.
Các cơ quan nhà nước tập trung giải quyết việc tồn đọng trước Tết, không để người dân, doanh nghiệp chờ đợi; không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cán bộ cần kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết; đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu trong dịp Tết; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá.
Các ngành chức năng cần tăng cường giám sát việc chi trả lương, thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động; chăm lo cho học sinh, sinh viên không có điều kiện về quê ăn Tết. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra thị trường, đẩy mạnh công tác chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, kiểm tra vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Chăm lo Tết cho nhân dân là nỗi niềm chung, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi người, làm cho mọi người, mọi nhà đều có Tết./.
Nguyễn Minh