Tại Phòng truyền thống LLVT thành phố Cần Thơ, chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi được "thực mục sở thị" một vật dụng gắn liền với nhiều chiến công của quân và dân địa phương-đó là chiếc kèn đồng của đồng chí Tư Đô, tên thật là Võ Văn Thành Đô, nguyên cán bộ Tiểu đoàn Tây Đô.
Trước khi tham gia cách mạng, đồng chí Tư Đô bị giặc Pháp bắt đi làm lính thổi kèn đồng vì không có tiền đóng thuế thân. Giác ngộ cách mạng, đồng chí đã trốn quân Pháp bắt lính và tham gia vào lực lượng cách mạng Tây Đô (tên gọi trước cách mạng của thành phố Cần Thơ). Cũng từ ngày đó, chiếc kèn đồng trở thành một "chiến sĩ" của lực lượng cách mạng Tây Đô trên khắp chiến trường từ Cần Thơ, Sóc Trăng đến Rạch Giá, An Giang... Trong mỗi trận đánh, tiếng kèn thôi thúc lòng quân dân ra sức thi đua chiến đấu, lập nhiều chiến công cho đến thắng lợi cuối cùng 30-4-1975. Lúc vào trận, kèn cất tiếng vang giục giã bước chân xung phong giết thù. Còn lúc ở căn cứ, kèn lại vang lên các khúc ca cách mạng, khích lệ tinh thần đấu tranh cho cán bộ, chiến sĩ.
Giai đoạn 1959-1960, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương và Nghị quyết của Liên tỉnh ủy miền Tây, các LLVT của toàn miền lần lượt ra đời, trong đó có đơn vị Tây Đô (tiền thân của Tiểu đoàn Tây Đô, Bộ CHQS thành phố Cần Thơ). Ngay khi mới thành lập, vào tháng 1-1960, đơn vị Tây Đô đánh trận đầu tiên chống giặc càn vào chiến khu cách mạng ở bờ Cây Vông-Bảy Ngàn (nay thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt bởi quân số của địch đông hơn ta gấp nhiều lần, phòng tuyến kéo dài dọc theo bờ kênh, do đó đồng chí Tư Đô vừa chiến đấu, vừa thổi kèn lệnh, rồi nhanh chóng di chuyển đến nơi khác, cứ thế cơ động khắp trận địa... Trong khi di chuyển, cây kèn bị trúng đạn vỡ chỗ co eo, thổi không phát ra tiếng. Đồng chí Tư Đô nhanh trí vo cục đất sét đắp vào chỗ thủng trên thân kèn, sau đó dùng tay giữ chặt chỗ đắp đất và tiếp tục thổi. Nhờ vậy, tiếng kèn tiếp tục vang lên, làm sôi sục khí thế tiến công của cả đơn vị, góp phần vào thắng lợi của trận đánh.
Sau trận đánh, những tù binh địch đã thú nhận: "Trận đánh bắt đầu bằng những trái bộc phá và những loạt đạn kinh hồn khiếp vía, tiếp theo là tiếng kèn hùng hồn của Quân giải phóng làm chúng tôi hoang mang, hoảng sợ tìm đường chạy trốn hoặc buông súng đầu hàng...".
Hiện nay, chiếc kèn được lưu giữ, trưng bày nhằm góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về chiến công của những người lính giải phóng quân miền Tây Nam Bộ.
NGUYỄN NGỌC LINH - Báo QĐND
Cây kèn xung trận của Tiểu đoàn Tây Đô được trưng bày tại Phòng truyền thống LLVT thành phố Cần Thơ. Ảnh: TUẤN HUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét