Thất bại là điều không ai mong muốn, song đây cũng là cơ hội để ngành thể thao nhìn lại những khó khăn, tồn tại từ công tác chuẩn bị, quản lý, nguồn lực đầu tư để từ đó điều chỉnh chiến lược phát triển cho phù hợp.

Khó khăn chồng chất

Trước khi Olympic Tokyo 2020 khởi tranh, Hãng thông tấn AP dự đoán: TTVN sẽ giành một huy chương bạc và một huy chương đồng tại môn cử tạ. Nhận định trên càng có cơ sở khi nhìn vào thành tích tập luyện và thi đấu của lực sĩ Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên đều có thông số đạt tốp đầu thế giới ở hạng 61kg nam và 59kg nữ. Tuy nhiên, cả hai VĐV này đã tự thua chính mình và không thể giúp TTVN hoàn thành chỉ tiêu. Tương tự ở môn bắn súng, taekwondo, bắn cung, những niềm hy vọng mang tên Hoàng Xuân Vinh, Trương Thị Kim Tuyền, Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ cũng không thi đấu đúng phong độ.

Nhìn lại để biết bước đi
 Đô cử Hoàng Thị Duyên thất bại vì không có sự chuẩn bị tốt cho Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters

Tác động của dịch Covid-19 cộng với việc chấn thương của một số tuyển thủ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của TTVN tại Olympic Tokyo 2020. Theo đó, VĐV môn cử tạ phải cách ly tới hơn 40 ngày trước khi dự Thế vận hội, không có cơ hội tập huấn quốc tế gần hai năm qua; trong khi VĐV môn thể dục dụng cụ gặp chấn thương trước khi tranh tài. Một lần nữa điểm yếu cố hữu là tâm lý thi đấu thiếu ổn định mà VĐV Việt Nam bộc lộ tại đấu trường Olympic. Đây là hệ quả của một thời gian dài VĐV vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được làm quen với các công nghệ thể thao hàng đầu như: Vật lý trị liệu, khoa học kỹ thuật trong tập luyện, tâm lý thể thao...

Đánh giá về kết quả thi đấu của TTVN tại Thế vận hội kỳ này, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam không tỏ ra bất ngờ và cho rằng: “Olympic vẫn chưa phải là sân chơi của chúng ta”. Lý giải về nhận định trên, ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng, Olympic vẫn quá tầm với không chỉ TTVN mà còn cả với Đông Nam Á. Việc Thái Lan, Philippines, Indonesia đã có huy chương vàng Olympic Tokyo 2020 đến từ việc họ biết tận dụng thế mạnh môn thể thao của họ. Đó chỉ là điểm sáng hiếm hoi, còn nếu cạnh tranh sòng phẳng thì rất khó để thể thao Đông Nam Á có “cửa”. TTVN đến với Olympic Tokyo 2020 với mục tiêu phấn đấu có huy chương, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến chúng ta không hoàn thành mục tiêu khi nhiều VĐV không được đi tập huấn, thi đấu quốc tế. “Nguồn lực đầu tư cho thể thao của nước ta đã tăng nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Tôi cho rằng, sân chơi chính của TTVN là SEA Games dần vươn tới trình độ của ASIAD, từng bước tiệm cận với đẳng cấp của Olympic. Mục tiêu thiết thực nhất của chúng ta là cố gắng có nhiều VĐV được tham dự Thế vận hội. Đây là quá trình bền bỉ, lâu dài, cần nguồn lực đầu tư lớn. TTVN phải biết mình là ai và chúng ta không nên vì một kỳ Thế vận hội không có huy chương mà chỉ trích, phê phán nặng nề. Đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại để có sự điều chỉnh cho phù hợp”, ông Hoàng Vĩnh Giang khẳng định. Người có trách nhiệm thì nói vậy, nhưng chắc chắn đó không phải là mục tiêu của đất nước, càng không phải là niềm mong mỏi của người hâm mộ, nhân dân nước nhà. Ở kỳ Olympic trước, khi Đoàn TTVN giành huy chương, chúng ta đã nức nở, vui mừng thế nào...

Điều chỉnh chiến lược không thể dựa vào cảm tính

Bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về nâng cao chế độ, chính sách cho VĐV thể thao thành tích cao thì những năm qua, Chính phủ đã ban hành chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển TTVN. Trong đó, “Quy hoạch phát triển thể dục, TTVN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu: Đối với Olympic giai đoạn 2020-2030, TTVN đặt mục tiêu có từ 30 đến 50 VĐV tham dự, đạt trên hai huy chương và phấn đấu có huy chương vàng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sau Olympic Tokyo 2020, một số mục tiêu, chiến lược phát triển của TTVN cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban Thể dục thể thao (nay là Tổng cục Thể dục thể thao) đánh giá: “Sau Olympic Tokyo 2020, ngành TTVN phải xác định hai nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, đầu tư kinh phí. Thứ hai, đầu tư vào khâu quản lý, giám sát, tổ chức thực hiện, bảo đảm chế độ dinh dưỡng... Ngoài ra, phát triển thể thao thành tích cao là cả một lộ trình dài về ứng dụng khoa học kỹ thuật, y học, chữa trị chấn thương cho VĐV".

Trong những năm qua, TTVN đã chuyển hướng đầu tư nhiều cho các môn thể thao Olympic và đã gặt hái được những thành công ở SEA Games và ASIAD. Thực tế, trình độ của TTVN vẫn còn xa so với đẳng cấp của Thế vận hội. Ngoài việc cần điều chỉnh chiến lược, tác giả bài viết này cho rằng: TTVN cần áp dụng khoa học, công nghệ, y học vào việc sàng lọc, tuyển chọn VĐV ngay từ khi còn nhỏ, đào tạo cá biệt. Phải có tầm nhìn dựa trên các chỉ số khoa học, cấu trúc cơ thể xem VĐV có thể phát triển tới đâu, phù hợp với môn nào chứ không thể cảm tính, dựa theo kinh nghiệm được.

HỮU TRƯỞNG