Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ - NHẬP KHẨU VẮCXIN NHANH NHẤT, NHIỀU NHẤT, SỚM NHẤT CÓ THỂ -

 Dân trí Trong bối cảnh nguồn cung vắc xin trên toàn cầu đang rất khan hiếm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc lại rằng "phải tiếp cận, mua vắc xin một cách bình đẳng, nhanh nhất, nhiều nhất có thể".

Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chiến lược vắc xin
Tại hội nghị, Thủ tướng tái khẳng định mục tiêu cao nhất là không để khủng hoảng y tế, lấy sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể.
Đối với chiến lược vắc xin, Thủ tướng nhắc tới nội hàm chính: "Trước hết, nhập khẩu vắc xin nhiều nhất, sớm nhất có thể. Trong bối cảnh khan hiếm vắc xin trên toàn cầu, chúng ta đã nỗ lực tiếp cận vắc xin bằng mọi kênh khác nhau, trong đó có đẩy mạnh ngoại giao vắc xin".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, theo đề nghị của doanh nghiệp, có những đêm ông viết hàng chục lá thư giới thiệu, nhưng đến nay các doanh nghiệp và địa phương dù rất tích cực vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn cung, lý do là các nhà cung cấp chỉ làm việc với Nhà nước.
Cùng với đó, Thủ tướng nêu rõ việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước. "Công tác này hiện đã đạt một số kết quả bước đầu nhưng do đây là việc liên quan tới sức khỏe và người dân cho nên không thể nóng vội về mặt chuyên môn và khoa học, dù cần cắt giảm tối đa về mặt thủ tục và hành chính" - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định chiến dịch tiêm chủng vắc xin miễn phí cho người dân, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Phòng chống Covid-19 là nhiệm vụ phải tập trung trong thời điểm hiện nay, phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược vắc xin.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin trên toàn cầu rất khan hiếm từ nay đến tháng 9, phải tiếp cận, mua vắc xin một cách bình đẳng, nhanh nhất, nhiều nhất có thể, đồng thời tổ chức điều phối phù hợp với tình hình; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; tổ chức tiêm vắc xin hiệu quả, kịp thời.
Đối với việc xây dựng, đóng góp cho quỹ vắc xin, Thủ tướng đánh giá rất cao và cảm ơn các doanh nghiệp trên toàn quốc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng chung tay, góp sức, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.
"Ngay sau khi quỹ vắc xin được thành lập, đến nay số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của quỹ để mua vắc xin và sẽ công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ vắc xin trên các phương tiện thông tin đại chúng" - Thủ tướng nói và cho biết hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vắc xin, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vắc xin cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp; điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, hết sức linh hoạt, không phụ thuộc địa giới hành chính hay thời gian.
Kiên trì "mục tiêu kép"
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7 vừa qua, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64%.
Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Với tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Về các biện pháp tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trong đó tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2. Với cả 2 kịch bản này, Thủ tướng nhấn mạnh đều phải cố gắng rất nhiều với các giải pháp khả thi, hiệu quả mới có thể đạt được.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo phải kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" nhưng không máy móc, cứng nhắc, căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ở từng thời điểm khác nhau để lựa chọn mục tiêu ưu tiên.
Theo Châu Như Quỳnh (Báo Dân trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét