Tại Việt Nam, một vài cụm từ được search trên Google nhiều nhất trong thời gian qua là: “Từ chối tiêm vaccine có bị phạt không?” và “Không chịu tiêm vero cell có bị phạt không”. Câu trả lời rất rõ ràng: Không. Và dĩ nhiên là không có nhiều người tìm kiếm cụm từ: “Có được từ chối nhiễm Covid-19 không” hay “Có được từ chối chết vì Covid-19” không. Và đáp án nếu có cho những ai muốn tìm kiếm cụm từ trên, cũng là: Không.
Arnold Schwarzenegger, từng là thống đốc thứ 38 của California từ năm 2003 đến năm 2011, một trong diễn viên nổi tiếng nhất Hollywood mọi thời đại phát biểu: “Bạn có quyền tự do trở thành một kẻ khốn nạn”. Kẻ hủy diệt nói thêm: “Có một loại virus ở đây. Nó giết người. Và cách duy nhất chúng ta có thể làm là tiêm vaccine, đeo khẩu trang, cách ly xã hội, rửa tay mọi lúc… Không, tự do là của bạn, tự do phải đi kèm với nghĩa vụ và trách nghiệm. Giống như một chiếc đèn giao thông, ai cũng có quyền tự do tham gia giao thông, nhưng phải dựa trên một sự khuôn mẫu và luật lệ. Những cột đèn giao thông được đặt để giúp người này không đâm vào người kia”.
Anti vaccine là gì? Đó là một trào lưu xuất phát từ châu Âu, lan sang Mỹ, Canada, Úc và một số quốc gia khác, trào lưu này có hàng chục triệu người sùng bái. Họ cho rằng vaccine chính là những thứ gây hại, không rõ ràng, họ có quyền từ chối tiêm vaccine, được tự do lựa chọn loại vaccine tiêm vào người và thậm chí một số hội nhóm còn muốn được tự quyết định thời điểm tiêm vaccine.
Cách đây ít ngày, khi VTV thông tin về việc Ba Lan viện trợ và nhượng lại lô vaccine AstraZeneca với khoảng 3,5 triệu liều cho Việt Nam, thì nhiều người Việt lao vào chê bai là vaccine này ở châu Âu không ai thèm tiêm nữa, đưa vaccine gần hết hạn về cho Việt Nam, sao không xin viện trợ và nhượng lại Pfizer hay Moderna…
Lạ kỳ thật, mỗi ngày có tới gần 10 ngàn ca nhiễm, khoảng trên 300 người chết mỗi ngày, có nơi đã phỏng tỏa gần 3 tháng, đội ngũ chống dịch đã hoạt động trên 100 ngày, các bệnh viện dã chiến được lập khắp mọi nơi không ngơi nghỉ… Vậy mà nhiều người vẫn còn giữ một tư tưởng “lựa chọn vacine” hay “tẩy chay vaccine”.
Vaccine Sinopharm thì bị chê là vaccine Tàu và giờ khi đưa được AstraZeneca từ nguồn viện trợ và mua lại từ các quốc gia khác thì lại bị chê là “vaccine thừa, vaccine cặn”.
Đầu tiên, về nguồn cung vaccine cho Việt Nam, nói thẳng ra là bị phụ thuộc vào nguồn cung từ thế giới vốn đang rất khan hiếm. Ngoài nguồn cung từ cơ chế Covax - vốn về nhỏ giọt và về theo đợt, chúng ta có thêm nguồn cung từ vaccine nội địa và vaccine qua ngoại giao. Vaccine nội địa thì có Nanocovax đang trong giai đoạn nghiên cứu cấp phép khẩn cấp. Còn vaccine ngoại giao, loại vaccine mà nhiều người độc mồm độc miệng nói là “cơm thừa, canh cặn”, là các loại vaccine có được thông qua đường lối ngoại giao, bằng cách viện trợ song phương, sang nhượng lại… Ví dụ như Trung Quốc viện trợ 500 ngàn liều Sinopharm tiêm cho các tỉnh biên giới phía Bắc, Nhật Bản viện trợ 3 triệu liều AstraZeneca, Ba Lan viện trợ 500 ngàn liều và nhượng lại 3 triệu liều với mức giá hữu nghị…
Nói hơi phũ một tý, là Chính phủ thông qua con đường ngoại giao rất tốt để đưa vaccine về. Mà đang lúc khó khăn, người ta cho cái gì thì nhận cái đó. Thật khó hiểu là nhiều người chi li tính toán, lại còn đòi vaccine “xịn”. Kiểu như các cụ ta hay nói: “Đã ăn mày rồi còn đòi xôi gấc”. Bất cứ một quốc gia nào cũng đều có tư tưởng quốc gia của họ là trước tiên, họ phải lo xong cho họ đã, họ hỗ trợ mình bao nhiêu và loại gì thì cũng đều quý giá.
Tiếp nữa, Việt Nam đã tiêm chủng khoảng 1,3 - 1,5 triệu liều vaccine Sinopharm, chiếm khoảng 10 - 13% số vaccine đã tiêm cả nước và đến nay chưa ghi nhận bất cứ một ca tử vong vào do loại vaccine này gây ra. Trong khi đã ghi nhận 5 ca tử vong đều đến từ vaccine phương Tây. Thực tế, có nhiều nguyên nhân gây ra tử vong, như công tác khám trước tiêm, bệnh nền chưa được phát hiện, biến chứng phản vệ… Nhưng rõ ràng, không phải cứ tiêm vaccine Sinopharm là “chết người” như một ai đó phát ngôn viral trên Tiktok.
Thực tế, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Sinopharm có ít tác dụng hơn Pfizer hay Moderna, AstraZeneca gây ra nhiều biến chứng sau tiêm và ít tác dụng hơn các loại vaccine khác. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn con đường đi, một con đường không có bất cứ công cụ phòng bị nào, với một con đường có công cụ phòng bị hiệu quả khoảng 79%, thì con đường tốt nhất chắc chắn là con đường có công cụ phòng bị rồi. Tom Frieden, cựu giám đốc CDC Hoa Kỳ, viết lên trang cá nhân: “Có rất ít người được tiêm chủng gặp triệu chứng nặng hoặc chết vì Covid-19. Vaccine Covid không hoàn hảo, nhưng chúng có hiệu quả đáng kinh ngạc”. Người này cho biết thêm, bất cứ một loại vaccine nào được WHO cấp phép khẩn cấp đều đáng tin cậy, vì đội ngũ chuyên gia của WHO có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, lương tâm, trình độ.
Tại Mỹ, đang có một làn sóng nghi ngờ rằng các vaccine mRNA được Chính phủ Mỹ...cài vào cơ thể người dân để thay đổi cấu trúc DNA và hệ quả là rất nhiều người tin tưởng vào thuyết âm mưu đó và không chịu tiêm vaccine. Cũng chính Tiến sĩ Tom Frieden phủ quyết hài hước rằng: “Vaccine mRNA chỉ cung cấp khả năng miễn dịch với Covid. Sau đó chúng biến mất như một tin nhắn Snapchat”, đoạn viết nhận được hơn 50 ngàn lượt yêu thích.
Bạn có quyền từ chối tiêm Sinopharm hay AstraZeneca và thậm chí sẽ rất khó có cơ quan pháp luật nào đó phán tội cho bạn nếu bạn “anti vaccine”. Nhưng bạn không được phép kêu gọi, lan truyền, xuyên tạc và ép người khác cũng làm như bạn. Không phải người nào tiêm Sinopharm cũng “quỳ gối trước Trung Quốc” hay vaccine AstraZeneca dù qua con đường nhượng nhưng chẳng sao cả, rất có ích cho công tác phòng dịch.
Covid không hề phân biệt, ai cũng có thể trở thành bệnh nhân, không ai có thể gào mồm là “tôi miễn nhiễm với Covid”. Vì vậy, xin hãy tiêm ngay khi còn có thể, với bất cứ loại vaccine nào đã được các cơ quan chuyên môn cấp phép! Nếu không tin họ - những bác sĩ, chuyên gia y tế, thì có lẽ bạn cũng không cần lời khuyên điều trị Covid từ họ, nếu như bạn mắc bệnh.
Xin mượn một câu nói của một bạn đã tiêm Sinopharm: "Mình có thể chọn tiêm hoặc không, nhưng không thể chọn dương hay âm tính với COVID-19".
---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét