Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Thiếu trung thực, mầm mống của sự thoái hóa

Thiếu trung thực, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) không chỉ làm mất đi vẻ đẹp nhân nghĩa, trong sáng của mình mà còn vô hình trung hạ thấp tư cách bản thân trong quan hệ ứng xử với nhân dân, với đồng chí, đồng đội, với tổ chức, cơ quan, đơn vị. Không chỉ vậy, thiếu trung thực còn là mầm mống nuôi dưỡng sự thoái hóa nhân cách cán bộ, đảng viên.

 
Một trong những lý do làm cán bộ, đảng viên sa ngã
Đối với những người đảng viên cộng sản, đức tính trung thực là tiêu chí hàng đầu để đánh giá, kiểm nghiệm tư cách đạo đức và phẩm chất chính trị. Sức mạnh, uy tín, danh dự của Đảng Cộng sản trước hết thể hiện ở lòng trung thành, tinh thần trung kiên, đức tính trung thực của đội ngũ đảng viên. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, một điều dễ nhận thấy là hầu hết CB, ĐV không những thể hiện phẩm chất trung thành với Đảng, ý chí trung kiên với cách mạng mà luôn có ý thức trung thực với tổ chức, với nhân dân và với bản thân mình. Vì vậy, nói đến đảng viên là nói đến đức hy sinh, lòng trung thành, tính trung thực và đảng viên trở thành một hình mẫu, một biểu tượng nhân cách cao đẹp trong lòng nhân dân.
Tuy nhiên, những năm qua, trước sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, cùng với sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân, một bộ phận không nhỏ CB, ĐV đang tự bào mòn nhân cách vì không giữ gìn, thể hiện được đức tính trung thực trong cuộc sống, sinh hoạt và công tác. Sự thiếu trung thực biểu hiện dưới muôn hình vạn trạng. Nào là khai man lý lịch, bằng cấp, trình độ học vấn; kê khai tài sản không đúng với số lượng hiện có; nào là “dối trên, lừa dưới” bằng việc khai vống kết quả, tô hồng thành tích, giấu nhẹm khuyết điểm của tổ chức và cá nhân. Trên đăng đàn, trong hội nghị, trước tập thể, lúc đương chức thì nói một đằng nhưng khi ra ngoài, lúc “trà dư tửu hậu” hay khi về hưu thì lại nói kiểu khác. Trong sinh hoạt, ứng xử, bên ngoài thì tỏ vẻ cởi mở, chan hòa, “anh anh chú chú”, nhưng bên trong thì “bằng mặt mà không bằng lòng”, ngấm ngầm giữ miếng, nghi kỵ, thậm chí tìm cách hãm hại lẫn nhau. Tinh vi hơn, sự thiếu trung thực của một số người còn thể hiện ở “vỏ bọc” hào hoa, phong nhã nhưng thâm tâm lại chứa đựng bao điều nhỏ nhen, vị kỷ. Biểu hiện nổi cộm nhất của sự thiếu trung thực là ở thái độ tiền hậu bất nhất, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, hứa nhiều làm chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí nói nói đúng, làm sai, chỉ đạo và yêu cầu cấp dưới phải “làm thế này”, nhưng bản thân làm ngược lại chính những điều mình đã nói.
Thời gian qua, những hành vi tham ô, hối lộ, lãng phí, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm của hầu hết các CB, ĐV vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự, đều có nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp do thiếu trung thực. Nếu sống trung thực với mình, với tổ chức, với Đảng, với nhân dân, có lẽ nhiều cán bộ cấp cao không phải mất quyền, mất chức, mất uy tín, mất danh dự; thậm chí sa vào vòng lao lý để rồi mất cả quyền công dân như trường hợp các ông Đinh La Thăng, Trần Văn Minh, Phan Văn Vĩnh, Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Thanh Hóa… Cũng chỉ vì thiếu trung thực mà một số cán bộ lãnh đạo dối gian với cả cấp ủy, tổ chức để “đánh bóng” lý lịch, trình độ học vấn con em mình rồi bổ nhiệm “thần tốc” người thân vào những chức vụ dễ “sinh lợi, kiếm lộc” khiến tổ chức, cơ quan, địa phương cũng bị “mang tiếng” lây.
Đáng nói hơn, thời gian qua, sự thiếu trung thực không dừng lại ở một vài cá nhân, mà lan sang cả tập thể. Vì nếu đề cao, coi trọng và thể hiện thái độ thẳng thắn, trung thực trong việc tự phê bình và phê bình, có lẽ một số tập thể thường vụ cấp ủy ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… không đến mức phải bị xử lý kỷ luật kéo theo hàng loạt cán bộ cấp tỉnh cùng phải chịu liên đới trách nhiệm!
Cần thường xuyên rèn luyện, đề cao tính trung thực ở mọi lúc, mọi nơi
Trung thực trái với gian dối, man trá. Trung thực cũng có nghĩa là trái với sự thiếu thành tâm, thiếu công tâm với đồng chí, đồng đội, với tổ chức, tập thể. Thế nên, một nhân cách đàng hoàng không thể không lấy đức tính trung thực làm đầu. Một CB, ĐV chân chính không thể không coi trọng, đề cao lòng chính trực, chân thật của bản thân trong đối nhân xử thế. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng đã xác định, trung thực là một trong những đức tính cao đẹp của người Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng cũng chỉ rõ: Trung thực cùng với các đặc tính: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù, sáng tạo là những giá trị cơ bản làm nên nhân cách chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Một trong những nhiệm vụ cơ bản của đảng viên đã được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là: Đảng viên phải trung thực với Đảng. Như vậy, đức tính trung thực của đảng viên lúc này không chỉ là một yêu cầu về phẩm chất đạo đức cần có như một người công dân bình thường mà đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của người cộng sản đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, bởi đảng viên là đại diện tiêu biểu về trí tuệ, lương tâm và danh dự của giai cấp và dân tộc.
Trung thực là một trong những đức tính đáng quý nhất của con người. Người có đức tính trung thực trước hết phải trung thực với chính mình, không tự dối bản thân và càng không thể dối với đồng chí, đồng đội, với tập thể. Trung thực là sống có trước, có sau, có tình, có nghĩa, thấy điều lợi thì làm, thấy điều hại thì tránh. Sống trung thực phải biết phân biệt đúng-sai, nhận rõ phải-trái, phân minh thiện-ác và hiểu được đâu là niềm tin chân chính, đâu là trò huyễn hoặc dối trá, bịp bợm để phòng ngừa, tránh xa.
Để giữ gìn được phẩm giá trung thực, mỗi CB, ĐV phải luôn nghĩ, nói và làm những điều hay lẽ phải, hợp lòng người, tuân theo đạo lý và chuẩn mực tốt đẹp của cộng đồng và những quy ước của xã hội. Đảng viên trung thực khi thấy cái tốt, cái đúng, cái đẹp thì giữ gìn, bảo vệ và cổ vũ, khích lệ để phát huy; thấy cái sai, cái xấu, cái ác thì phê phán, đấu tranh để ngăn ngừa, hạn chế. Luôn sống thư thái, ung dung, đàng hoàng, phong cách trung thực của cán bộ, đảng viên hoàn toàn trái với kiểu sống ra luồn vào cúi hay nịnh nọt, ton hót người khác để cầu mong hưởng lợi lộc, công danh phú quý cho bản thân.
Trong ba yếu tố “chân- thiện- mỹ” thì cái thật, cái đúng của con người luôn được đặt ở nấc thang giá trị hàng đầu. Vì cái chân, cái thật luôn là tiền đề, cơ sở để xây dựng cái tốt, cái đẹp. Mặt khác, bản chất cái tốt, cái đẹp luôn hàm chứa trong nó cái chân thật xác đáng. Lòng tự trọng, tự tôn của mỗi đảng viên chân chính đều có xuất phát điểm từ đức tính trung thực. Xã hội nào cũng vậy, khi đức tính trung thực được coi trọng và đề cao thì đó là nhân tố góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội và trở thành nền tảng của một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nâng cao đức tính trung thực của cán bộ, đảng viên sẽ góp phần hạn chế lòng tham lam, tính ích kỷ và sự bon chen, cạnh tranh gay gắt về lợi nhuận, đồng thời góp phần điều tiết lợi ích cho các thành viên trong xã hội bảo đảm hài hòa, nhân đạo hơn.
Thiện Văn/QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét