Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

ANH HÙNG SẼ LUÔN TỒN TẠI NẾU NHƯ VẪN CÒN SỐNG TRONG TRÁI TIM CỦA MỖI NGƯỜI.

 Có lẽ ít người trong chúng ta được biết về những ngôi mộ gió, hay còn gọi là mộ chiêu hồn, đó là những ngôi mộ không chôn cất những thi thể, không có hài cốt, thường được gia đình, đơn vị, nhân dân lập ra dành cho những anh hùng, nghĩa sĩ hy sinh vì Tổ Quốc, có công lao với quê hương mà không tìm được thi thể để an táng vì nhiều lý do. Những ngôi mộ gió này thường xuất hiện tại các vùng biển đảo của chúng ta, tiêu biểu như là ở Lý Sơn, Trường Sa, Đà Nẵng…

Bác Lê Văn Xuân, bố của liệt sĩ Lê Văn Xanh, đúng vào ngày 14/03/1988, ngày diễn ra Hải chiến Trường Sa mơ thấy người con về báo mộng với thân thể không lành lặn, anh nói rằng bị lính Trung Quốc bắn khi đang cắm cờ trên đảo Gạc Ma. Bác hoảng hốt về nhà và đúng ngày hôm sau, loa phóng thanh đọc những cái tên đã hy sinh và liệt sĩ Lê Văn Xanh có tên trong danh sách 74 cái tên mất tích, hy sinh vì bảo vệ Tổ Quốc. Năm 2008, tàu của thợ lặn Lý Sơn tìm thấy nhiều hài cốt, di vật của những những chiến sĩ tàu HQ 604 vốn bị Trung Quốc bắn chìm vào năm 1988. Bác Trần Quốc Tuấn, anh trai của liệt sĩ Trần Quốc Trị rơi nước mắt khi nhận kết quả xét nghiệm ADN xác nhận đây đúng là người anh trai đã nằm lại 20 năm dưới biển cả.
Hai mươi năm cho nỗi nhớ, sự chờ mong và ngày tái hợp. Hai mươi năm cho một sự gặp lại nghịch lý, khi ra đi còn nguyên vẹn, khi về thì còn một phần thi thể.
Không may mắn như bác Trần Quốc Tuấn, bác Hoàng Sĩ, cha của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông thất thần khi nhận kết quả ADN chứng minh con trai bác vẫn chưa được tìm thấy. Bác Hoàng Sĩ ra đi vào đúng ngày Giỗ của anh Đông. Người dân làng thường nói đó là một ngày đặc biệt, là ngày mà anh Đông đợi cha trên thiên đường.
Liệt sĩ Lê Tự Trịnh hy sinh năm 1970. Sau khi liệt sĩ hy sinh, lính Ngụy có đến tận nhà anh, nói với cha anh rằng: “Con ông là Việt cộng đầu sỏ. Trước khi chết còn hô “Đả đảo đế quốc Mỹ. Con ông đã bị quốc gia giết rồi!”. Cha liệt sĩ Lê Tự Trịnh nói rằng tên lính Ngụy nhầm rồi, anh Trịnh đang học ở Sài Gòn. Sau đó, đợi tên lính Ngụy ra đi, cha anh dắt bò sang làng bên nghe ngóng tin tức và nhận tin anh Trịnh hy sinh do bom mìn, thân thể không còn nguyên vẹn, không còn tay chân. Người cha liền nắm một nắm đất sét và nói với người thân rằng: “Nắn tay, chân cho cậu con. Cậu con chết thật rồi. Chúng liệng lựu đạn xuống hầm, cậu con mất hết tay, chân!”. Sau đó, người cha của liệt sĩ Lê Tự Trịnh tự tay gắn những cái tay, chân bằng đất sét vào người con trai và khâm niệm ngay trong đêm một cách lặng lẽ tại một ngôi mộ gió.
Nói về những câu chuyện thời chiến tranh, có dành nhiều ngày tháng ghi lại cũng không hết.
Mộ Gió, cũng là tên của một bộ phim điện ảnh được sản xuất và công chiếu cùng vào năm 2014 của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - đạo diễn bộ phim Ma Làng, bộ phim ra mắt khán giả đúng thời điểm Việt Nam và Trung Quốc có những mâu thuẫn lớn xung quanh câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981. Trong phim, nhân vật Phan Tiến, vừa chiến đấu với “tàu lạ”, vừa điện báo lực lượng Cảnh sát biển đến ứng cứu, sau đó Phan Tiến đã bị mất tích và gia đình anh vì không ngóng chờ được đã đắp cho anh một ngôi mộ gió. Sau đó Phan Tiến đã trở về khi ngôi mộ đã nghi ngút hương.
Nhưng, người ta thường nói về việc đời thực không như phim. Và rất nhiều người anh hùng của chúng ta không thể trở về, những ngôi mộ gió ấy dường như là một điểm kết nối giữa người sống và người khuất. Không như những ngôi mộ gió mà ngư dân ta vẫn hay quen gọi, là những nấm cát được gió cuốn dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác. Những ngôi mộ gió do những người còn sống chủ động đắp, được tôn tạo và gìn giữ trong nhiều năm tháng qua, là một nỗi niềm biết ơn vô tận bền vững đến những con người đã khuất.
Và đôi khi, đó là một sự mong ngóng vào một sự trở về thần kỳ vào đó, dẫu biết rằng sự thần kỳ đó có thể không bao giờ diễn ra.

Tư liệu được trích dẫn từ Thanh Niên, Vnexpress, Lao Động.
Có thể là hình ảnh về 1 người và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét