Hôm vừa rồi tôi viết mấy tút về chuyện bộ đội tham gia chống dịch, có những người nhảy vào bình luận kiểu “ăn lương nhà nước, ăn thuế của dân thì phải làm chứ gì mà kêu”… Tôi không kêu gì cả, chỉ muốn kể chuyện này.
Mới hôm kia, anh bạn tôi là một thượng tá biên phòng công tác ở vùng cao biên giới nhắn tin nhờ xem có chỗ nào cho con đi học nghề sửa chữa ô tô. Hai vợ chồng anh mới chia tay năm ngoái, cậu con trai gần 20 tuổi, lông bông, nghịch phá, học hành chẳng đâu và đâu. Gần 30 năm bộ đội thì hơn 20 năm anh xa nhà, gửi mình lên biên viễn. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau hầu như chẳng bao giờ anh kể chuyện về gia đình. Có bận cữ rượu đêm say lắm, tôi gặng hỏi mãi anh mới kể vài lời. Nói mà như khóc, anh đi xa nhà, không ai dạy cháu, nên con hư chú ạ… Bây giờ 50 tuổi đầu, anh lại một thân một mình xách ba lô xin vào ở nhờ khu nhà tập thể lụp xụp sắp đổ của Bệnh xá đơn vị. Niềm vui hàng ngày của anh là cái chuồng gà và mấy bông hoa dại trong vườn.
Tháng trước, tôi có anh bạn là quân y Nhà giàn DK1 đi tranh thủ, anh hẹn tôi về Hải Dương uống chén rượu mà dịch dã không đi được. Anh ấy có 30 năm quân ngũ thì gần như chừng đó thời gian “bán mặt cho sóng, bán lưng cho giời” ở giữa mênh mông đại dương của thềm lục địa phía Nam. Cưới được 2 tuần thì anh lên đường, người vợ ở nhà hơn 20 năm mòn mỏi sinh 2 con anh đều không có mặt, chăm sóc mẹ già, nuôi con khôn lớn… 3 năm trời cậu con trai thứ 2 bị xuất huyết não nằm liệt, anh cũng chỉ về được đôi tháng là hết phép lại đi. Mọi “dâu bể cuộc đời” ở nhà chất chồng lên đôi vai người vợ. Anh bảo tôi, thôi cũng sắp hưu rồi, vài năm nữa là anh được về với gia đình chú ạ… Vợ anh thì nói với tôi, cũng có lúc chị tuyệt vọng lắm chú G ạ, nhưng chị lại nghĩ đến lý do vì sao mình chọn lấy anh ấy, để rồi cố gắng vượt qua tất cả.
Tôi có cô em làm ở Agribank Khánh Hòa mới sinh em bé được hơn 1 tuổi nhưng 3 tháng nay chồng chưa về nhà. Mấy năm trước cô gái nhà ở KonTum nhưng lại đem lòng yêu chàng lính của Lữ đoàn tàu ngầm 189 ở tận Cam Ranh, bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Tuần nào cô cũng nhảy xe khách đi thăm người yêu, quãng đường ấy suốt 2 năm trời dài hơn mấy chục lần chiều dài đất nước. Lấy nhau được vài ngày thì chồng đi biển, cô gái lại mòn mỏi ở nhà bầu bí chờ chồng. Mỗi lần buồn quá, cô lấy giấy viết những điều mình suy nghĩ rồi bỏ vào một con lợn đất cất đi. Cô nói, em cất giữ cả tình yêu và tủi hờn, cả cô đơn và đợi chờ vào đây để sau này con em lớn lên em sẽ cho nó đọc, để nó hiểu được việc mẹ nó chấp nhận lấy một người lính là chấp nhận sống một cuộc đời dũng cảm.
Gần chục năm trước ra Trường Sa, tôi từng gặp một đại tá công binh, nhiều năm trời vác đá xây đảo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Anh đi biền biệt, gom mồ môi, gạn nước mắt và chắt chiu cả máu của mình gửi về bằng đồng lương ít ỏi để vợ nuôi con, làm nhà. Đến ngày anh trở về thì người vợ đã chung sống với người đàn ông khác trong chính ngôi nhà của anh. Anh giấu đơn vị, mấy năm liền không về quê ăn Tết, chỉ xin ở lại trực. Có lần thủ trưởng bắt về thì anh xách ba lô lên đi lang thang, tá túc nhà bạn bè cho đến hết Tết thì trở lại đơn vị.
Tôi nhớ mùa mưa năm 2011, chuyến tàu vận tải chở quân của Quân khu 5 chìm ở biển Cửa Đại (Quảng Nam). Ngày hôm ấy trời giông bão u ám, có một cô gái chạy ra cầu cảng chờ đón người yêu là bộ đội từ Cù Lao Chàm vào bờ, Tết này họ sẽ làm đám cưới. Khi tàu cách bờ khoảng 700m thì sóng dữ nổi lên đánh chìm. Cô gái tuyệt vọng đến mức ngất xỉu khi chứng kiến người mình yêu hy sinh ngay trước mắt… Hai tuần nữa thôi là họ nên vợ nên chồng.
Hay mới năm ngoái, mấy chục cán bộ, chiến sĩ từ binh nhì đến cấp tướng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu dân ở Thủy điện Rào Trăng. Đêm hôm ấy đoàn công tác hoàn toàn có thể dừng nghỉ sớm hơn, ở một nơi an toàn hơn nhưng vì nghĩ đến những người dân đang bị cô lập trong vùng lũ mà Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và đồng đội đã quyết đi vào sâu hơn… Họ đi và không về nữa.
Gần 2 năm qua, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội đã xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, chia cơm sẻ áo, nhường giường cho dân. Biền biệt tháng ngày xa gia đình, tang ma, cưới hỏi, vợ ốm con đau … họ cũng chỉ đều bái vọng qua màn hình điện thoại. Rồi cũng đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ mắc Covid-19 phải điều trị, nhưng đã có ai nản lòng, đã có ai dao động chưa ? Không, tất cả đều sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ.
Gần 2 năm qua cũng là quãng thời gian không thấy bất chợt phóng viên nào đó viết bài thắc mắc lương của lực lượng vũ trang cao hơn bình thường ! Không thấy ông thứ trưởng nào đó lên diễn đàn tị nạnh, lương tôi không bằng lương đại tá quân đội…
Lực lượng vũ trang là một loại hình lao động đặc biệt, lao động toàn thời gian, lao động xương máu. Thế nào là lương cao khi lương một Đại úy chỉ tầm 8-10 triệu đồng/tháng, đóng tiền ăn 2 triệu, rồi sinh hoạt, điện thoại… họ còn lại bao nhiêu gửi về cho gia đình? Họ làm thêm được gì khi thời gian 24/7 ở trong đơn vị quay tròn với 3 chế độ trong tuần, 11 chế độ trong ngày ?
Mức lương nào trả cho đủ cho hàng chục năm trời xa gia đình, người thân?
Mức lương nào trả đủ cho những chuệch choạc của cuộc đời khi vợ dại, con hư…?
Mức lương nào trả đủ cho toàn bộ tuổi trẻ hầu như không thể làm việc gì khác ?
Mức lương nào để họ sẵn sàng làm những công việc khó khăn nhất, thậm chí chấp nhận cả hy sinh?
Đó không phải chỉ là lương đâu, đó còn là kỷ luật, là trách nhiệm, là lý tưởng, là tình yêu của những người đã chọn cho mình khoác lên người bộ quân phục.
Ai trong đời cũng cần có một gia đình để yêu thương, một công việc để theo đuổi và một Tổ quốc để phụng sự.
Xin đừng so lương với bộ đội !
Nguồn: Hoàng Trường Giang BQĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét