Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

BỘ ĐỘI NHƯ CON EM NHÀ MÌNH

 “Bộ đội đến rồi!”-không có lễ thức, không có cuộc tụ tập nào đón chào nhưng trong các cánh cửa đóng kín, trong lòng cán bộ và nhân dân các vùng tâm dịch của TP Hồ Chí Minh đã âm vang tiếng reo mừng ấy.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cực mạnh vượt quá khả năng phòng, chống của hệ thống y tế và làm cuộc sống của người dân đảo lộn chưa từng có, sự có mặt của các đơn vị quân đội, công an là sự tiếp sức cần thiết cho thành phố, đặc biệt là các “vùng đỏ”, “vùng da cam”.
Do đã có tiền trạm nắm tình hình trước, ngay ngày đầu, giờ đầu, các tổ, nhóm, cán bộ, chiến sĩ đến ngay những hẻm phố, nhà dân. Các bác sĩ, học viên quân y trực tiếp khám sàng lọc và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm đúng quy cách. Nhiều anh em còn phải chăm sóc F0 tại nhà. Các cán bộ, chiến sĩ bộ binh phối hợp với công an, cán bộ phường, tổ dân phố cùng những lực lượng tại chỗ vừa tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giãn cách xã hội, vừa tham gia bảo đảm các chốt khoanh vùng giữ đúng quy định và tuần tra giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ quân đội còn trực tiếp tham gia các tổ đi chợ, chuyển lương thực, thực phẩm đến từng gia đình...
Không có cảnh “tiếng hát câu cười rộn ràng trong xóm nhỏ” như thời “Bộ đội về làng” những năm tháng kháng chiến nhưng “các anh về mái ấm nhà vui” ở chừng mực nhất định đã hiển hiện trong mỗi phố, hẻm. Những lời cảm ơn, những lời thăm hỏi vội vã làm ấm lòng người lính. Song tiếc thay vẫn có những người không hiểu, không cảm thông cho những việc làm tình nghĩa của bộ đội. Những tiếng nói hoài nghi mơ hồ hay phàn nàn, chê bai đây đó thốt ra về những người lính “kỳ cục”, “quê mùa xa lạ”, “khô khan”, “không biết đường ăn nói”... Lại nữa, “họ đâu có biết đi chợ mà nhờ, đến mấy thứ rau ngò gai, ngò ri hay trái thơm là gì cũng không biết”. Tất nhiên, những lời nặng tai đó đã được bà con gạt đi, xoa dịu: “Thì lính trẻ cũng như con em mình vậy, đâu biết ăn nói khéo léo, đâu giỏi đi chợ mua đồ”.
Vâng, nhiều người lính trẻ từ những làng quê xa tận miền Bắc, miền Trung đâu dễ biết ngay những thói quen sinh hoạt của người thành phố, những từ ngữ địa phương. Suy cho cùng đó chỉ là chút khác biệt nhỏ giữa cuộc sống quân ngũ, văn hóa vùng miền. Người viết bài này từng sống ở TP Hồ Chí Minh nhiều năm nhưng mỗi lần đi chợ mua đồ về tự nấu món canh chua cá lóc cũng phải nhẩm đếm, thậm chí viết ra giấy đủ các thứ gia vị: Trái thơm (miền Tây Nam Bộ gọi là trái khóm), ngò ri, ngò gai, ngò o, me chua, cà chua, rau giá, đậu bắp, hành, ớt... Thế mà giữa dịch bệnh phức tạp này, có người còn viết đơn hàng cần mua dài cả trang giấy gồm đến mấy chục thứ (?).
Những ngày dịch giã, những yêu cầu, đòi hỏi cao như ngày thường là không thể đáp ứng. Ráng chịu nhịn, ráng khắc phục, ai ở đâu ở yên đó mới góp phần khống chế, vượt qua. Để bộ đội hoàn thành nhiệm vụ công tác giúp dân không thể thiếu sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của mọi người dân. Thực tế, người lính đã dũng cảm đối mặt với những hiểm nguy do lây nhiễm virus, đã tận tâm làm tròn nhiệm vụ dù còn nhiều bỡ ngỡ và có thể lỡ làng, sơ sót. Về giúp dân mà ý nghĩa được gần dân, được sống cùng dân vì hoàn cảnh dịch bệnh đã không còn đủ đầy như bình thường. Đến hỏi han, trò chuyện cũng phải giữ khoảng cách và hạn chế tối đa thời gian. Đó cũng chính là khó khăn, thiệt thòi mà anh em phải vượt qua như lời Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị đã xác định trước: “Ở trong này một giờ khó và khổ hơn ở chỗ khác nhiều giờ”.
Có sự sát cánh của nhiều lực lượng, có sự đồng cảm hậu thuẫn của nhân dân với tấm lòng nhân hậu “anh em như con cháu nhà mình” thì những lời châm chích khó nghe không thể làm nản lòng những chiến binh chống dịch.
ANH NGUYỄN - Báo QĐND
Lực lượng nuôi quân chuẩn bị bữa cơm cho công dân cách ly tại Trung đoàn 739 . Ảnh: qdnd.vn
Có thể là hình ảnh về 3 người và mọi người đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét